Citibank: Yên tâm với chính sách nhất quán của Chính phủ
"Giờ đây, khi chứng kiến các chính sách của Chính phủ được thực hiện nhất quán trong suốt năm qua như ổn định lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ và kiểm soát sự tăng trưởng nóng của tín dụng, bắt đầu giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng… người ta có thể thấy yên tâm hơn nhiều" - ông Brett Krause - TGĐ Citibank Việt Nam.
Cuộc trao đổi dưới đây của ông Brett Krause - TGĐ Citibank Việt Nam với Doanh nhân giúp làm rõ thêm nhận định của Citigroup cho rằng, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có thị trường sơ khai tiềm năng.
- Nhiều báo cáo thời gian qua cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, là con hổ mới ở châu Á. Báo cáo mới đây của chuyên gia Citigroup đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường sơ khai tiềm năng. Nhiều người thắc mắc: liệu đây có phải là một bước lùi không, thưa ông?
Việt Nam đã được đánh giá là thị trường sơ khai tiềm năng trong một thời gian khá dài và tôi không nghĩ khái niệm "thị trường sơ khai tiềm năng" có thể gây ra cách hiểu tiêu cực. Ở đây, thị trường được nhìn nhận ở góc độ tài chính, tài sản với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, các mức lãi suất… Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán và trái phiếu chưa phát triển, đặc biệt là về hàng hóa trên thị trường, cơ sở hạ tầng. Những gì mà nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy ở các thị trường khác trên thế giới thì ở Việt Nam chưa có.
- Báo cáo hàng năm của Citibank có ảnh hưởng như thế nào tới nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào một nền kinh tế, trong trường hợp này là Việt Nam?
Báo cáo này đưa ra danh sách xếp hạng một nhóm các nước chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nó phân tích tại sao các nền kinh tế có thể mang lại cơ hội và lợi nhuận đầu tư lớn trong lâu dài. Báo cáo cũng đánh giá về nền kinh tế vĩ mô, giai đoạn và hiện trạng phát triển. Ví dụ, Việt Nam đạt đến ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình ở một mức độ nhất định thì sẽ phát triển thị trường tiêu dùng đến đâu. Bạn có thể thấy tiêu dùng nội địa của Việt Nam đang đóng góp một phần quan trọng vào GDP. Việc tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ, các nhãn hiệu, thương hiệu địa phương cũng đang lớn mạnh chính là động lực thúc đẩy đầu tư.
Thực tế, bản báo cáo là một bức tranh vĩ mô về lĩnh vực tài chính, bản chất các cơ hội của thị trường và những thử thách có thể gặp trong ngắn hạn.
Andrew (tác giả Báo cáo - DN) đã giúp tái khẳng định trong số những nền kinh tế có thị trường tiềm năng hấp dẫn thì Việt Nam là nền kinh tế có tiềm năng nhất để vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay. 6 tháng trước đây, mọi thứ đều khiến người ta lo ngại, nếu không nói là đáng báo động đỏ. Nhưng giờ đây, khi chứng kiến các chính sách của Chính phủ được thực hiện nhất quán trong suốt năm qua như ổn định lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ và kiểm soát sự tăng trưởng nóng của tín dụng, bắt đầu giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng… người ta có thể thấy yên tâm hơn nhiều. Báo cáo còn đề cập nhiều vấn đề đáng được quan tâm khác. Những thách thức cụ thể là liệu Việt Nam có thành công không, mức độ thành công trong việc đạt được ba ưu tiên chiến lược là tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc ngân hàng.
Tựu trung, báo cáo đánh giá rằng, Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Quan sát cá nhân tôi thấy, trong vòng 2 - 3 năm qua, danh mục đầu tư toàn cầu còn bỏ qua thị trường Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài có các ưu tiên sâu hơn ở các thị trường khác. Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế có được vị trí cao trong các ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu kể từ năm 2008.
Chúng tôi - những nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt tại đây - hiểu được con người Việt Nam chăm chỉ, có ý chí học tập, có khả năng đạt được những thành tựu lớn lao. Việt Nam có cơ cấu dân số lý tưởng, địa chính trị ổn định, vị trí địa lý tuyệt vời. Tất cả những điều đó là các yếu tố vĩ mô để cân nhắc. Đó là những yếu tố mà báo cáo tập trung phân tích và thông điệp có thể đọc thấy ở đây là "hãy lại bắt đầu hướng đến Việt Nam". 15 thị trường sơ khai được báo cáo chỉ ra chính là thị trường tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian dài tới đây. Bên cạnh nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đó là đích đến của những dòng đầu tư lớn.
