Thứ Sáu, 24/02/2012 15:30

Lạm phát giảm tốc, cơ hội giảm lãi suất thực chất đã đến?

Với xu hướng giảm tốc rõ rệt của lạm phát, lãi suất trong thời gian tới sẽ có cơ hội giảm xuống một cách thực chất hơn, với mức độ tiếp cận vốn dễ dàng hơn trước đây.

* Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 – 24/02: Xu hướng giảm lãi suất dần khả thi hơn

* Tâm điểm Vĩ mô 2012 - Phần 1: Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 2/2012 tăng 1.37% so với tháng 1/2012, và tăng 16.44% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng đáng kể nhất đối với CPI tháng 2 đến từ 2 nhóm hàng Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2.47%), và Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2.11%).

Tết Âm lịch thường rơi vào tháng 1 và 2 dương lịch và chúng ta thường thấy đà tăng mạnh của CPI trong giai đoạn này. Tuy vậy, so với cùng kỳ các năm trước, CPI hai tháng đầu năm 2012 (lần lượt là 1% và 1.37%) đều tăng yếu hơn thông thường (ngoại trừ mức tăng khá yếu trong hai tháng đầu năm 2009, do nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái trong giai đoạn 2008 – 2009).

Như vậy, tính đến thời điểm này của năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2.38% so với cuối năm 2011. Mục tiêu chung của Chính phủ cho năm 2012 là giữ lạm phát dưới 10%.

Với mức tăng khá thấp trong hai tháng đầu năm 2012, xu hướng giảm của lạm phát càng được củng cố và giúp cho mục tiêu kiềm chế lạm phát về dưới 1 con số còn khả thi.

Biểu đồ bên dưới cũng cho thấy, đà giảm tốc của CPI được cộng hưởng tích cực từ nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng lớn nhất 39.93% trong rổ hàng hóa tính CPI).

Tuy nhiên, trái với xu hướng chung, nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (chiếm tỷ trọng 10.01%) lại bất ngờ tăng mạnh; do ảnh hưởng chủ yếu từ quyết định tăng giá điện của Bộ Công thương áp dụng từ ngày 20/12/2011.

Tính đến tháng 2, CPI của nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã tăng 4.22% so với cuối năm 2011 và tăng 19.65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội để bắt đầu kéo giảm lãi suất thực chất?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiến hành phân loại, xếp hạng và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng. Như đề cập trước đây, đây là một phần trong gói biện pháp nhằm khoanh vùng các ngân hàng yếu và ổn định dần thị trường tiền tệ.

Mới đây, ngày 20/02, NHNN tiếp tục có Công văn số 958/NHNN-CSTT yêu cầu các NHTM báo cáo những vấn đề về khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp.

Có thể hiểu đây là bước đi dọn đường cho việc mở rộng khả năng tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dòng vốn đặc biệt khan hiếm.

Với xu hướng giảm tốc rõ rệt của lạm phát, lãi suất trong thời gian tới sẽ có cơ hội giảm xuống một cách thực chất hơn, với mức độ tiếp cận vốn dễ dàng hơn trước đây.

Gần đây, một số ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG), Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)… cũng đã lần lượt công bố giảm nhẹ lãi suất. Tuy vậy, mức lãi suất cho vay mới chỉ giảm đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và một số đối tượng ưu tiên khác.

Đâu là các yếu tố làm gia tăng rủi ro lạm phát?

Trong khi xu hướng giảm của lạm phát đã hiện rõ, sẽ là hữu ích nếu chúng ta không quên các yếu tố có thể làm rủi ro tăng giá quay trở lại.

Giá điện điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Theo thông tin trước đó của Bộ Tài chính, phương án giá điện năm 2012 được tính trên cơ sở các chi phí đầu vào và mức tăng dự kiến sẽ trên 10% nhưng không cao hơn 15.6%.

Nếu trở thành hiện thực, mức điều chỉnh tăng như trên sẽ tác động trực tiếp đến nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và có thể làm đảo ngược tăng trở lại đà giảm tốc của CPI trong những tháng sau đó của năm 2012.

Việc điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2012 đang chịu nhiều sức ép, do EVN đã phát sinh các khoản lỗ và các hộ bán khí, than đang thúc đòi nợ EVN.

Bất ổn địa chính trị thế giới. Những bất ổn ở điểm nóng Iran đang khiến cho tình hình kinh tế toàn cầu thêm rối ren, đặc biệt là nguy cơ giá dầu tăng cao trước những quyết định cấm vận dầu mỏ đối với Iran. 

Mới đây, Iran đã tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu thô sang Anh và Pháp nhằm trả đũa lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu (EU). Hiện giá dầu thô đang dao động quanh ngưỡng 105 USD/thùng.

Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, mối quan ngại về lạm phát sẽ sớm trở lại và lúc đó lạm phát kỳ vọng cũng sẽ tăng theo.

Hoàng Vũ (Vietstock)

FINFONET

Các tin tức khác

>   HSBC, Standard Chartered: Việt Nam sẽ hạ lãi suất trong quý 1 hoặc đầu quý 2 (24/02/2012)

>   Lạm phát 2012: Nhìn thế giới, lo trong nước (24/02/2012)

>   Từ doanh nghiệp FDI, lo cho chiến lược thu hút đầu tư (24/02/2012)

>   CPI cả nước tháng 2 tăng 1.37% (24/02/2012)

>   Đà Nẵng kêu gọi đầu tư 4 dự án thương mại (24/02/2012)

>   Chống lợi ích nhóm khi tái cơ cấu DNNN (24/02/2012)

>   Xếp hạng năng lực cạnh tranh: Tăng tiền “lại quả”! (23/02/2012)

>   Phân cấp đầu tư công hạn chế tình trạng xin-cho (23/02/2012)

>   Hà Nội, TPHCM tăng hạng về năng lực cạnh tranh (23/02/2012)

>   Citibank: Yên tâm với chính sách nhất quán của Chính phủ (23/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật