Thứ Ba, 17/04/2012 06:48

Tắc đầu ra: DN phá sản theo dây chuyền

Tồn đọng tài sản lớn, các DN được chào mời vốn rẻ cũng không dám vay. Nếu không có một cách tháo gỡ đống bộ thì các DN chỉ còn nước ôm tài sản rồi chết dần.

Khi bán không ai mua

Trong một báo cáo "kêu cứu" gửi các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (Horea) cho biết, tổng số nợ mà các DN BĐS đã niêm yết trên TTCK lên đến 200.000 tỉ đồng, trong khi quỹ tiền mặt mà các DN này đang nắm giữ chỉ khoảng 9.000 tỉ đồng. Với tình hình tài chính như vậy, các DN BĐS chỉ đủ khả năng cầm cự thêm được vài tháng nữa.

Nguồn trông chờ lớn nhất của các DN BĐS chính là việc bán bớt tài sản mà cụ thể là số nhà đất đang xây dựng. Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Horea, hiện nay 60 -70% DN BĐS tại tp Hồ Chí Minh đang trong tình trạng "đắp chiếu", sản phẩm làm ra không bán được.

Không chỉ các DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn mà  phần lớn các DN BĐS trên cả nước cũng chung tình cảnh này. Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, tổng quỹ căn hộ tồn đọng đã lên đến trên 10.000 căn.

Thị trường BĐS trầm lắng ở tất cả mọi phân khúc, có nhiều DN cả năm nay không bán được gì. Nhà giá rẻ là điểm sáng duy nhất nhưng nay cũng khó tìm được đầu ra, các DN hầu hết đã dừng sản xuất, cho lao động nghỉ.

Đầu ra không có, không vay được vốn, dự án đình trệ, nợ chồng chất... đang khiến nhiều DN BĐS ngập trong khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho hay, hiện nay tất cả các DN địa ốc đều khó khăn, có công ty phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày.

Nhiều DN BĐS thời gian qua đã phải chuyển hướng kinh doanh. Công ty địa ốc Bình Dân ( tp Hồ Chí Minh) cho biết đã phải quay sang mở quán ăn để lấy tiền trang trải những chi phí hàng ngày.

Công ty Phát triển BĐS Phát Đạt (tp Hồ Chí Minh), theo báo cáo tài chính đến cuối tháng 12/2011, tổng số hàng tồn kho (BĐS) tăng cao, nợ lớn, hiện đã phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh về nông nghiệp, trồng rừng, cao su... và xác định sẽ là nguồn thu ổn định để nuôi ngành kinh doanh BĐS đang gặp khó khăn.

Nhiều dự án tại tp Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện đất để không, cho thuê làm quán cà phê, trông giữ xe và rửa xe.

Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp DN BĐS phải bán đổ bán tháo dự án, tháo chạy khỏi thị trường.  Tập đoàn Dầu khí từ cuối năm 2011đã thoái vốn khỏi dự án PVN Tower (Hà Nội).

Một dự án BĐS trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có diện tích 4.000 m2, đã được phê duyệt gồm 2 tòa nhà 30 tầng với mật độ xây dựng 50%, đầy đủ pháp lý, đang chào bán với giá  470 tỷ đồng, nhưng rao bán cả mấy tháng nay vẫn chưa tìm được người mua.

Trên đường Phạm Hùng, Khu đô thị Linh Đàm, một số dự án cỡ trung bình, có diện tích từ 2.700m2 -  3.600m2 , xây từ 20- 25 tầng, đang chào bán với giá 88- 92 tỷ đồng, nhưng cũng không có ai mua.

Một dự án quy mô lớn tại quận Hà Đông rao bán dự án gần 6 héc-ta bao gồm biệt thự, liền kề và căn hộ, có phê duyệt quy hoạch 1/500, có quyết định giao đất, đã giải phóng mặt bằng và san nền mức giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm đất lên cơn sốt hồi năm 2010...

Chết theo dây chuyền

Doanh nghiệp BĐS khó khăn kéo theo sự khó khăn của các DN sản xuất vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch ốp lát sứ vệ sinh... các DN trong lĩnh vực này cũng đang bơi trong khó khăn.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, trong quý 1/2012 lượng thép tiêu thụ đạt 1.153.000 tấn giảm 10% so với cùng kỳ 2011. Trong đó tháng 1 tiêu thụ giảm mạnh chỉ đạt 233.000 tấn. Đến tháng 3 tăng lên 551.000 tấn nhưng không phải do đầu ra đã khơi thông, mà do tháng 1 và 2 tiêu thụ quá thấp và thấy giá cả đầu vào thép tăng lên nên nhiều khách hàng đã tăng mua vào để dự trữ.

