Thứ Ba, 17/04/2012 13:18

Doanh nghiệp nhà nước: Của ai, do ai, và vì ai?

Làm sao để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (không thuộc diện tư nhân hóa) khắc phục được những yếu kém, giảm gánh nặng cho nền kinh tế? Khi đối chiếu với doanh nghiệp tư nhân, nếu trả lời được cụ thể ba câu hỏi DNNN là của ai? do ai? và vì ai? sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của DNNN hiện nay.

DNNN của ai?

Doanh nghiệp cổ phần (tư nhân) thuộc sở hữu các cổ đông. Các cổ đông góp vốn vào công ty và trở thành chủ sở hữu công ty. Cổ đông ý thức rất rõ quyền hạn của mình vì họ trực tiếp bỏ vốn, tiền bạc của mình vào công ty. Họ biểu quyết các vấn đề của công ty mà các nhà kinh tế học gọi là “bỏ phiếu bằng tay” và khi quyền này bị giới hạn thì họ có thể “bỏ phiếu bằng chân”, tức là bán quyền sở hữu (cổ phiếu) của mình. Vì vậy, giới quản lý phải hết sức làm hài lòng các chủ sở hữu này.

Còn trong DNNN, ai là chủ sở hữu, và quyền chủ sở hữu được thực hiện như thế nào để giới quản lý phải hết sức mình phụng sự nhằm làm DNNN phát triển?

Bước đầu tiên để chấn chỉnh DNNN có lẽ là việc phải xác định rõ chủ sở hữu của loại doanh nghiệp này không phải là Nhà nước mà chính là toàn dân. Hai chữ “nhà nước” trong DNNN đã vô tình che mất những người sở hữu - nhân dân này. Điều này rất cụ thể cả về góc độ tài sản công ty (tài sản quốc gia - của dân) và vốn đầu tư. Vốn đầu tư DNNN hình thành từ ngân sách nhà nước - chính là nguồn thu từ trong dân.

Như vậy, DNNN không phải do một ai làm cổ đông mà tất cả người dân trong một nước chính là cổ đông công ty. Vì thế, DNNN có thể được xem như một công ty cổ phần mà sở hữu vốn rất phân tán. Như vậy, sự yếu kém của DNNN có thể có nguyên nhân từ việc người dân không biết rằng họ là chủ sở hữu DNNN nên không thực hiện quyền kiểm soát của mình để làm áp lực lên giới quản lý như trong công ty cổ phần.

Vì vậy xác định lại và xác định rõ chủ sở hữu là điều tiên quyết để giải quyết bài toán DNNN. Tuy nhiên, so với công ty cổ phần, liệu “cổ đông” của DNNN có được cơ chế để thực hiện quyền sở hữu của mình? Việc trả lời câu hỏi tiếp theo “DNNN do ai?” và “vì ai?” sẽ góp phần làm rõ cơ chế này.

Do ai?

Trả lời câu hỏi “do ai?” chính là trả lời cho hai câu hỏi do ai lãnh đạo và do ai quản lý?

Công ty cổ phần là thuộc sở hữu cổ đông nhưng do hội đồng quản trị (HĐQT) lãnh đạo và do ban giám đốc (BGĐ) quản lý, và DNNN cũng vậy. Sự khác nhau giữa hai loại hình doanh nghiệp nằm ở vai trò của cổ đông ảnh hưởng đến hai thành phần này như thế nào.

Trong công ty cổ phần, cổ đông bầu ra HĐQT để lãnh đạo công ty. HĐQT định hướng chiến lược cho công ty và tuyển chọn BGĐ để quản lý công ty theo định hướng, chiến lược mà mình đề ra. Cổ đông tham gia quyết định bằng cách bỏ phiếu cho các vấn đề quan trọng của công ty, mà quan trọng nhất là quyết định người lãnh đạo và quản lý công ty. Nhưng họ không bị động mà có quyền bỏ phiếu “bằng chân” khi không vừa lòng, và khi họ không hài lòng thì BGĐ cũng rất có thể phải ra đi, vị thế HĐQT cũng sẽ lung lay.

Trong khi đó, có thể thấy rằng, tuy là chủ sở hữu DNNN, người dân không có quyền bầu HĐQT hay BGĐ. Đồng thời, chủ sở hữu không có được sự lựa chọn là có tiếp tục bỏ vốn vào DNNN hay không, hay nói cách khác, không có cơ hội bỏ phiếu “bằng tay” lẫn “bằng chân”.

Vì không rõ ràng trong quan hệ sở hữu - lãnh đạo - quản lý nên những người lãnh đạo hay quản lý sẽ làm việc không vì mục tiêu của người sở hữu và không bị kiểm soát. Không giống công ty cổ phần, cả hai thành phần HĐQT và BGĐ trong DNNN rất giống nhau và phần lớn là các viên chức được bổ nhiệm (không phải do dân bổ nhiệm).

Thật ra, người dân vẫn có thể thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua cơ chế đại diện và khi các DNNN thuộc quyền kiểm soát của Quốc hội-là đại diện của dân. Người dân bầu đại biểu Quốc hội và cơ quan này sẽ bổ nhiệm HĐQT và trực tiếp thông qua các vị trí quản lý BGĐ hay gián tiếp qua đề cử/bổ nhiệm từ HĐQT. Đồng thời hệ thống báo chí cũng tham gia đánh giá hiệu quả của DNNN, vạch ra những sai sót của các thành viên lãnh đạo và quản lý của các công ty này vì lợi ích quốc gia (lợi ích của dân hay của chủ sở hữu).

Nhưng, tại sao DNNN vẫn yếu kém? Trả lời câu hỏi này cần quay lại mối quan hệ giữa HĐQT (đại diện cho cổ đông) và BGĐ. Sự thành công của công ty phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của nhà tư bản và kỹ năng của nhà quản lý. Khi xét DNNN, giả định Quốc hội là người bổ nhiệm HĐQT và có thể cả BGĐ, có thể thấy rằng những người đại diện cho cổ đông nhân dân này rất khó có thể có tầm nhìn của một nhà tư bản. Họ thường là các công chức và xung quanh họ là một số công chức có sẵn/thân quen để họ bổ nhiệm lãnh đạo công ty. Quy trình chọn lựa, bổ nhiệm những người lãnh đạo HĐQT và những người quản lý BGĐ DNNN thường ít được đánh giá và kiểm soát.

Đến lượt HĐQT và BGĐ DNNN, họ là những công chức theo nhiệm kỳ nên thường sẽ làm việc theo tư duy nhiệm kỳ và đối tượng mà họ làm hài lòng không phải là cổ đông - nhân dân (vốn rất mơ hồ) mà là những người đã bổ nhiệm họ (vốn rất cụ thể). Vì thế về mặt bản chất, lợi ích cổ đông rất khó được đảm bảo và vì thế, DNNN khó lòng phát triển được.

Như vậy, ngoài việc phải xác định chủ sở hữu là người dân, chúng ta cần giải quyết những vấn đề sau để đưa DNNN vào quỹ đạo của thị trường:

- HĐQT trong DNNN, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải do các tiểu ban thuộc Quốc hội bổ nhiệm và phải báo cáo trước các tiểu ban này.

Bước đầu tiên để chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước có lẽ là việc phải xác định rõ chủ sở hữu của loại doanh nghiệp này không phải là Nhà nước mà chính là toàn dân. Hai chữ “nhà nước” trong doanh nghiệp nhà nước đã vô tình che mất những người sở hữu - nhân dân.

- Các cá nhân được bổ nhiệm (làm HĐQT) sẽ không là công chức nhà nước, phải gắn bó và chịu trách nhiệm với sự tồn tại và phát triển của DNNN. Họ có trách nhiệm bổ nhiệm BGĐ đủ tài và tâm huyết để phát triển công ty.

