Kiềm chế lạm phát: Không thể chủ quan
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu của bốn mục tiêu (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, thất nghiệp ít, cán cân thanh toán có số dư). Sau năm 2011, lạm phát tăng cao, việc ưu tiên kiềm chế lạm phát với mục tiêu dưới 10% của năm nay khiến cho việc giảm chỉ số CPI lại càng quan trọng.
Chọn kênh giữ tiền
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tính chung 2 tháng tăng 2,38%. Tuy tốc độ tăng của tháng 2 cao hơn của tháng 1, nhưng nhìn chung mức tăng 2 tháng đầu năm nay vẫn thuộc loại thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong nhiều năm qua (thấp thứ 4 trong 30 năm, sau năm 2000, 2001 là những năm được coi là thiểu phát và sau năm 2009 là năm tăng thấphơn sau năm 2008 tăng cao ngất ngưởng).
Những số liệu trên cho thấy, tuy CPI tháng 2 cao hơn lãi suất tiết kiệm nhưng tính chung từ tháng 8 năm ngoái đến nay, lãi suất gửi tiết kiệm đã chuyển từ thực âm sang thực dương. Khả năng CPI tháng 3 sẽ mang dấu âm như thông lệ của cùng kỳ trong nhiều năm qua, sau đó sẽ tăng thấp và khả năng cả năm CPI sẽ tăng dưới 10%, thậm chí còn thấp hơn nữa. Những người có tiền để dành, không biết đầu tư hoặc sợ rủi ro, thì gửi tiết kiệm trong điều kiện trên vừa an toàn, vừa có lãi suất thực. Thị trường bất động sản có thể còn trầm lắng, thậm chí "đáy" vẫn còn ở phía trước. Thị trường ngoại tệ ổn định, khả năng cả năm nay chỉ tăng 2- 3% như dự báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thị trường vàng có thể sẽ không có sóng lớn, khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rút xuống còn khoảng 400.000 đồng/lượng như ý tưởng của Thống đốc Ngân hàngNhà nước.
Cơ hội cho ngân hàng và doanh nghiệp
CPI tiếp tục có một tháng tăng trên 1% điều này đòi hỏi các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay. Đây không chỉ là điều kiện cần mà cùng với sự cải thiện thanh khoản, các ngân hàng thương mại đã có điều kiện đủ để "cứu" sản xuất, kinh doanh khỏi nguy cơ đình trệ, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởnghợp lý (6 - 6,5%). Các doanh nghiệp cũng không nên vay lớn, vay dài vì lãi suất đang trong chiều hướng giảm. Hạ lãi suất cho vay không chỉ góp phần "cứu" người lao động khỏi nguy cơ bị mất việc, thiếu việc, mà còn thu hút thêm người vào làm việc để bảo đảm thu nhập. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, nhất là những người có trình độ quản lý, có tay nghề cao, những người đã gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nếu không có chính sách giữ chân người lao động vào lúc này, doanh nghiệp sẽ dễ bị "chảy máu chất xám", sau này khó tuyển dụng lại hoặc phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại. Bên cạnh đó,doanh nghiệp tranh thủ lúc giá còn cao để đẩy mạnh bán ra, giảm lượng tồn kho, thu hồi vốn, quay nhanh vòng vốn.
Mặc dù tốc độ tăng CPI 2 tháng đầu năm thấp, nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà lơ là với lạm phát. Kinh nghiệm của lạm phát cao, lặp đi lặp lại thời gian qua cho thấy nhiều vấn đề cần được quan tâm. Kiềm chế lạm phát phải tiếp tục được coi là mục tiêu ưu tiên. Mục tiêu này cần được thực hiện kiên trì, nhất quán và phải được phối hợp đồng bộ. Đặc biệt quan tâm đến tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán, cao nhất cũng chỉ nên như dự kiến (tương ứng là 16 - 17% và 15 - 16%), nếu vượt quá sẽ lạm phát. Cẩn trọng với việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ quan trọng, trong đó cần cân nhắc về thời điểm, liều lượng. Cẩn trọng với việc điều chỉnh tỷ giá. Tăng cường quản lý giá, nhất là ngăn chặn tình trạng "té nước theo giá", "tát nước theo lương".
kinh tế đô thị
|