Năng lực cạnh tranh: Thứ hạng cao nhờ sáng tạo cải cách
Nhiều tỉnh xa như Lào Cai, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Bình Phước… đã nâng bậc năng lực cạnh tranh (PCI) vì có sáng kiến hay để hỗ trợ DN.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 đã được công bố ngày 23-2. Trong chín chỉ số tạo nên PCI, năm nay, các tỉnh bám nhau rất sát, cạnh tranh từng tí trong chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”. (Đây là chỉ số liên quan đến thời gian đăng ký kinh doanh, số lượng giấy phép kinh doanh, thời gian chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) Ông Đậu Anh Tuấn, Phó ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đã trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM về hiện tượng đặc biệt này.
Hết bỡ ngỡ về quy định mới
. Phóng viên: Thưa ông, trong khi các chỉ số khác có tăng điểm ở tỉnh này, giảm điểm ở tỉnh kia thì chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” của các tỉnh đều tăng điểm so với năm 2010 (trừ Gia Lai giữ y điểm). Ông có thể giải thích nguyên nhân của hiện tượng trên?
+ Ông Đậu Anh Tuấn, Phó ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): Đúng là có hiện tượng khá ngạc nhiên. Khảo sát PCI 2010, nhiều địa phương than phiền về đăng ký kinh doanh, nơi này thì than quy trình mới phiền hà hơn, nơi khác thì than lúng túng với quy định mới. Khi đó, Nghị định 43/2010 về đăng ký DN mới được ban hành, các quy trình, thủ tục cũng bị thay đổi, bước đầu áp dụng còn bỡ ngỡ. Ngoài ra, năm 2010 là năm có nhiều chính sách về hạn chế tiếp cận đất đai, ví dụ như đất nông nghiệp. Có lẽ vì hai yếu tố trên mà chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” năm 2010 so với năm 2009 toàn giảm, chỉ bốn tỉnh Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh là giữ bằng điểm năm 2009.
Sau một năm áp dụng nhuần nhuyễn quy định mới, hết lúng túng, bớt vướng mắc… nên chỉ số này đã được cải thiện, khảo sát năm 2011 các tỉnh toàn tăng điểm so với 2010.
Một điểm thú vị của chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” là khoảng cách giữa các tỉnh. Tỉnh cao điểm nhất là Lào Cai thì được 9.41, thấp điểm nhất là Đắk Nông thì cũng được 7.3. Trong khi đó, ở chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, điểm cao nhất là Hà Nội với 7.26 mà thấp nhất là Bạc Liêu chỉ có 1.75. Hay như chỉ tiêu về “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, cao nhất là Lào Cai được 9.38, còn thấp nhất là Lâm Đồng chỉ có 1.39, khoảng cách rất rộng. Điều đó cho thấy mặt bằng chung về đăng ký kinh doanh, khởi sự DN, cấp phép… ở các tỉnh không quá khác biệt mới giúp khoảng cách các tỉnh được ngắn lại.
Mỗi tỉnh có sáng kiến riêng
. Tuy ngắn nhưng vẫn có khoảng cách. Sự khác biệt nào đã dẫn đến khoảng cách giữa các tỉnh trong chỉ số trên, thưa ông?
+ Sự khác biệt nằm ở chỗ địa phương lớn, nhiều hồ sơ thì quá tải, chịu nhiều sức ép hơn các tỉnh ít hồ sơ. Ví dụ, tỉnh Vĩnh Long dám chắc rằng mình cấp phép kinh doanh theo giờ, nộp hồ sơ vào, vài giờ sau có thể đã giải quyết xong, một phần là vì họ có ít hồ sơ. Còn như TP.HCM thì luôn luôn quá tải, đành mất điểm với DN. Phải thấy rằng có những tỉnh mà hồ sơ cả năm chỉ bằng tổng số hồ sơ trong một ngày của tỉnh khác.
Chín chỉ số thành phần của PCI:
Chi phí gia nhập thị trường,
Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất,
Tính minh bạch và tiếp cận thông tin,
Chi phí thời gian,
Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh,
Chi phí không chính thức,
Dịch vụ hỗ trợ DN,
Đào tạo lao động,
Hỗ trợ pháp lý. |
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là trong mặt bằng chung đó, mỗi địa phương đều có quyền đưa ra sáng kiến giải quyết và có địa phương làm được, trở nên khác biệt, được DN chấm điểm cao.
Lấy ví dụ trường hợp Bắc Ninh, tỉnh này lập quy trình thống nhất cho việc cấp phép đất đai, đầu tư, xây dựng. Tỉnh này cũng có sáng kiến tổ chức những buổi “huấn luyện - thực hành”, mời bà con làng nghề đến để phổ biến về lợi ích của đăng ký DN, phát hồ sơ miễn phí, hướng dẫn tận tình chi tiết… Bản thân tôi từng dự hai buổi như thế, thấy rất thiết thực, hữu ích.
Trường hợp Lào Cai (đứng đầu PCI 2011, điểm cao nhất về chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”) đã có nhiều sáng kiến tự cải thiện về đăng ký kinh doanh. Cách đây nhiều năm, trong khi cả nước còn chưa thực hiện một cửa liên thông cho đăng ký kinh doanh, DN còn phải tự làm ba thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký con dấu thì Lào Cai đã có sáng kiến kết hợp ba thủ tục thành một. Lúc đấy, họ làm rất thủ công nhưng vẫn làm. DN nộp hồ sơ vào Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhân viên ở đây chạy xe máy mang hồ sơ sang thuế, sang công an để làm hai thủ tục còn lại cho DN.
Tỉnh Bình Phước có sáng kiến lập tổ PCI. Tổ này có chức năng xem xét các sở, ngành có cấp phép đúng thời hạn hay bê trễ, đúng quy trình hay làm khó.
Riêng Đồng Nai có mô hình “giới thiệu địa điểm”. Nhà đầu tư được dẫn đi xem các địa điểm để lựa chọn điểm đầu tư, nếu nhà đầu tư đồng ý có thể được cấp giấy ngay trong ngày.
. Trong các sáng kiến về cải thiện đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, quyền sử dụng đất…, sáng kiến của tỉnh nào khiến ông ấn tượng nhất?
+ Trong nhiều sáng kiến cải thiện chỉ tiêu “Chi phí gia nhập thị trường”, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Ninh Thuận. Tỉnh này có mời nhà tư vấn đến và họ thiết lập một “cửa” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết hồ sơ cho DN, cam kết giải quyết sớm hơn thời hạn luật định, từ việc đăng ký kinh doanh đến xây dựng, đất đai, môi trường… Các sở, ngành khác có trách nhiệm cử cán bộ của mình sang ngồi chung ở “cửa” này để giải quyết. Đây là một mô hình học từ Singapore và Ninh Thuận áp dụng khá hiệu quả. Tuy nhiên, hơi tiếc là sáng kiến trên hiện chỉ được áp dụng cho các nhà đầu tư mới chứ chưa áp dụng cho cộng đồng DN hiện hữu. Chúng tôi nói đùa là mang tính “đón rước” nhiều hơn “chăm lo hiện tại”. Ninh Thuận không được điểm cao về chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” có lẽ cũng do sự “thiên vị” này.
Quỳnh Như
Pháp luật Thành phố
|