Những dấu hiệu tích cực về thu hút FDI từ đầu năm
Thông tin liên tiếp về các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư và vốn giải ngân tăng mạnh gần đây đã củng cố niềm tin về việc sẽ thưc hiện được mục tiêu thu hút FDI năm 2012 ở mức khoảng 15 tỷ USD vốn đăng ký mới (kể cả tăng vốn) và vốn thực hiện duy trì ở mức 11 tỷ USD.
Tăng mạnh vốn giải ngân
Kết quả vốn đăng ký FDI giảm trong tháng 1/2012 dấy lên nhiều quan ngại. Song, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lý giải đây là tháng có Nguyên Đán và thời gian nghỉ Tết năm nay dài hơn các năm trước. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng giấy chứng nhận đầu tư được cấp phép trong tháng.
Nhận định trên là có cơ sở khi ngay từ những ngày đầu tháng 2 nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, ngày 1/2 tại Hải Phòng, Ủy ban Nhân dân thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất lốp xe ôtô của Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư lên đến 575 triệu USD. Tiếp đó, ngày 5/2, Nghệ An cũng đã trao chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn BSE Hàn Quốc dự kiến xây dựng Nhà máy sản xuất điện tử viễn thông Việt Nam công suất 250 triệu sản phẩm/năm, với tổng vốn đăng ký khoảng 30 triệu USD.
Tại Bình Dương, ngày 15/2, có 5 dự án FDI được cấp phép, trong đó 1 dự án cấp mới, với vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD của PAN ASIA (Hàn Quốc), 4 dự án tăng thêm vốn khoảng 150 triệu USD. Ngoài ra, nhiều dự án cũng đã ký kết thỏa thuận với tổng vốn cam kết lên tới hàng trăm triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/2/2012, cả nước có 65 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 910,9 triệu USD và 25 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 320 triệu USD.
Dự kiến thời gian tới một số dự án với quy mô vốn lớn sẽ tiếp tục được cấp phép như dự án sản xuất thiết bị y tế trong khu VSIP Hải Phòng của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD; dự án đầu tư khu công nghiệp diện tích 300ha của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án Trung tâm mua sắm AEON trong khu công nghiệp tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 95 triệu USD; dự án Trung tâm thương mại tổng hợp thương mại dịch vụ The Season Bình Dương do Công ty Lotte Việt Nam đầu tư với quy mô vốn 31 triệu USD; dự án sản xuất sản phẩm kim loại tổng vốn đầu tư 25 triệu USD...
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng, so với cùng kỳ thì số lượng vốn FDI đăng ký và giải ngân trong hai tháng đầu năm giảm không phải là vấn đề đáng lo ngại. Điều quan trọng là chúng ta nhìn thấy nhiều dấu hiệu tích cực từ kết quả thu hút FDI thời gian qua.
Thứ nhất là về cơ cấu FDI đã thay đổi, trong đó có nhiều dự án về công nghiệp và một số lĩnh vực trong nông nghiệp đã được nhà đầu tư quan tâm hơn. Các dự án về bất động sản đã có xu thế giảm. Bên cạnh đó, các đối tác đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, với nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển.
Đề cao chất hơn lượng
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, quản lý FDI sẽ chú trọng và tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về FDI. Việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI. Thu hút FDI phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế FDI được khuyến khích phát triển theo quy hoạch, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tạo điều kiện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, thu hút FDI sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Nội cho biết trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt, tái cơ cấu đầu tư công, nguồn vốn trong nước còn hạn chế, Việt Nam xác định đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Vì thế, Chính phủ đang nỗ lực tập trung chỉ đạo, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút FDI trong thời gian tới.
Nhận xét về những thách thức trong thu hút FDI hiện nay, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá: đó là sự phát triển cơ sở hạ tầng hiện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như chưa tạo điều kiện tốt nhất để đủ sức hấp dẫn thêm nhiều vốn đầu tư mới cũng như đảm bảo cho doanh nghiệp FDI đang hoạt động phát huy hiệu quả cao nhất. Tiếp đến là vấn đề nguồn nhân lực.
Theo một báo cáo gần đây, khi được hỏi có tới 32% nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thiếu công nhân kỹ thuật cao là nguyên nhân quan trọng nhất khiến doanh nghiệp không khai thác được toàn bộ công suất. Một thách thức nữa chính là vấn đề thể chế, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể và được ghi nhận, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan ngại về thời gian để giải quyết cũng như số lượng các thủ tục hành chính quá nhiều khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiến sỹ Lương Văn Khôi, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, cho rằng, kinh tế thế giới năm 2012 được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại hoặc không cải thiện hơn so với năm 2011, điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong nước, chủ yếu thông qua tác động tới các kênh đầu tư và thương mại. Mặc dù vậy, theo dự đoán thì FDI toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2012 tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn này.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo ra tiềm năng tăng trưởng thị trường và lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào trong nước.
Với nhiều dấu hiệu tích cực, Cục Đầu tư nước ngoài dự báo đầu tư nước ngoài trong năm 2012 sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt, ít nhất là bằng hoặc cao hơn so với năm 2011. Dự báo tích cực đó dựa trên cơ sở các giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả mà Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tại Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư nước ngoài. Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp trong chỉ thị này./.
Các dự án đầu tư nước ngoài đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Giai đoạn 2001-2006, đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 2007-2011, vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên mức trên 20% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Quang Toàn
Vietnam +
|