Thứ Ba, 06/03/2012 17:36

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2012

Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng

Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết hài hòa các mục tiêu: kiềm chế lạm phát, giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá ngoại tệ.

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đã đến lúc giảm lãi suất 1%

Ảnh minh họa

Trong hai ngày 05 và 06 tháng 03 năm 2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2012, thảo luận và quyết nghị về một số nội dung chủ yếu sau:

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và hai tháng đầu năm 2012 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012:

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 02 và hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả. 

- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 chỉ tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

- Lãi suất tín dụng có xu hướng giảm nhẹ, rõ nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.

- Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện, tỷ giá giao dịch có xu hướng giảm. 

- Xuất khẩu tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước, nhập siêu tương đương 4,1% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so cùng kỳ. 

- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22%.

- Thu ngân sách đạt khá, bảo đảm các khoản chi theo kế hoạch và phát sinh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 27,1%.  An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. 

Tuy nhiên, còn nổi lên những khó khăn, tồn tại: Lạm phát đã được kiềm chế nhưng hiện vẫn còn ở mức cao; lãi suất cũng còn ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.  Sản xuất công nghiệp tăng chậm và tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, hàng hóa tồn kho gia tăng, chi phí đầu vào cao, quy mô sản xuất thu hẹp. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa đông xuân và chăn nuôi. Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng ở nhiều địa phương. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trước mắt là bảo đảm kế hoạch của quý I năm 2012.  Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ; kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung vào tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

- Điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết hài hòa các mục tiêu: kiềm chế lạm phát, giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá ngoại tệ; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, chương trình xây dựng nhà xã hội.

- Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho; quan tâm thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

- Có các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp trong nước phát triển và hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước với nhiều hình thức đầu tư; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký mới và tăng thêm vốn; đẩy nhanh giải ngân vốn FDI và ODA để tranh thủ nguồn lực, tạo việc làm phục vụ phát triển kinh tế; bảo đảm vốn đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất.

- Đề xuất giải pháp và lộ trình thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Khi doanh nghiệp FDI cho ăn “bánh vẽ” (06/03/2012)

>   Từ “bấm độn” đến… dự báo (06/03/2012)

>   Quyết định của Thủ tướng vô hiệu với Nguyên CT HĐTV Vinachem? (06/03/2012)

>   Đầu xuôi đuôi lọt (05/03/2012)

>   Tăng giá xăng lúc này là đổ dầu vào lửa! (05/03/2012)

>   Lạm phát năm 2012: Dự cảm có cơ sở (04/03/2012)

>   DN “khai sinh” nhiều, “khai tử” cũng đông (04/03/2012)

>   Áp lực lạm phát, mức sống suy giảm (04/03/2012)

>   Ông Vũ Viết Ngoạn: Không thể để doanh nghiệp rơi rụng quá nhiều (03/03/2012)

>   Vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam dự báo không bị ảnh hưởng (03/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật