Áp lực lạm phát, mức sống suy giảm
Trước làn sóng tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong năm 2012, đời sống đại bộ phận người dân sẽ bị suy giảm. Chính phủ cũng đang đứng trước những khó khăn khi phải chấp nhận một số mặt hàng theo giá thị trường, đồng thời phải kiềm chế lạm phát
Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước là 1% của tháng 1 và 1,37% của tháng 2-2012, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, CPI tổng cộng đã tăng 2,37%. Nếu làn sóng tăng giá các mặt hàng thiết yếu không được ngăn chặn tích cực, chắc chắn CPI tháng 3-2012 sẽ khó bắt đầu chu kỳ giảm theo thông lệ mà ngược lại, có thể sẽ tiếp tục tăng với mức cao hơn cả tháng 2-2012.
Giá gas tăng kinh hãi nhất
Giá gas sau 4 lần tăng giá liên tiếp ngót 70.000 đồng trong vòng 2 tháng qua thì ngày 1-3, lại tiếp tục tăng 52.000 đồng/bình 12 kg với lý do giá gas của thị trường thế giới tăng nhanh (trong tháng 2, giá gas trên thị trường thế giới tăng so với thời điểm trước là 145 USD/tấn và trong những ngày đầu tháng 3 tiếp tục tăng thêm tới 180 USD/tấn, đạt mức 1.205 USD/tấn). Phản ứng khá linh hoạt, ngày 2-3, Bộ Tài chính quyết định giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 0%. Ngay sau đó, Saigon Petro ra thông báo giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.
Giá xăng dầu thế giới trong năm 2012 có thể có diễn biến phức tạp, giá sẽ tăng gắn với hệ quả đa dạng từ các biện pháp trừng phạt đối với Iran của Mỹ và EU và tình hình gián đoạn nguồn cung từ các nước như Syria, Yemen và Sudan; cũng như gắn với kết quả báo cáo dấu hiệu phục hồi tích cực về tình hình tăng trưởng của Mỹ và nhiều nước lớn trên thế giới; đồng thời, giá có thể giảm gắn với dự báo sẽ có sự gia tăng lượng cung dầu do sản lượng dầu tại nhiều quốc gia, trong đó có OPEC.
Giá sữa liên tục tăng
Giá sữa đồng loạt và có nhiều đợt tăng từ 15% - 20% không chỉ khiến người tiêu dùng sốc, ngay cả giới kinh doanh sữa cũng bất ngờ… Đầu tháng 3, hơn 40 loại sản phẩm sữa của hãng Abbott đã tăng giá 10% - 20%. Nhiều hãng sữa khác như Mead Johnson, XO, Milex, Hanco Food… tiếp tục điều chỉnh tăng 5% - 15% giá bán.
Chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 3, giá sữa trên thị trường TPHCM đã tăng ngất ngưởng 20% với lý do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỉ giá hơn 9%. Từ ngày 5-12-2011, giá sữa Abbott lại đồng loạt tăng 9% đối với tất cả các mặt hàng. Cũng kể từ đầu tháng 3-2012, nhiều hãng sữa trong nước cũng công bố điều chỉnh giá bán lẻ từ 10% – 12%.
Thực tế cho thấy giá sữa ở Việt Nam tăng có nhiều yếu tố gắn với độc quyền, gắn với sự quảng cáo quá mức và tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng cũng như kẽ hở trong quản lý Nhà nước. Cuối năm 2009, sau khi thu thập giá của 20 loại sữa thuộc 7 hãng sữa lớn (Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, Friso, XO, Dutch Lady) nhập khẩu vào các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết giá sữa của Việt Nam vào hàng cao nhất. Sữa Ensure Gold, Pedia Sure (của Abbott) nhập khẩu từ Mỹ, giá ở Việt Nam cao hơn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia 20% - 30%. Cá biệt có sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng Dumex tại Việt Nam cao hơn các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 130% - 220%...
Giá nước sạch có thể lên đến 18.000 đồng/m³
Giá nước sinh hoạt ở nhiều đô thị lớn cũng đã và sẽ tăng mạnh, như TPHCM tăng 48% kể từ ngày 1-3-2010. Giá nước áp dụng cho đơn vị sản xuất được điều chỉnh từ 4.500 đồng/m³ lên 6.700 đồng/m³; giá nước áp dụng đơn vị kinh doanh dịch vụ tăng từ 8.000 đồng/m³ lên 12.000 đồng/m³. Mức giá của các nhóm trên vào ngày 1-1 hằng năm đến năm 2013 sẽ tự động được tăng thêm khoảng 10%/năm. Từ ngày 1-1-2012, TP Hải Phòng cũng điều chỉnh giá nước sạch tăng khoảng 40%. Đặc biệt, theo dự thảo thông tư về khung giá nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính xây dựng đầu năm 2012, giá nước sạch có thể lên tới 18.000 đồng/m³.
Giá thành điện năm 2012 dự kiến sẽ là 1.242 đồng/KWh, tăng 4,6% so với năm 2011 (ngày 1-3-2010, giá điện tăng 6,8%; ngày 1-3-2011, tiếp tục tăng hơn 15,28%; cuối năm 2011, lại tăng tiếp 5%). Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, giá điện bình quân của Việt Nam hiện là 5,6 cent/KWh; trong khi tính đúng, tính đủ chi phí, mức giá vào khoảng 9,6 cent. Điều đó có nghĩa rằng giá điện sẽ tiếp tục tăng để bù đắp chi phí...
Áp lực của bài toán kép
Năm 2012, Việt Nam đối diện với bài toán kép: Một là, đến hết năm 2013, thực hiện theo nguyên tắc thị trường các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công; hai là, kiềm chế lạm phát của năm 2012 dưới một con số, khoảng 9% và bảo đảm an sinh xã hội...
Những làn sóng tăng giá các mặt hàng thiết yếu nêu trên làm cho mục tiêu an sinh xã hội đang bị đe dọa trực tiếp, làm đời sống người dân trở nên đắt đỏ, làm mức sống thực tế của người dân đã, đang và sẽ tiếp tục bị hạ thấp; làm cho mục tiêu kiềm chế CPI dưới một con số cũng khó thành hiện thực vì các hàng hóa thiết yếu trên vốn chiếm tỉ trọng lớn trong rổ tính CPI của Việt Nam.
Giải quyết các nút thắt về giá
Để hạn chế việc tác động của làn sóng tăng giá, cần thực hiện đúng quy luật và trình tự quy trình kinh tế thị trường; chỉ cho phép doanh nghiệp độc quyền thực hiện giá thị trường khi có cạnh tranh thị trường đầy đủ, lành mạnh trong lĩnh vực đó; tăng cường công tác thông tin về giá, kiểm tra, kiểm toán giá, đồng thời đề cao trách nhiệm, sự chủ động và minh bạch về giá của doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý thị trường, trừng phạt các hoạt động quảng cáo quá mức, kiểm soát hoạt động của các hệ thống đại lý phân phối, nhất là phân phối độc quyền nhằm giảm thiểu tình trạng tăng giá độc quyền, đầu cơ và nhiễu loạn giá, phi thị trường. Ngoài ra phải đấu tranh phòng ngừa hiệu quả với các hiện tượng chuyển giá, làm giá, gian lận về giá và các gian lận thương mại khác. |
TS Nguyễn Minh Phong
người lao động
|