Thứ Bảy, 03/03/2012 14:36

Vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam dự báo không bị ảnh hưởng

Dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như nguồn vốn ODA từ châu Âu vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng xấu từ khủng hoảng nợ công, theo quan chức ngoại giao châu Âu.

Ông David Sullivan, Thứ trưởng Ngoại giao của Liên minh châu Âu, có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28-2 đến ngày 2-3 và gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam. Ông Sullivan hôm 2-3 cũng gặp gỡ báo chí tại TPHCM để chia sẻ một số thông tin liên quan đến quan hệ giữa EU và Việt Nam. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lược ghi cuộc họp báo này.

TBKTSG Online: Thưa ông, hiện khủng hoảng nợ công của châu Âu có ảnh hưởng đến luồng đầu tư trực tiếp cũng như  ODA từ châu Âu vào Việt Nam không?

Ông David Sullivan: Khủng hoảng nợ công của châu Âu hiện nay không ảnh hưởng đến đầu tư của châu Âu, không những thế châu Âu muốn sử dụng thương mại là đòn bẩy để khắc phục điều này, cũng như đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt đầu tư tại những nước Đông Á vốn là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới.

Còn về ODA, tôi khẳng định là khủng hoảng nợ không ảnh hưởng gì. Dù khủng hoảng như vậy, nhưng cam kết ODA của EU cũng như các nước thành viên đối với Việt Nam đều giữ nguyên. Hiện EU là nhà cung cấp ODA lớn nhất thế giới, chiếm 55-60% tổng số viện trợ phát triển trên toàn cầu, và hi vọng vẫn tiếp tục duy trì con số này trong tương lai.

TBKTSG Online: Hiện Indonesia đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về điểm đến thu hút đầu tư của châu Âu. Ông có nhận định gì về việc này?

Ai cũng đều có đối thủ cạnh tranh, Việt Nam cũng có đối thủ cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Điều quan trọng là Việt Nam có nhân công rẻ. Hiện đầu tư vào khu vực ASEAN có chi phí thấp nhất so với các nước khác trên thế giới, do đó cơ hội cho Việt Nam cũng như ASEAN thu hút đầu tư của châu Âu là rất lớn.

Chi phí lao động là một yếu tố vô cùng quan trọng trong quyết định đầu tư, đặc biệt trong các ngành như may mặc, lắp ráp, điện tử,.. Ngoài ra có nhiều yếu tố khác, như sự an toàn cho đầu tư, làm sao đầu tư của chúng tôi được đảm bảo chắc chắn, và các vấn đề khác có liên quan, như tham nhũng cũng làm cho đầu tư khó khăn hơn. Và Việt Nam phải giải quyết những vấn đề này để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tất nhiên, chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam tiến lên hơn nữa trong chuỗi giá trị.

Báo khác: Hiện Myanmar cũng đang có những cải cách lớn, và châu Âu thể hiện sự quan tâm đối với việc này. Có khả năng Myanmar cũng sẽ là một điểm đến đầu tư cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút đầu tư từ châu Âu?

Chúng tôi cảm thấy được khích lệ trước những diễn biến chính trị tại Myanmar. Chúng tôi mong đợi một cuộc bầu cử mở rộng và công bằng tại Myanmar vào tháng 4-2012. Về thương mại, Myanmar là nước có mức độ phát triển thấp, nên khi Myanmar thông qua quy định về lao động, chúng tôi sẽ cấp cho nước này quy chế miễn trừ thuế và họ có thể tiếp cận thị trường châu Âu một cách dễ dàng.

Tôi muốn nói rằng, so với Việt Nam thì Myanmar còn thua nhiều năm về phát triển nên tôi không tin rằng đây sẽ là một đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về thu hút đầu tư của châu Âu. Khi mà Myanmar đạt được mức phát triển như Việt Nam bây giờ thì lúc đó sự phát triển của Việt Nam đã ở mức cao hơn.

Báo khác: Hiệp định thương mại tự do (FTA) khi nào sẽ được chính thức đàm phán, và đàm phán dự kiến kéo dài trong bao lâu?

Tôi hi vọng việc chính thức công bố khởi động vòng đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam sẽ được tiến hành bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh EU – ASEAN tại Phnompenh (Campuchia) vào ngày 1-4-2012. Thông thường mất khoảng 2-3 năm cho đàm phán này. Các nội dung đàm phán sẽ xoay quanh quan hệ thương mại, biểu thuế, đầu tư, dịch vụ hàng hóa.

Đối với Việt Nam, FTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tiếp cận lâu dài thị trường châu Âu, và được tận hưởng hàng hóa, dịch vụ từ châu Âu với giá rẻ hơn. Ngoài ra, FTA cũng sẽ giúp có những dự báo tốt về pháp lý. Ví dụ như khi FTA này được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ biết được những quy định dài hạn của châu Âu, và tiên liệu được những điều sẽ gặp phải. Các nhà đầu tư châu Âu cũng được biết rõ hơn về môi trường đầu tư của Việt Nam. Điều nguy hại nhất cho đầu tư là không có tính dự báo.

TBKTSG Online: Với FTA này, ngoài việc Việt Nam sẽ có thêm cơ hội thâm nhập thị trường châu Âu, cũng có hi vọng là EU sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vậy liệu có thể, khi ký kết hiệp định này, Việt Nam cũng được công nhận là nền kinh tế thị trường từ EU?

Nền kinh tế thị trường là một vấn đề kỹ thuật liên quan trực tiếp đến chống bán phá giá và là một phần rất nhỏ trong thương mại của hai bên. Có nhiều tiêu chí cần phải được đáp ứng để một nước được công nhận là nền kinh tế thị trường, phần lớn liên quan đến sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế. Nếu Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn này thì có thể được EU công nhận ngay vào ngày mai.

Chúng tôi đang thảo luận rất tích cực với các nhà kinh tế của Việt Nam, tôi hi vọng khi kết thúc vòng đàm phán thì EU có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là, không có mối liên quan trực tiếp nào giữa FTA và việc công nhận này, việc đạt được công nhận này hoàn toàn độc lập với việc ký kết FTA.

T.Thu

tbktsg

Các tin tức khác

>   OECD có thể giúp Việt Nam có “bí quyết thành công” (03/03/2012)

>   6 tín hiệu kinh tế khả quan trong 2 tháng đầu năm (02/03/2012)

>   Vẫn khó tiếp cận vốn rẻ (02/03/2012)

>   Giá tiêu dùng tháng 3 dự kiến giảm quanh mức 0,5% (01/03/2012)

>   Lật mặt chiêu chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài (01/03/2012)

>   EU cam kết cung cấp 1 tỉ USD vốn ODA cho Việt Nam (01/03/2012)

>   Những dấu hiệu tích cực về thu hút FDI từ đầu năm (29/02/2012)

>   TS. Lê Xuân Nghĩa nghỉ hưu từ 01/03 (29/02/2012)

>   Khi nào lạm phát thôi mang sứ mệnh “thước đo”? (29/02/2012)

>   Phân loại doanh nghiệp minh bạch và quyết liệt (29/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật