Đói vốn xuất khẩu cá tra
Vụ vỡ nợ của Bianfishco đã khiến các ngân hàng đưa ngành cá tra vào diện rủi ro cao. Hạn mức tín dụng bị siết chặt khiến doanh nghiệp (DN) đói vốn và phải bán cá với mọi cách.
|
Ngành xuất khẩu cá tra đang gặp cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ngày 17.4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã tổ chức hội nghị sơ kết ngành hàng cá tra quý 1/2012. Theo VASEP, giá thành nuôi cá tra hiện nay của các hộ dân vào khoảng 23.000 đồng/kg. Trong 3 tháng đầu năm, giá thu mua nguyên liệu ở mức 25.000-26.000 đồng/kg nên người nuôi vẫn có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, giá cá tra đột ngột giảm xuống còn 23.000 đồng/kg, khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính. So với cùng kỳ năm trước, giá cá đã giảm tới 8 - 10% tùy loại.
Ngân hàng không nên bỏ rơi
Trước tình hình khó khăn hiện nay, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt (thuộc VASEP) - kiến nghị: “Ngân hàng không nên bỏ rơi DN trong hoàn cảnh khó khăn này, cụ thể cần xem xét không cắt giảm hạn mức cho vay đối với các DN có dự án nuôi tốt và kinh doanh phát triển bình thường. Các hộ nuôi cũng cần phải liên kết chặt chẽ với DN để bảo đảm đầu ra và tránh rủi ro giá nguyên liệu không ổn định”.
Theo VASEP, sản lượng xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm đạt 161.000 tấn, trị giá 421,529 triệu USD. |
Theo ước tính của các cơ quan chuyên môn, sản lượng cá còn lại trong dân không nhiều, chỉ còn khoảng 200.000 tấn. Với giá bán như hiện nay, có thể nhiều hộ nuôi sau khi bán cá xong sẽ “treo ao”, bỏ nghề hàng loạt, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu cá tra để chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhu cầu vốn rất lớn
Chưa bao giờ vấn đề vốn cho các DN chế biến thủy sản lại trở nên nóng bỏng như hiện tại. Ông Ngô Quang Trường - Giám đốc Công ty thủy sản Biển Đông (Cần Thơ) - than thở: “Ngay sau khi xảy ra vụ thiếu nợ kéo dài của Bianfishco, ngân hàng lập tức thu hồi hạn mức cho vay và buộc chúng tôi giảm dư nợ. Không có tiền để tái đầu tư, sắp tới công ty chúng tôi sẽ mất cân đối nguyên liệu nghiêm trọng, viễn cảnh đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân là điều có thể nhìn thấy được”.
Qua rà soát của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay đã có gần 150 DN giải thể, ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo UBND tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay đã có gần 900 công nhân trong các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh nghỉ việc nhưng trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều... Theo VASEP, hiện có đến hơn 90% số DN mong muốn được tăng hạn mức vay vốn, mức thấp nhất là 10 tỉ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỉ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động cho chế biến cá tra xuất khẩu; 92,3% số DN thuộc VASEP có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý 2/2012, trong đó mức thấp nhất là 10 tỉ đồng và cao nhất là 500 tỉ đồng...
Quang Thuần
thanh niên
|