Thứ Ba, 17/04/2012 22:33

Trăn trở doanh nghiệp Việt

Những ngày vừa qua thông tin trên thị trường chứng khoán xôn xao về việc thương hiệu Bibica có thể sẽ bị thôn tính bởi đối tác chiến lược: Lotte. Điều này đã mở ra một câu chuyện về tư duy và ý chí kinh doanh của các nhãn hàng Việt Nam.

Khi nền kinh tế đất nước mở cửa, các DN và doanh nhân ai cũng hồ hởi, vui mừng. Cơ hội mới đã đến, như con thuyền trước biển rộng mênh mông và hy vọng tràn trề về những mẻ lưới nặng cá đầy.

Và đúng như hy vọng, cơ hội đã đến với nhiều DN, nhiều thương hiệu Việt Nam đã từng bước khẳng định trên thị trường, được cả thế giới biết đến, mang lại nguồn GDP không nhỏ cho đất nước.

Nhưng cơ hội luôn đi cùng những thách thức, hiểm nguy và thương trường như chiến trường. Khi chúng ta một cuộc chơi lớn hơn cũng buộc phải tuân theo luật chơi của những “người lớn”, nếu không theo kịp cuộc chơi sẽ phải chiu quy luật khắc nghiệt của sự đào thải.

Ai cũng biết vậy nhưng nhiều DN Việt Nam tham gia cuộc chơi khắc nghiệt trên không phải bằng bản lĩnh, năng động mà bằng niềm hy vọng và sự hồ hởi, cũng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì vậy, đến nay sau bao nhiêu năm hội nhập, vẫn còn không ít DN đang ở trong tình trạng “giậm chân tại chỗ’’ một cách khó hiểu.

Nhiều người Việt Nam đã quen thuộc với những nhãn hàng, sản phẩm nội địa như: xe đạp Thống Nhất, nước khoáng Vital, kem Tràng Tiền, bánh kẹo Bibica, bánh đậu xanh Nguyên Hương, nước mắm Cát Hải, Phú Quốc, Nha Trang, nước hoa Miss Sài Gòn…

Đó đều là những cái tên đã tạo dựng niềm tin trong lòng khách hàng từ bao lâu nay, thậm chí kem Tràng Tiền còn được coi như một hình ảnh văn hóa ẩm thực của Hà Nội.

Thế nhưng sau từng ấy năm, kem Tràng Tiền - vẫn với hương vị đó, với từng ấy mặt hàng sản phẩm, chất lượng đôi lúc còn không được ổn định, số lượng cửa hàng tăng thêm ít ỏi và nghèo nàn. Và người Hà Nội vẫn cứ phải tới số 35 phố Tràng Tiền mới yên tâm được thưởng thức đúng món kem ngon.

Hoặc nước khoáng Vital vẫn chỉ có 2 loại: nước khoáng thiên nhiên có ga và không ga, không có mặt trong sự lựa chọn tại các văn phòng, công sở. Và trong khi một phần lớn thị trường hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ cho những hãng nước không tên tuổi, không nguồn gốc xuất xứ nhưng Vital cũng không biết cách nào để giành lại được thị phần.

Nhiều khách hàng cũng chỉ biết bánh đậu xanh là đặc sản của Hải Dương hay nước mắm Cát Hải là đặc sản của miền biển Cát Bà (Hải Phòng), chứ chẳng mấy ai phân biệt được có bao nhiêu chủng loại sản phẩm, chúng khác nhau như thế nào và hương vị đặc biệt là do đâu?

Tất nhiên, nhiều DN trên vẫn đều đặn tăng doanh thu, sản phẩm vẫn tiêu thụ ổn định, và thị trường vẫn giữ vững hàng năm. Các vị lãnh đạo không quá phải đau đầu với các chiến lược cạnh tranh, mở rộng thị trường, tìm kiếm cái mới mẻ, cứ trung thành với những công thức ban đầu đã được khách hàng chấp nhận cũng là một cách tồn tại tương đối “ổn định”.

Cái khát khao vươn lên, khát khao chinh phục chỉ là những khái niệm mang đầy tính lý thuyết. Có lẽ chúng ta chưa hình dung hết cảm giác bất lực khi đứng nhìn những nhãn hiệu hàng hóa lớn dần bị xếp vào góc khuất trên các kệ hàng hay bị thôn tính bởi các đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, một phần lớn thị trường hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng hóa bình dân đã rơi vào tay các sản phẩm Trung Quốc. Liệu có DN nào băn khoăn, trăn trở tìm cách kéo lại thị trường cho mình hay ngày ngày chỉ mải mê toan tính đến việc lách thuế, lách luật, làm ăn dựa dẫm nhiều vào các mối quan hệ.

Nếu như không có sự thức tỉnh kịp thời thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ tự biến mình thành bầy gà trong chiến dịch “cáo gửi chân’’ của những đối tác nước ngoài, mà Bibica là một điển hình. Kinh doanh ngoài việc mang lại nguồn thu, lợi nhuận tài chính, mà còn thể hiện cái tinh thần, cái tầm cỡ của quốc gia.

Hy vọng sau thời kỳ đình trệ này, các DN sẽ có sự lột xác, thay da đổi thịt và chúng ta sẽ có nhiều hơn các thương hiệu lớn tiêu biểu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi, giày dép Bitis’s, bánh kẹo Kinh Đô…

Vũ Lê

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   "Giá điện bị đẩy cao vì qua nhiều mức phí trung gian" (17/04/2012)

>   Doanh nghiệp nhà nước: Của ai, do ai, và vì ai? (17/04/2012)

>   Bộ trưởng Vương Đình Huệ: DN có thể được hỗ trợ thêm về tài chính (17/04/2012)

>   Chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý I bị tụt giảm (17/04/2012)

>   PVN có thể nộp ngân sách nhiều hơn (17/04/2012)

>   Tắc đầu ra: DN phá sản theo dây chuyền (17/04/2012)

>   Nhiều DN “chết” nhưng không chịu khai tử (17/04/2012)

>   Tâm lý của chủ doanh nghiệp dao động (16/04/2012)

>   20% doanh nghiệp thủy sản đình đốn (16/04/2012)

>   Tăng giám sát doanh nghiệp sau đăng ký (16/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật