Hứa hẹn dòng vốn nước ngoài vào ngành dệt, nhuộm
Từ đầu năm đến nay có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, theo đại diện của Hiệp hội Dệt May Việt Nam tại TPHCM.
Trao đổi với báo chí bên lề một hội thảo tại TPHCM hôm 18-4, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó thư ký kiêm Trưởng văn phòng phía Nam của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, nhiều đoàn doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành dệt, nhuộm.
Theo ông Tuấn, làn sóng này nhằm đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong các đoàn tìm cơ hội đầu tư trên, có nhiều doanh nghiệp lớn nhưng ông Tuấn không cho biết tên của các công ty này.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng khả năng đầu tư của các doanh nghiệp này là chắc chắn, nhưng họ đang lựa chọn địa điểm để đầu tư tại Việt Nam.
Hiện TPP đang được đàm phán với sự tham gia của chín nước (Úc, Brunei, Chi Lê, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ). Trong đó, Mỹ là thị trường lớn, chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu dệt, may của Việt Nam trong năm 2011.
Trong các hiệp định thương mại, Mỹ thường sử dụng nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi trở đi (yarn-forward) đối với mặt hàng may mặc. Theo nguyên tắc này, sản phẩm may mặc được hưởng ưu đãi thuế chỉ khi có sợi, và các công đoạn sau sợi (gồm vải, cắt và may) được thực hiện tại các nước tham gia hiệp định.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn bông và xơ nhân tạo để kéo sợi. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu 65% sợi sản xuất được, khoảng 334.000 tấn và số còn lại 180.000 tấn đưa vào dệt tạo ra khoảng 1,2 tỉ m2 vải mộc.
Năng lực nhuộm và hoàn tất của Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,8 tỉ m2 vải/năm, do đó, Việt Nam vẫn phải nhập 5,2 tỉ m2 vải để đáp ứng nhu cầu 6 tỉ m2 vải/năm, theo VITAS.
Nếu tiếp tục yếu kém trong khâu dệt, nhuộm và hoàn tất còn tiếp diễn thì các doanh nghiệp trong ngành của Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi thuế từ TPP nếu nguyên tắc xuất xứ yarn-forward được áp dụng. Do đó, đây có thể là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này.
Theo ông Tuấn, đầu tư vào dệt và nhuộm khá tốn kém vì đòi hỏi công nghệ cao, đặc biệt trong khâu xử lý nước thải. Chẳng hạn như để tạo ra 100 triệu m2 vải thì khâu dệt và nhuộm đòi hỏi vốn đầu tư khoảng 50-70 triệu đô la Mỹ.
Theo VITAS, hiện trong ngành dệt, may Việt Nam có khoảng 3.700 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp may chiếm 70%, dệt chiếm 17% và nhuộm chiếm 4%. |
T. Thu
TBKTSG
|