Tồn kho hiện đã giảm còn 288.000 tấn. Tuy nhiên giá đầu vào sản xuất thep như phôi thép vừa qua dã tăng thêm 500.000 đồng/tấn, điện tăng, xăng dầu tăng, lãi suất vay cao đã làm cho giá thành sản phẩm 1 tấn thép hiện đang ở mức 15,5 triệu đồng/tấn, nhưng giá bán thì không thể tăng được do cạnh tranh khốc liệt. Hiện gía bán thép của các DN ở mức 15,3-17 triệu đồng/tấn và phải khuyến mãi lớn cho khách hàng nên thua lỗ không phải là ít.

Theo ông Cường hiện có 4 DN đã mấy tháng nay không có sản lượng. Chẳng hạn như DN Thép Nam Đô,  Công ty cổ phần thép Thăng Long Kansai. Một số DN khác như Vinashin Cửu Long hiện đang gia công thuê, tức là khách hàng nào tìm được đầu ra, mua phôi đưa đến thì DN cho thuê dây chuyền sản xuất. Nhiều DN thép khác đã phải cắt giảm đến 50% công suất như Công ty Thép Việt. Hệ quả là hàng nghìn lao động đã phải nghỉ việc giãn việc, kéo theo thu nhập giảm sút.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết, tiêu thụ xi măng đang ở mức thấp, chỉ bằng 70%- 80% so với cùng kỳ. Thị trường xi măng dư cung 8 - 10 triệu tấn, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn... khiến nhiều DN xi măng  quay ra cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều tung ra mức chiết khấu cao, kèm theo khuyến mãi  "khủng" như mua 100 bao tặng 9-13 bao  từ nhiều tháng qua nhưng sức mua vẫn thấp.

Một số nguồn tin cho biết, nhiều DN sản xuất xi măng lỗ hàng ngàn tỷ đồng, đặc biệt là các DN mới đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phải trả lãi vay lớn, thậm chí có DN đã phải tạm dừng 1 dây chuyền.

Vấn đề quan trọng là đầu ra cho những sản phẩm này. Không có đầu ra thì DN cũng chẳng thể nào hoạt động nổi.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện nay DN BĐS cực kỳ khó khăn do thị trường đóng băng lâu quá. DN có cố gắng cũng chỉ chịu đựng được vài tháng nữa.

Ông Hiệp phân tích, về chính sách, tiền sử dụng đất đối với các dự án đã khởi công, đến khi làm xong móng là phải trả hết. Nhưng nếu làm xong móng mà DN không bán được hàng có nghĩa DN vừa căng người lên trả tiền sử dụng đất và trả tiền móng. Những DN lâm vào tình cảnh này sẽ rất khốn đốn. Dù có vay được vốn ngân hàng để tiếp tục nhưng không có người mua thì nợ càng chồng chất.

Việc hạ lãi suất và nới lỏng cho vay BĐS sẽ giúp cho các DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, tuy nhiên các DN BĐS cho biết họ chưa thể vui mừng vì điều quan trọng nhất là đầu ra. Nếu khách hàng không mua thì DN cũng không có tiền trả ngân hàng. Nhiều DN sẽ bị ăn mòn hết tài sản vì đầu tư không sinh lợi và hàng đống tài sản sẽ bị chôn vùi trong núi nợ.

Mạnh Hà

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Nhiều DN “chết” nhưng không chịu khai tử (17/04/2012)

>   Tâm lý của chủ doanh nghiệp dao động (16/04/2012)

>   20% doanh nghiệp thủy sản đình đốn (16/04/2012)

>   Tăng giám sát doanh nghiệp sau đăng ký (16/04/2012)

>   Chưa rõ cơ chế tài chính cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (16/04/2012)

>   Doanh nghiệp trốn nợ (16/04/2012)

>   “Cứu” xuất khẩu bằng nâng chất lượng (15/04/2012)

>   Nông dân "khóc ròng" vì cá tra, basa rớt giá mạnh (15/04/2012)

>   Dừng đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Lý Sơn (15/04/2012)

>   “Cuộc chiến” tại Thuốc lá Thăng Long? (15/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật