JICA: "Sức hút nhà đầu tư Nhật Bản từ mô hình PPP"
Cơn đại địa chấn rung chuyển Nhật Bản một năm trước đã để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế châu Á này. Khó khăn càng đặt nặng lên vai người dân Nhật bởi trọng trách khôi phục lại những gì sóng thần cướp đi. Trong giai đoạn khó khăn ấy, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng khi một số dự án đã bị hoãn lại.
Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, kế hoạch cho vay mới đối với Việt Nam với giá trị trên một tỷ USD đã nhanh chóng được nối lại mặc cho những khó khăn của Nhật Bản chưa thực sự qua đi. Đây là nguồn vốn quý giá cho việc dự án quan trọng ở Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Nhật Bản luôn xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng. Với hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam, nhiều dự án mà cộng đồng quốc tế tài trợ đã được thực hiện thành công. Đặc biệt, tốc độ giải ngân các của các dự án đã được cải thiện đáng kể trong những tháng đầu năm 2012.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Tsuno Motonori xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về tốc độ giải ngân và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2012?
Ông Tsuno Motonori: Nhìn chung, Việt Nam vẫn được cộng đồng các nước tài trợ đánh giá là nước sử dụng nguồn vốn ODA khá hiệu quả. Trong hoàn cảnh Việt Nam đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện đầu tư công là một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng.
Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây cũng đặc biệt quan tâm tới việc việc hoàn thành đúng tiến độ các dự án. Những dự án JICA tham gia đầu tư đã được hỗ trợ rất nhiều bởi phương hướng này của Việt Nam.
Theo quan sát của chúng tôi, tốc độ giải ngân các của các dự án đã được cải thiện đáng kể trong những tháng đầu năm 2012.
- Với cương vị là Trưởng đại diện JICA ở Việt Nam, cá nhân ông có suy nghĩ gì về những thành công của một số dự án ở Việt Nam cũng như trăn trở gì về các khó khăn hiện nay trong việc thực hiện các dự án?
Ông Tsuno Motonori: Trong phần lớn các trường hợp, việc hoàn thành các dự án ở Việt Nam có nghĩa là hoàn thành hoàn toàn phần xây dựng chứ không phân biệt về thời gian hay chi phí liên quan. Thực tế thì rất khó để tìm thấy một dự án đầu tư công nào hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Các dự án có rất nhiều lý do ảnh hưởng tới việc chậm trễ này trong đó quan trọng phải kể đến là khó khăn về mặt giải phóng mặt bằng hay năng lực của các cơ quan quản lý dự án trong việc đấu thầu, phối hợp, hợp đồng quản lý giữa các bên liên quan.
- Có nhận định cho rằng, khi Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA không còn là yếu tố quyết định giúp Việt Nam tăng trưởng. Thay vào đó, việc hỗ trợ vốn sẽ giúp Việt Nam chuyển sang những hình thức đầu tư mới. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Ông Tsuno Motonori: Là một nước có thu nhập trung bình nhưng trong gian đoạn này, Việt Nam vẫn cần đầu tư lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bởi thế, để thu hút thêm nguồn vốn, mô hình hợp tác công - tư (PPP) sẽ là một trong những phương pháp hiệu quả. JICA đã tích cực đẩy mạnh mô hình PPP nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
- Giảm lạm phát và đảm bảo chất lượng tăng trưởng là những gì Việt Nam đang hướng tới trong thời gian này. Ồng có nhận định gì về mục tiêu này và những hành động của Việt Nam để thực hiện mục tiêu này trong thời gian qua?
Ông Tsuno Motonori: Rõ ràng, lạm phát đang ảnh hưởng tới thành tựu kinh tế hay thậm chí là cả thu nhập và bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam đã đưa ra những chính sách kinh tế vĩ mô cùng với hành động thực tế nhằm kiềm chế lạm phát đã và đang đi đúng hướng. Chính sách về tiền tệ và tài chính dường như đang ngày một hài hòa hơn. Chất lượng tăng tưởng là điều cần thiết cho một nền kinh tế bền vững và điều này đòi hỏi việc tăng cường thể chế giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.
- Ông có lời khuyên gì với Việt Nam trong thời gian tới khi 2012 vẫn là năm được cho là đầy khó khăn về kinh tế?
Ông Tsuno Motonori: Chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc kiềm chế lạm phát thời gian tới, hay xa hơn là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng sức cạnh tranh. Những vấn đề chính mà Việt Nam cần phải tập trung là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tổ chức nhằm nâng cao tính minh bạch, quản trị, hiệu quả chi tiêu công và đầu tư hay phát triển khu vực tư nhân.
- Xin cảm ơn ông!/.
Đỗ Lê Phạm
Vietnam+
|