- Còn đánh giá của riêng ông về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2012 thì sao?
Môi trường kinh doanh chung hiện nay trên thế giới rất khó khăn. Nhìn vào các vấn đề đang xảy ra ở châu Âu và viễn cảnh 2012 trên toàn thế giới thì thấy khá là bi quan. Mọi người lo lắng về sự lây lan và ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tài chính, thắt lưng buộc bụng của Chính phủ, không phải chỉ riêng châu Âu mà ở mọi nơi trên thế giới. Hai tháng đầu năm vẫn đầy khó khăn, nợ công các quốc gia châu Âu vẫn chưa được giải quyết, do vậy không thể không cẩn trọng. Một khi những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (chẳng hạn như châu Âu) ở trong tình trạng khó khăn lâu dài thì rõ ràng cũng ảnh hưởng đến Việt Nam, mặc dù mức độ ảnh hưởng ít hơn một số thị trường khác vì sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh hơn, sản xuất với chi phí thấp hơn. Việt Nam sẽ không rơi vào tình trạng hoàn toàn sụp đổ khi nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, nhưng rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng.
Về câu hỏi thị trường trong nước năm 2012, tôi đồng ý với đánh giá của các nhà kinh tế và nhận định của Chính phủ là sẽ có nhiều thử thách, khó khăn vì Việt Nam đang cố gắng giảm lạm phát xuống còn một con số và phải tiếp tục duy trì mức giảm ổn định trong thời gian tới bằng chính sách tiền tệ thắt chặt. Lạm phát cao sẽ lấy đi những thành quả đang có và phải mất nhiều năm mới lấy lại được uy tín. Kiểm soát lạm phát cũng cần thời gian, không có phép màu nào để giảm ngay tỉ lệ lạm phát xuống một con số mà phải mất hàng tháng, có khi hàng năm. Việt Nam cần cố gắng không để tình trạng lạm phát xảy ra như những năm 2000. Làm như vậy là hy sinh tương lai.
Với những lý do nêu trên, năm 2012 vẫn là một năm không dễ dàng với Việt Nam. Nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% cũng đã khá tốt, dù tôi vẫn cho rằng, mức đó là dưới tiềm năng. Để đạt được mức tăng trưởng cao hơn nữa về lâu dài, tôi nghĩ vẫn cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong suốt năm 2012.
- Khi tiếp xúc trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, ông nhận thấy họ có suy nghĩ như thế nào?
Cảm giác và suy nghĩ của chúng tôi về Việt Nam là tích cực hơn và lạc quan trong thận trọng. Chúng tôi yên lòng hơn với sự tập trung trong các thông điệp từ cơ quan nhà nước, đặc biệt là những kết quả lạc quan từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có sự lãnh đạo tập trung, được công nhận và ủng hộ. Chúng tôi cũng tin tưởng là ông sẽ dành sự quan tâm thích đáng đến những vấn đề thực sự ổn định và lâu dài. Bài toán còn đó nên chúng tôi nói là "lạc quan trong cẩn trọng". Cẩn trọng vì vẫn có những rủi ro bên ngoài Việt Nam khó kiểm soát.
Tôi là người lạc quan và khá nhiều người trên thế giới lạc quan. Nếu mọi người suy nghĩ tiêu cực, tình hình chỉ tệ hơn mà thôi. Chúng ta cần phải tập trung và bình tĩnh để cùng vượt qua thử thách, khủng hoảng này.
- Đối mặt với khó khăn, nhiều ngân hàng và hãng bảo hiểm đã hợp tác đưa ra sản phẩm mới. Citibank có kế hoạch triển khai sản phẩm nào ra thị trường trong năm 2012 để duy trì thị phần và thu hút khách hàng?
Chúng tôi đang mang đến các sản phẩm rất mạnh trong các dịch vụ hướng đến khách hàng cá nhân. Có thể bạn đã biết Citibank là ngân hàng mạnh, thành công ở toàn châu Á xét về tổng mức đầu tư, xâm nhập thị trường và thị phần.
