Kiến nghị tăng cường vai trò cho Cục Đầu tư nước ngoài
Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) vừa đưa ra đề nghị Việt Nam cần tăng quyền cho Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm định hướng tốt hơn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian tới.
Trong báo cáo Đầu tư công nghiệp Việt Nam 2011 mà tổ chức này đang đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành và doanh nghiệp trong tháng 3, UNIDO cho rằng FIA cần tiếp tục “được trao quyền và hỗ trợ” để phát triển các chính sách xúc tiến đầu tư để có thể dần thay thế trọng tâm về khối lượng FDI bằng trọng tâm về chất lượng FDI.
Tổ chức này ghi nhận, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2005 đã phân cấp trách nhiệm xúc tiến đầu tư cho các ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, dẫn đến việc tổ chức lại về căn bản hoạt động của FIA.
Tiến sĩ Brian Portelli, chuyên gia của UNIDO nhận định: “Điều này đặt FIA không đúng vị trí trong dòng thông tin, khiến FIA thiếu những thông tin kịp thời và đáng tin cậy về hiệu quả hoạt động thực tế của FDI”.
Bản báo cáo trên nhận xét, đang tồn tại xu hướng cạnh tranh xúc tiến đầu tư rõ ràng giữa 63 cơ quan xúc tiến đầu tư khác nhau để cùng thu hút một số nguồn FDI.
Ông Portelli nói: “Điều này có lẽ bất lợi nhiều hơn là có lợi cho các mục tiêu kinh tế dài hạn của Việt Nam”.
Nhận xét của UNIDO cũng tương tự như đánh giá gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Hiệp hội này cho rằng, từ khi phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương, FIA không còn nắm được chính xác, kịp thời số liệu, tình hình FDI cả nước, không có con số vốn đăng ký cập nhật, cũng như không có số liệu vốn thực hiện trong từng thời kỳ của cả nước, phân theo ngành kinh tế, nước và vùng lãnh thổ.
Thực tế, FIA chỉ dựa trên tư liệu của một số địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất để suy diễn tình hình cả nước.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, Cục trưởng FIA Đỗ Nhất Hoàng thừa nhận điều này. Ông Hoàng giải thích rằng, ngay cả nhân sự của FIA đang “thiếu trầm trọng” chỉ để làm thống kê đơn thuần.
“Chúng tôi chỉ có mươi người nên đi kiểm tra các doanh nghiệp FDI trên cả nước thì không xuể”, ông Hoàng nói.
Gần đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 1617, theo đó cho hơn chục bộ, ngành và các địa phương được phân công cùng xây dựng đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI giai đoạn 2011 - 2020.
Vai trò của FIA trong việc thực hiện chỉ thị trên chỉ là giữ đầu mối tiếp nhận các báo cáo của hàng loạt các cơ quan nhà nước.
“Các nhà báo hãy hỏi các bộ, địa phương trong hội thảo vào ngày 15 sắp tới xem nhiệm vụ Thủ tướng giao đã được làm đến đâu”, ông Hoàng đã trả lời như vậy trong cuộc họp báo tổ chức gần đây nhằm công bố hội thảo về giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam được tổ chức ngày 15-3 này.
Bằng cách trả lời đó, ông Hoàng đã gián tiếp lờ đi những câu hỏi của các nhà báo về các dự án tỉ đô la được chính quyền địa phương cấp phép dễ dãi trong vòng 5 năm qua, phá vỡ các quy hoạch ngành, hay vùng.
Việc quản lý nhà nước về FDI gần đây được báo chí ngày càng quan tâm, nhất là khả năng của các cơ quan nhà nước trong vấn đề chống chuyển giá.
Trong báo cáo của mình, UNIDO nhận xét, những lợi ích kỳ vọng của FDI trong nền kinh tế Việt Nam bị hạn chế và giảm trừ còn do hoạt động FDI còn nhiều thiếu sót. Các thiếu sót đó bao gồm sự khác biệt giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện/vốn giải ngân dẫn đến những hệ lụy trong nền kinh tế. Quá trình chuyển giao công nghệ chậm đã không giúp tối đa hóa hiệu ứng lan tỏa.
Nhiều năm qua đã tồn tại một cơ cấu FDI không mong muốn, trong đó các lĩnh vực đã được đầu tư quá nhiều lại tiếp tục nhận được thêm vốn FDI trong khi các lĩnh vực cần đầu tư thì không nhận được gì nhiều (nông nghiệp, hạ tầng và công nghệ cao).
Tư Hoàng
TBKTSG Online
|