Ngán ngẩm với những dự án thép tỷ USD
Những năm từ 2006-2008 được coi là thời kỳ "vàng" trong thu hút đầu tư vào sản xuất thép với nhiều siêu dự án có tổng vốn lên đến hàng chục tỷ USD. Nhưng bây giờ, đa số các dự án này đều ở tình trạng chậm trễ, một phần không nhỏ thì bị rút giấy phép khi các chủ đầu tư thoái lui.
Một thời, cả nước như thể phát sốt với các dự án tỷ USD của các nhà đầu tư về sắt thép. Có thể kể ra đây các dự án khủng như: Khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group - Malaysia) tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỉ USD; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ( Đài Loan), vốn 7,8 tỷ USD, tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)...
Rồi còn có Dự án thép Tata liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) tại khu kinh tế Vũng Áng, có số vốn 5 tỷ USD; Dự án sản xuất thép Guang Lian của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 4,5 tỉ USD...
Thế nhưng. theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong số các siêu dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép 6 năm qua, đến nay duy nhất mới có dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ( Đài Loan), có tổng số vốn 7,8 tỷ USD là đã khởi công và hiện đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Còn lại các dự án khác cái thì bị rút giấy phép, cái thì dẫm chân tại chỗ.
Dự án thép Tata liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35% vốn, đặt tại khu kinh tế Vũng Áng, có số vốn 5 tỷ USD đã bị trì hoãn từ năm 2007, đến nay vẫn chưa được cấp phép.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai và cấp phép dự án đầu tư này. Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là tập đoàn Tata chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống nước. Số tiền mà tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng tăng khá cao so với mức ban đầu.
Do dự án có diện tích đất lớn, khoảng 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng ước tính 4.000 tỷ đồng. Con số này, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh không kham nổi. Trong khi đó, Tata lại chỉ chấp nhận ứng trước khoảng 30 triệu USD ( khoảng 600 tỷ đồng) cho giải phóng mặt bằng, tương đương mức tạm ứng của dự án thép Formosa cũng ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Tata cho rằng cần phải có sự công bằng giữa các nhà đầu tư với nhau. Tại sao nhà đầu tư khác chỉ phải tạm ứng 30 triệu USD để giải phóng mặt bằng, còn Tata lại nhiều hơn. Hà Tĩnh đã phải báo cáo với Chính phủ và đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có câu trả lời, khó thu xếp được khoản tài chính lớn như vậy cho việc giải phóng mặt bằng bởi kinh tế khó khăn, đầu tư công phải cắt giảm.
Một số ý kiến khác thì cho rằng dự án thép của Tata chậm triển khai không phải do gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Trở ngại chính là do triển khai chậm nên vướng quy định giải phóng mặt bằng mới với nhiều quy định không phù hợp.
Dự án này được các đối tác ký kết từ 2007, có lẽ vẫn tiếp tục bị đình trệ, chưa thể cấp Giấy chứng nhận đầu tư do không có mặt bằng.
Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 9/2006 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 4,5 tỉ USD triển khai quá chậm.
Cuối năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn sản phẩm một năm. Tuy nhiên do hạn chế về khả năng huy động nguồn vốn lớn, lại thiếu kinh nghiệm về xây dựng nhà máy thép quy mô lớn, Tycoons mời Tập đoàn E-United tham gia với tỷ lệ góp vốn lên đến 90%.
Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã bàn giao gần 300 ha đất cho chủ đầu tư, nhưng triển khai quá chậm. Đến nay dự án đã 4 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và đang chờ đợi Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn thép/năm.
Nguyên nhân là do khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội Thép cho biết trước đây đã có công văn đề nghị Bộ Công thương và tỉnh Quảng Ngãi điều tra kỹ lưỡng năng lực tài chính thực tế của chủ đầu tư, trước khi quyết định điều chỉnh dự án. Hiệp hội Thép cho rằng, việc điều chỉnh công suất dự án thép Guang Lian, tăng vốn đầu tư là điều không dễ dàng, trong khi thực tế dự án triển khai lại quá chậm.
Hiện Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh được khả năng thu xếp tài chính thực hiện dự án. Trong khi đó, Guang Lian lại chưa chứng minh được điều này. Tổng vốn đầu tư của dự án đến nay mới thực hiện được khoảng 50 triệu USD.
Dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu, liên doanh giữa Tập đoàn Essar Steel (Ấn Độ) với VNSteel và Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN, công suất 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng, đã được cấp phép với vốn đầu tư ban đầu 600 triệu USD. Tuy nhiên sau đó, Essar Steel rút lui, bán lại toàn bộ cổ phần cho VNSteel.
Ở thời điểm hiện tại, VNSteel đã hoàn tất việc chuyển nhượng 19,5% cổ phần của mình trong dự án này cho Industrielle Beteilingungs SA, một thành viên của Tập đoàn Danieli (Italia). Sự có mặt của Tập đoàn Danieli tại dự án thép tấm cuộn cán nóng cũng được xem là bất ngờ, bởi là nhà cung cấp thiết bị lớn cho ngành thép thế giới cũng như Việt Nam, nhưng Danieli lần đầu tiên bước vào ngành thép với vai trò là nhà đầu tư.
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2013, tuy nhiên đến nay vẫn đang gặp khó khăn và chưa triển khai được.
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|