Đúng là trong 15 năm đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi tập trung mạnh vào lĩnh vực ngân hàng bán buôn, cung cấp tín dụng cho các tổng công ty, doanh nghiệp. Trong 2 - 3 năm vừa qua, chúng tôi đã tập trung vào thị trường khách hàng cá nhân. Chúng tôi đầu tư vào hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin cho dịch vụ ngân hàng trên Internet (Internet banking), tăng ứng dụng trên điện thoại thông minh và tiếp tục phát triển thêm nhiều ứng dụng sản phẩm.
Các sản phẩm được thiết kế và đưa ra thị trường cũng sẽ là tốt nhất hiện nay, như Premier Miles, Platinium Cards. Những sản phẩm này mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Tất nhiên để có thể sử dụng được các dịch vụ này phải có điều kiện nhất định về thu nhập, đổi lại, chúng tôi mang đến cho khách hàng những gì mà họ xứng đáng được hưởng. Với dịch vụ Premier Miles, mỗi đồng đô la bạn tiêu đều được tích điểm dặm bay. Chúng tôi mang đến cho những người hay phải bay hơn 600 phòng chờ hạng thương gia. Thêm vào đó, chúng tôi có chính sách trả lại tiền/cashback - một ứng dụng rất mạnh; dịch vụ thẻ tín dụng rút tiền ngay/ready credit... Đây là những sản phẩm rất khác biệt mà càng dùng nhiều, khách hàng càng được hưởng nhiều lợi ích. Năm qua chúng tôi cũng hợp tác với hãng bảo hiểm để mang lại nhiều tiện ích khác cho khách hàng.
Sáng tạo luôn là đặc trưng riêng, là sức mạnh rường cột, thậm chí là dòng máu trong huyết quản của chúng tôi.
- Liệu có phải vì hơi chậm chân nên để thu hút các khách hàng cá nhân, Citibank phải triển khai nhiều sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường?
Còn phải xem nên hiểu thế nào là muộn khi tham gia vào một thị trường mới. Nếu bạn nhìn vào thị trường thẻ tín dụng, tổng số lượng thẻ trên thị trường còn rất nhỏ. Thực tế, trước khi chúng tôi đưa sản phẩm thẻ tín dụng vào thị trường, Việt Nam chỉ có khoảng vài trăm nghìn thẻ tín dụng.
Cần lưu ý rằng, nhiều loại thẻ được gọi là "thẻ tín dụng" hiện nay không thực sự là "tín dụng" mà chỉ là thẻ ghi nợ. Citibank vào thị trường và ngay từ đầu đã cung cấp thẻ tín dụng thực sự. Chúng tôi cũng là ngân hàng đầu tiên mang lại giá trị thực đi kèm thẻ tín dụng. Tôi vẫn tin rằng, chúng tôi tham gia sớm và thị trường còn mới, còn nhiều tiềm năng. Kể cả các ngân hàng khác ngày mai mới tham gia thị trường cũng vẫn là sớm và kịp thời với sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam. Nhìn rộng hơn về đầu tư và các sản phẩm đầu tư cho các cá nhân tại Việt Nam, tôi có thể khẳng định lại là mọi thứ còn chưa muộn. Chúng tôi muốn là ngân hàng hàng đầu và tiên phong trong việc mang lại các giá trị khác biệt cho khách hàng.
Báo cáo của chuyên gia Andrew Howell thuộc Citigroup
đã liệt kê ra 15 thị trường sơ khai được cho là sẽ đem đến mức lợi nhuận cao cho giới đầu tư trong những thập kỷ tới. Đó là các thị trường: Ai Cập, Argentina, Bangladesh, Ghana, Iraq, Kazakhstan, Kenya, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Romania, Sri Lanka, Ukraina, Venezuela và Việt Nam.
"Thị trường sơ khai" thường có cơ sở hạ tầng kém phát triển, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và thị trường vốn có mức độ thanh khoản thấp. Bởi thế, đây là các thị trường có độ rủi ro lớn hơn, nhưng xét về lâu dài có thể đem lại cơ hội tăng trưởng hấp dẫn hơn các thị trường mới nổi có độ phát triển cao hơn.
Báo cáo đánh giá Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên khi Việt Nam nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thì cũng gây ra tình trạng lạm phát cao. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của Việt Nam bị đánh giá là còn yếu.
Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,4%/năm
GDP bình quân đầu người: 1.370 USD/năm
GDP ước tính:121,6 tỷ USD
Dân số: 88,8 triệu người
Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 93% |
Thùy Ðỗ
Diễn đàn doanh nghiệp
|