Lạm phát “nhảy đầm” sẽ khó cạnh tranh
Ngày 9-3, Bộ Công thương, Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế đã hội thảo tổng kết năm năm VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu cho rằng muốn nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp VN, Nhà nước cũng phải nâng cao năng lực của mình.
|
Lãi suất cao đang là một trong những rào cản sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp - Ảnh: t.v.nghi |
Ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của VN, cho biết ngay từ trước khi gia nhập WTO, tại VN đã có đề tài nêu rõ muốn hội nhập thành công, phải nâng cao năng lực trong cả ba lĩnh vực: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Tự, năng lực cơ quan nhà nước nếu không tăng rất dễ sinh tình trạng trì trệ.
Nhà nước phải nâng cao năng lực trước
Sau năm năm gia nhập WTO, ông Tự cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có tăng tỉ lệ đầu tư vào công nghệ của VN rất thấp, công nghệ lạc hậu lại được nhập vào quá nhiều nên “nếu không thay đổi, ta có nguy cơ lạc hậu so với các nước cả một chu kỳ công nghệ, có thể từ 10-20 năm”.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Tự nêu hàng loạt khó khăn như chi phí vận tải tại VN chiếm tới trên 25% GDP, trong khi Thái Lan chỉ 20%... Từ đó, ông Tự đề nghị phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả Chính phủ, nhất là trong ban hành chính sách và phối hợp thực hiện. “Tôi tổ chức một hội thảo, các bạn nước ngoài nói nếu chất lượng cà phê VN đồng đều, họ sẵn sàng trả thêm 100 USD/tấn. Ta bàn mãi nhưng Bộ Khoa học - công nghệ ra một tiêu chuẩn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ra tiêu chuẩn khác” - ông Tự cho hay.
GS Nguyễn Mại, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và đầu tư, cho rằng muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, vai trò của Nhà nước không thể thiếu. Nêu câu chuyện Hãng Hyundai khi đấu thầu một dự án ở Iraq, để giúp danh tiếng doanh nghiệp, chính quyền Hàn Quốc đã ban hành hàng loạt biện pháp hỗ trợ để dự án thành công, doanh nghiệp Hàn có chỗ đứng ở vùng Vịnh, ông Mại kết luận: “Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp như vậy, chứ như ta bây giờ hỗ trợ đưa người xuất khẩu lao động, chủ yếu làm phục vụ người ốm, rất khó có năng lực cạnh tranh”...
Các yếu tố gây cản ngại
Rà soát, thay đổi các văn bản dưới luật
Cho rằng thành công lớn nhất khi gia nhập WTO là VN sửa được 30 luật để xây dựng nền kinh tế thị trường, tuy nhiên hiện nay hướng dẫn của một số bộ, ngành lại hạn chế độ thông thoáng của luật, ông Lương Văn Tự đề nghị phải rà soát, thay đổi các văn bản dưới luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. |
Ông Cao Sỹ Kiêm - đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - bức xúc nêu cái khó của doanh nghiệp: lạm phát cao, lãi suất cao, chi phí nhũng nhiễu cũng cao mà đòi doanh nghiệp cạnh tranh tốt, ngang ngửa với người ta là không tưởng.
“Năng lực cạnh tranh từ trước đến nay nói nhiều. Ta cứ phê, doanh nghiệp phải nghe nhưng làm không được” - ông Kiêm nói và đề nghị hai loại việc: Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải xây dựng tiêu chí, nội dung để nâng cao tính cạnh tranh xem cấp quốc gia làm gì, cấp doanh nghiệp làm gì. Thứ hai, lạm phát cứ cao thì không thể cạnh tranh được. Chi phí do điều hành, nhũng nhiễu gây nên phải được loại dần “chứ cứ phong bì phong bao thế này thì làm sao giảm chi phí”...
Ngoài ra, nêu doanh nghiệp VN mất nhiều thời cơ vì thủ tục hành chính, ông Kiêm nói: “Doanh nghiệp quá khó khăn rồi, họ đã tìm mọi đường để tồn tại. Dứt khoát Nhà nước cũng phải cố gắng”.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Mại, để doanh nghiệp phát triển cần chính sách kinh tế đồng bộ, thông thoáng. Phòng Thương mại - công nghiệp VN đã rà soát 16 luật liên quan đến kinh doanh, thấy phải sửa cả 16. Ông Mại đề nghị cần sửa 16 luật này ngay trong năm 2012. Ngoài ra, phải thay đổi phương thức cho vay. Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn vì “hiện cho vay vẫn dựa trên mối quan hệ, tình cảm... Ngân hàng phải là nơi thẩm định các dự án, phải cho vay theo dự án” - ông Mại nói. Do các vụ kiện ngày càng nhiều, ông Nguyễn Mại còn “đề nghị lập quỹ thương mại để chi hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài, kể cả chi cho vận động hành lang”...
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng cần rà soát khả năng cạnh tranh cả quốc gia. Nếu không cải tiến hệ thống pháp luật thể chế, doanh nghiệp không thể xoay xở, nên ông Khoan cho rằng pháp luật phải nhất quán, minh bạch, bộ máy cũng phải cải cách để trong sạch, chuyên nghiệp. “Bên cạnh là điều kiện vĩ mô ổn định, chứ lạm phát “nhảy đầm” thì làm sao cạnh tranh?”.
Cầm Văn Kình
Tuổi Trẻ
|