Ngân hàng và DN: Song hành nhưng chưa đồng hành
Doanh nghiệp và NH là 2 khối luôn tồn tại và phát triển song hành. Nếu khối này “bệnh” thì khối kia cũng sẽ tiềm ẩn “bệnh tật” và ngược lại. Thế nhưng quy luật này dường như tréo ngoe trong bối cảnh hiện nay.
Nghịch lý lời, lỗ giữa NH và doanh nghiệp
Cho đến nay hàng loạt doanh nghiệp phá sản, “chết lâm sàng”, hoặc đang chống chọi với hàng loạt khó khăn bao quanh như đình đốn sản xuất, hàng tồn kho, chi phí gia tăng, sa thải công nhân, ngập trong nợ nần…
Trong khi đó, các NH dù có khó khăn nhưng vẫn sống khỏe nhờ có sự “bảo kê” là ngành nhạy cảm. Nhìn vào mùa đại hội cổ đông năm nay của khối doanh nghiệp có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của năm 2011, thậm chí có doanh nghiệp buông xuôi hoạt động kinh doanh và chỉ còn biết trông chờ vào vận may của thị trường.
Đơn cử như hầu hết doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản dù khó khăn nhưng vẫn “cắn răng” chịu đựng, không dám bày tỏ với các cơ quan chức năng để tìm giải pháp tháo gỡ.
Bởi họ e ngại sẽ “vạch áo cho người xem lưng” để rồi các NHTM ngưng bơm vốn hay không cho đảo nợ lại càng thêm khó khăn. Với kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận năm 2012, doanh nghiệp nào lành lặn lắm cũng chỉ dám đưa ra kế hoạch bằng hoặc thấp hơn năm 2011, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trái ngược với bức tranh xám xịt của khối doanh nghiệp, mùa đại hội cổ đông năm nay của các NHTM vẫn khá sáng sủa, dù năm qua hệ thống NHTM chịu sự tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN.
Hầu hết NHTM lớn đều hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2011, thậm chí có NH vượt đến 30% chỉ tiêu đặt ra. Năm 2012, dù hạn mức tín dụng được giao không quá 15-17% và dự đoán tình hình thị trường còn nhiều điểm bất lợi, nhất là việc tái cấu trúc nền kinh tế có thể là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng nhiều NHTM vẫn tự tin đưa ra kế hoạch lợi nhuận cao hơn năm 2011, phổ biến ở mức 20-30%. Một nghi vấn được đặt ra là hạn mức tín dụng không tăng nhưng vì sao kế hoạch lợi nhuận tăng?
Theo tìm hiểu của ĐTTC, rất có thể các NHTM thay vì bơm vốn rẻ ra nền kinh tế lại đang dùng vốn tín dụng cho vay lẫn nhau để thực hiện các mục đích lợi ích nhóm như thâu tóm, đầu tư… trong khi đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa có cơ chế hay hành lang pháp lý chặt chẽ để giám sát những mặt trái này.
NH chưa chia sẻ khó khăn
Sự nghịch lý về lợi nhuận của NH và doanh nghiệp có thể đặt ra nhiều nghi vấn về những tuyên bố của các NHTM rằng “luôn đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp”. NHNN cố gắng ép trần lãi suất huy động để các NHTM kéo giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chờ đợi lãi suất rẻ trong tuyệt vọng vì chủ trương kéo giảm lãi suất của NHNN đang gần như trở nên vô nghĩa.
Bởi các NHTM đua nhau công bố gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 2-3%/năm, phổ biến ở 16,5-17,5%/năm, nhưng thực tế khi khảo sát tại nhiều NHTM, tỷ lệ doanh nghiệp được vay ở mức lãi suất này rất ít, chủ yếu là những doanh nghiệp “ruột” của NH, còn lại hầu hết doanh nghiệp khác đều phải chấp nhận mức lãi suất 20-22%/năm.
Doanh nghiệp nào biết cách có thể “chạy chọt” để vay được lãi suất rẻ cũng phải chịu chi phí “cửa sau”, tính ra lãi suất cũng đội lên cao hơn nhiều so với mức lãi suất công bố.
Mức lãi suất cho vay 20-22%/năm rất bất hợp lý nếu so với trần lãi suất huy động 13%/năm hiện nay của các NHTM. Cứ cho rằng giá vốn huy động hiện tại của một số NHTM còn cao, giả sử vừa “né” vừa “lách” lãi suất huy động thực tế 14-15%/năm thì các NHTM cho vay lãi suất 17-18%/năm là tối đa.
Bởi thực tế với biên lợi nhuận đầu vào đầu ra khoảng 3% như thông lệ các NHTM đã có thể trang trải chi phí, trả lãi cho cổ đông. Đó là chưa kể đến những NHTM lớn có thế mạnh ở nguồn tiền gửi thanh toán dồi dào, có lãi suất chỉ từ 4-5%/năm thì biên lợi nhuận còn có thể cao hơn và khi đó NHTM hoàn toàn có thể dễ dàng kéo giảm lãi suất cho vay thấp hơn.
Điều này cho thấy việc ép trần lãi suất huy động trong khi buông lỏng lãi suất cho vay đang tạo kẽ hở cho các NHTM tiếp tục “ngồi chiếu trên”.
Phát tán bệnh từ quý I
Theo số liệu của Sở Tài chính TPHCM, số thu ngân sách trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2012 xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so cùng kỳ 2011 (năm được xem rất khó khăn). Riêng với số thu ngân sách từ bất động sản quý I-2012 chỉ bằng 1/3 so cùng kỳ.
Còn theo số liệu từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, GDP quý I ước đạt 99.300 tỷ đồng, tăng 7,4% và đây là mức tăng thấp nhất so với các năm qua. Hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế TPHCM. Điều này cho thấy khó khăn của doanh nghiệp đã bộc lộ ngay từ quý đầu năm.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, có một doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng những năm trước đây được NH bơm vốn rất lớn để đầu tư các dự án bất động sản, đến nay doanh nghiệp này đang vật vã chống chọi với việc gánh nợ lãi suất rất cao ở lĩnh vực bất động sản.
Oái ăm hơn, ngành vật liệu xây dựng, cửa mong chờ kiếm lợi nhuận để trả nợ của doanh nghiệp này cũng đã bị đình trệ từ ảnh hưởng của việc thị trường bất động sản “đóng băng”.
Doanh nghiệp này vẫn đang cố gắng gồng mình để chịu đựng, tìm chỗ này đắp chỗ kia và kỳ vọng chính sách tín dụng mới của các NHTM. Tuy nhiên, nếu sức ép này quá lớn, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ “bỏ của” chạy lấy người.
Có thể thấy nếu thời điểm này các NHTM không cắt giảm chi phí, đồng hành chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp là điều tối cần thiết trong giai đoạn hiện nay, thì về dài hạn sự tăng trưởng của các NHTM khó có thể bền vững và an toàn, bởi không chỉ có sự liên đới giữa “sức khỏe” của doanh nghiệp và NH mà đến một lúc nào đó các NHTM nội địa sẽ mất đi những khách hàng tốt tiềm năng từ những nhà băng ngoại đang nhăm nhe những chính sách tín dụng linh hoạt với lãi suất khá mềm.
Mai Thảo
sài gòn đầu tư tài chính
|