- Ít nhất BGĐ nên được chọn theo quy luật thị trường, họ phải là những người có kỹ năng quản trị kinh doanh chứ không phải là các công chức chỉ biết cung cúc tận tụy với người bổ nhiệm mình, và là người dứt khoát không được liên quan đến HĐQT.

- Các đại biểu Quốc hội phụ trách những tiểu ban này nên tập trung chủ yếu là các doanh nhân thành đạt của nền kinh tế, có tư duy của nhà tư bản - kinh doanh, sẽ bổ nhiệm đúng người có năng lực cho DNNN. Làm được điều này sẽ mang lại đột phá, góp phần giải quyết ách tắc của DNNN do các công chức gây ra!

DNNN vì ai?

Đã trả lời hai câu hỏi của ai và do ai, thì câu trả lời cho câu hỏi thứ ba “DNNN vì ai?” cũng đã phần nào được trả lời. Công ty cổ phần do BGĐ quản lý về cơ bản phải vì lợi ích của cổ đông, DNNN hoạt động cũng vì lợi ích của cổ đông nhân dân.

Thời gian qua, DNNN được xem là hoạt động không hiệu quả so với doanh nghiệp tư nhân. Một trong những lý do để biện minh cho điều này là trong khi các công ty tư nhân cố gắng tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông, DNNN thường phải gồng gánh một số trách nhiệm xã hội cũng như phải đối phó với những thất bại của thị trường, dẫn đến việc các DNNN không hướng đến và cũng không cần cố gắng tối đa hóa lợi nhuận như các công ty tư nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình tối đa hóa lợi ích cổ đông, công ty cổ phần phải tôn trọng lợi ích của các thành phần liên quan khác (stakeholders). Các công ty trong thế giới văn minh bất kể loại hình nào đều phải quan tâm đến trách nhiệm vì cộng đồng, vì xã hội đã hướng mục đích tồn tại của công ty theo hướng thỏa mãn ba lợi ích quan trọng như nhau (triple bottom lines). Đó là kinh tế (lợi nhuận), sinh thái (trái đất) và xã hội (con người), chứ không chỉ có lợi nhuận hay chỉ có lợi ích của cổ đông.

Thực hiện tốt những yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến chi phí công ty và lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, công ty cổ phần phải chấp nhận vì đó là chuẩn mực, thậm chí các công ty cổ phần còn hướng đến vượt các chuẩn mực đó. Vì thế, cho rằng DNNN phải vì những trách nhiệm xã hội, bảo vệ lợi ích người lao động... mà hiệu quả kinh tế thấp là chưa thỏa đáng.

Vì vậy, các nhiệm vụ chính trị xã hội, dịch vụ công nào mà DNNN phải đảm nhiệm cũng cần quy định rõ ràng. Các nghĩa vụ của DNNN cũng như chi phí liên quan cần phải được công bố minh bạch với công chúng.

TS. Lê Vinh Triển

tbktsg

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Vương Đình Huệ: DN có thể được hỗ trợ thêm về tài chính (17/04/2012)

>   Chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý I bị tụt giảm (17/04/2012)

>   PVN có thể nộp ngân sách nhiều hơn (17/04/2012)

>   Tắc đầu ra: DN phá sản theo dây chuyền (17/04/2012)

>   Nhiều DN “chết” nhưng không chịu khai tử (17/04/2012)

>   Tâm lý của chủ doanh nghiệp dao động (16/04/2012)

>   20% doanh nghiệp thủy sản đình đốn (16/04/2012)

>   Tăng giám sát doanh nghiệp sau đăng ký (16/04/2012)

>   Chưa rõ cơ chế tài chính cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (16/04/2012)

>   Doanh nghiệp trốn nợ (16/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật