Thứ Hai, 27/02/2012 06:31

Để thực hiện tốt nghị quyết 11/ NQ-CP của Chính phủ

Kiềm chế lạm phát năm 2012 dưới một con số

Sức ép lạm phát năm 2012 Năm 2012, sức ép lạm phát đối với Việt Nam sẽ đến cả từ các nhân tố truyền thống và phi truyền thống, bên trong lẫn bên ngoài, khách quan và chủ quan, cụ thể là:

Việc nước ta tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+, tạo ra những cơ hội to lớn cho thu hút đầu tư và phát triển xuất khẩu, nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và khả năng phản ứng chính sách, phản ứng thị trường trước những diễn biến phức tạp của thị trường. Kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự có thể đột biến, kéo dài và nặng nề hơn cuộc khủng hoảng nợ công và suy giảm  kinh tế toàn cầu, cũng như các đột biến tiền tệ và chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Giá lương thực, thực phẩm, giá dầu thô, giá một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế và lạm phát có thể tăng cao tại nhiều quốc gia, cả phát triển, cũng như đang phát triển và mới nổi; khả năng tiếp tục đậm hơn xu hướng bảo hộ kỹ thuật các thị trường xuất khẩu quốc tế  quan trọng của Việt Nam...

Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chậm được khắc phục; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; nhập siêu còn lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện căn bản, gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng vẫn biến động bất thường. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô có thể trở thành thách thức lớn hơn nếu không có giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Tham nhũng, lãng phí và sự chi phối của lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi; hệ số tín nhiệm quốc gia thấp và chỉ số cạnh tranh tụt bậc liên tiếp nhiều năm...

Những giải pháp kiềm chế lạm phát cần có

Mục tiêu ưu tiên của Việt Nam năm 2012 là kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 đến 7%. Trong bối cảnh với các áp lực lạm phát còn khá đậm như kể trên (dù chỉ số CPI tháng 1-2012 chỉ tăng 1% so với tháng 12-2011 và khả năng CPI tháng 2-2012 sẽ tăng khoảng dưới 1,5% so với tháng 1-2012 là tín hiệu tốt vì thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước), thì rõ ràng đây là mục tiêu cần thiết, nhưng không dễ đạt được, nếu thiếu các nỗ lực và sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía và nhiều loại công cụ, giải pháp, mà nổi bật là:

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng hằng năm không vượt quá mức đề ra trong Nghị quyết 11. Giữ mặt bằng lãi suất hợp lý. Ðiều hành tỷ giá chủ động, phù hợp, không để biến động lớn. Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; bảo đảm vốn cho sản xuất; kiểm soát chặt cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán; kiểm soát nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, giảm sâu hơn bội chi ngân sách; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại danh mục đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chuyển một phần đầu tư nhà nước sang đầu tư từ các nguồn vốn khác. Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn.

Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước về giá; xử lý nghiêm khắc các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; công khai, minh bạch và tăng cường cơ chế thị trường đối với giá các hàng xăng dầu, điện và những mặt hàng nhạy cảm khác chưa có cạnh tranh thị trường đầy đủ.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và quản lý thị trường để hạn chế thấp nhất các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý và đầu cơ. Các bộ và địa phương hữu quan phải chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất  là rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng, dầu, phân bón, xi-măng, sắt thép.

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Ðẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu; tiếp tục khuyến khích thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA và FDI (đặc biệt trong phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp), cùng với việc kiểm soát, ngăn chặn việc chuyển giá, trốn thuế. Tăng cường quản lý các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế và nguồn kiều hối.

Thứ sáu, thúc đẩy trên thực tế quá trình tái cấu trúc kinh tế vĩ mô và vi mô, gắn với các đột phá chiến lược theo một chương trình tổng thể; đồng thời, chủ động giảm thiểu các tác động mặt trái của quá trình này. Chủ động điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Ðẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Phải rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao chất lượng tín dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng.

Thứ bảy, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ với lãi suất hợp lý cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm trọng điểm mà thị trường trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu lớn. Hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực cho phát triển và nâng cao hiệu quả đầu tư; đa dạng các hình thức đầu tư theo các cơ chế BOT, BT, BTO...; đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP) để phát triển hạ tầng có quy mô lớn nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực quan trọng này.

Thứ tám, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng. Cần tạo đột phá về nhận thức lý luận và chủ thuyết phát triển, củng cố giá trị chuẩn và tạo đồng thuận xã hội chung, tăng cường cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và đổi mới công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, chú trọng cải cách thể chế và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.

TS. Nguyễn Minh Phong

NHÂN DÂN

Các tin tức khác

>   Thời điểm tốt nhất để đầu tư vào VN (26/02/2012)

>   Khu kinh tế Dung Quất hợp tác với KCN Hàn Quốc (25/02/2012)

>   Bình Dương chuyển hướng thu hút đầu tư (25/02/2012)

>   Quảng Ninh: 585 triệu USD cho giải phóng mặt bằng làm casino (25/02/2012)

>   Khi nhập siêu trở lại (25/02/2012)

>   Vốn FDI “mai phục” năm Rồng chính thức lộ diện (25/02/2012)

>   Năng lực cạnh tranh: Thứ hạng cao nhờ sáng tạo cải cách (25/02/2012)

>   2 tháng đầu năm: Đã giải ngân 1 tỷ USD vốn FDI (24/02/2012)

>   TPHCM: Cắt giảm 106/290 dự án với tổng vốn 13.000 tỷ đồng (24/02/2012)

>   Bật đèn xanh cho dự án tổ hợp giải trí lớn tại Quảng Ninh (24/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật