Chủ Nhật, 11/03/2012 10:03

Việt Nam: Cái gì cũng... Nhất

Lâu nay hình như Việt Nam không chỉ là tên gọi của một nước trên bản đồ. Việt Nam còn là một khái niệm mà nội hàm của nó là tập hợp của những cái “nhất”.

Sau những cái nhất như lạc quan nhất thế giới, xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chùa to nhất Đông Nam Á, cáp treo dài nhất Đông Nam Á, nay thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bổ sung thêm một cái nhất nữa, đó là “Phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương thấp nhất khu vực”.

Cái nhất này là một trong những cơ sở để ông thứ trưởng lập luận cho mức phí 1.000 đồng/km lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vốn đang gây ra rất nhiều phản ứng của các chủ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Đại để là, mức phí này là thấp nhất khu vực rồi, không thể thấp hơn được nữa.

Tạm coi thông tin ông đưa ra là chính xác, chúng ta sẽ “điểm danh” thêm nhiều cái nhất nữa của Việt Nam hiện nay. Đầu năm nay, TS Antonio Emilio của Viện REIT (Philippines) đã đưa ra năm cái “nhất” là đặc trưng của kinh tế Việt Nam so với khu vực, đó là: lạm phát cao nhất, lãi suất cao nhất, thâm hụt thương mại cao nhất, đồng nội tệ yếu nhất và nguồn vốn lệ thuộc nhiều nhất vào dòng vốn bên ngoài (nguồn: báo điện tử Tầm Nhìn thuộc LH Các hội KH&KT VN, 9-2).

Nếu tính thu nhập đầu người năm 2010 thì Việt Nam chỉ hơn được Lào, Campuchia và Myanmar, chưa bao giờ đủ sánh vai với Singapore (37.597,3 USD), Brunei (35.623 USD), Malaysia (8.209,4 USD), Thái Lan (4.042,8 USD), Indonesia (2.246,5 USD) và Philippines (1.847,4 USD) (theo báo Dân Trí).

Với những số liệu kinh tế cơ bản như vậy, việc thu phí đường cao tốc thấp nhất khu vực có phải là điều đáng đem ra để biện minh không?

Trong khi phí được thu dùng để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường thì chưa ai quên Việt Nam còn một cái nhất nữa, đó là danh hiệu con đường đắt nhất hành tinh, với 45 triệu USD/km cho tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội), thời giá năm 2005 và sau đó bị tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàn Cầu phá kỷ lục vào năm 2009. (Nguồn: báo Lao Động và Dân Trí)

Và còn một con số chưa biết có phải là nhất khu vực hay nhất thế giới hay không vì chưa được thống kê chính xác, đó là tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Năm 2010, khi thảo luận về dự án đường sắt cao tốc, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đã đưa ra con số 30%-40% và dù con số chính xác là bao nhiêu, Chính phủ cũng đã ghi nhận có sự thất thoát này trong nhiều văn bản. Điều đó có nghĩa là nếu không có thất thoát thì mức phí đã có thể thấp hơn, thậm chí là thấp hơn rất nhiều. (Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Lập Pháp)

Đối với riêng ông Trường, trong khi ông đang vui mừng vì mức phí mà ngành giao thông của ông đặt ra với các chủ phương tiện là thấp nhất khu vực, mong ông đừng quên số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam đang ở vào hàng cao nhất thế giới.

Hữu Long

Pháp luật TP

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật