Lãi suất cao nhất nhì thế giới, doanh nghiệp Việt Nam kiệt sức
Ông Vũ Khoan cho rằng, sau 5 năm gia nhập WTO, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với trước đã lên nhiều nhưng so với yêu cầu thì còn kém.
Ông Vũ Khoan đã thẳng thắn đưa ra nhận xét này tại hội thảo khoa học quốc gia “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO” diễn ra sáng 9/3 tại Hà Nội.
DN thiếu nhiều thứ
“5 chữ T và 1 chữ C mà hiện nay các DN Việt Nam đang thiếu, đó là: Tiền, Tài (cầm trịch, điều hành doanh nghiệp), Thông tin (đầu ra-đầu vào của sản phẩm), Tình, Tín và Công nghệ” – ông Vũ Khoan nói.
Phân tích rõ hơn, ông Vũ Khoan cho rằng: DN Việt Nam có đặc điểm là không có tiền. 80-90% vốn của DN là đi vay ngân hàng. Với mức lãi suất cao như hiện nay thì DN không thể cạnh tranh được với ai. Bên cạnh đó, chúng ta nhắc nhiều đến vấn đề nhân công không phải rẻ nữa mà phải là chất lượng. Nhưng chúng ta đừng đi từ vực nọ sang vực kia. Nhấn mạnh năng lực là đúng nhưng cái rẻ là rất quan trọng. Vì FDI vào Việt Nam nhiều cũng do nhân công rẻ. Cho nên đừng quá cực đoan hủy bỏ lợi thế của mình đi.
|
DN chưa có đủ điều kiện cần thiết để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài |
“Tâm tư của tôi là chúng ta đừng quá sốt ruột. Nước ta là một nước sản xuất nhỏ, truyền thống buôn bán không có, suốt thời kỳ bao cấp còn cấm buôn bán, kinh doanh thì làm sao bắt DN nhảy “phốc” lên được. Thành phần tham gia thương trường cũng rất đa dạng, đặc thù (cán bộ, bộ đội phục viên, buôn thúng bán mẹt đi lên…). Ngay đất nước ta cũng không phải một sớm, một chiều tạo nên những điều kiện cạnh tranh như đã nêu”.
Ngoài ra, theo ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, sau 5 năm DN Việt Nam phát triển mạnh về chiều rộng, số lượng nhưng không đi sâu vào chất lượng. Tỷ lệ đầu tư cho công nghệ thấp, nhập quá nhiều công nghệ lạc hậu. “Nếu không sớm thay đổi thì Việt Nam sẽ lạc hậu một chu kỳ công nghệ so với thế giới” – ông Lương Văn Tự nói.
Cũng theo ông Tự, về quản lý DN còn yếu kém, chạy theo lợi ích trước mắt, nặng về lo giá cả sòng phẳng, ít quan tâm đến phát triển thị trường lâu dài, nếu không thay đổi thì chỉ một biến động nhỏ là đổ vỡ. Năng lực cạnh tranh của DN phải đồng bộ, đó là phải đi từ năng lực cạnh tranh quốc gia đến DN và sản phẩm.
Trở lại với câu chuyện đánh giá năng lực cạnh tranh của DN, theo ông Vũ Khoan, công việc này rất khó. Bởi vì, để xác định được đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cần phải có hai điều kiện. Thứ nhất, xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá thế nào là một doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, và thứ hai , phải có một cuộc điều tra các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, ở các vùng, miền, địa phương khác nhau, để từ đó có một bức tranh tổng hợp về thực trạng các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta, cả hai điều kiện này vẫn chưa có.
Bên cạnh đó, việc đánh giá chính xác năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO còn gặp một khó khăn nữa là, làm sao có thể bóc tách được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng hay giảm là do tác động của hội nhập với kinh tế thế giới hay do yếu tố nội tại. Chẳng hạn, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn là do chính sách của Nhà nước chưa phù hợp, chứ chưa phải thực sự do hội nhập với thế giới. Thí dụ vấn đề lãi suất. Doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu, thiếu vốn, nay lại phải vay vốn với lãi suất cao, thì làm sao có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lãi suất thấp ở nước họ. Các doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta mua cà phê, họ vay tiền ở nước họ với lãi suất thấp, trong trường hợp này, còn doanh nghiệp Việt Nam vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, như vậy, liệu có thể đánh giá doanh nghiệp Việt Nam kém về năng lực cạnh tranh không?
Phiền hà, nhũng nhiễu ở đỉnh cao
Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: Có thể nói, đến năm 2012, hệ thống doanh nghiệp nước ta, trong đó có DNVVN gần như bộc lộ hết những hạn chế, nhược điểm, khó khăn, yếu kém của mình.
Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại. DN yếu kém cũng do một phần từ chính sách của chúng ta chưa phù hợp, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi còn nhiều vấn đề phải bàn.
“Lạm phát, lãi suất cao nhất thế giới và thủ tục phiền hà, chi phí nhũng nhiễu cũng gần như nhất thế giới thì làm sao cạnh tranh nổi với những anh hoàn chỉnh về luật lệ, nghiêm túc về thực hiện qui chuẩn đã mấy chục năm” – ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Mình vừa ra nhập WTO đã bị ngay mấy chấn động về lạm phát, giảm phát. Trong khi đó, chính sách để ứng phó với tình hình thì méo mó, giải pháp tình thế có khi là bất chấp để giải quyết cái trước mắt đã...
“Bây giờ làm gì cũng cứ phong bì, phong bao thì không thể làm được. Các chi phí này không thể ghi vào đâu được, rất nguy hiểm, tù mù. Đấy là những cái trước mắt cần phải giảm để giảm chi phí, giá thành để cạnh tranh. Tất cả chi phí đó đều do chúng ta điều hành gây nên, do nhũng nhiễu, thoái hóa biến chất của đội ngũ cán bộ gây nên thì phải được loại dần mới giảm được chi phí”.
DN Việt Nam mất rất nhiều thời cơ, yếu tố do thủ tục hành chính rườm rà. Đã làm kinh doanh thì phải là thời cơ, mất thời cơ là mất sức cạnh tranh.
Việc điều hành so với trước đã tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều cái không minh bạch, thiếu công khai, tù mù, thiếu phối hợp, mất kỷ cương, lẫn lộn. Có khi ông làm tốt thì chết mà làm xiên xẹo lại tồn tại, phát triển hơn anh khác.
Theo phân tích của ông Vũ Khoan, trong tương lai sẽ có những nhân tố mới tạo cho đất nước nói chung và DN nói riêng những vấn đề mới. Thứ nhất, sau cuộc khủng hoảng này các mô hình kinh tế thay đổi sâu sắc, trong đó có mô hình từng quốc gia và mô hình quan hệ kinh tế đối ngoại. Nếu các DN và Nhà nước không nhận diện đầy đủ câu chuyện này thì sẽ rất lúng túng trong kinh doanh.
Chiến lược xuất khẩu đưa ra những con rồng, con hổ bắt đầu có xu hướng quay về nội nhu. Theo đó, sẽ xuất hiện nhiều rào cản cho chúng ta. Việt Nam lại chưa có tín hiệu gì điều chỉnh chính sách trong khi XNK của ta chiếm 140-150% GDP và nội nhu mới là một phong trào chứ chưa phải là chính sách. Quá trình tự do hóa toàn cầu đã chững lại và chuyển sang các khu vực mậu dịch tự do (PPP). Tất cả những yếu tố này sẽ dội vào các DN. “Thế hệ chúng tôi đã bị trách là làm mà không chuẩn bị. Bây giờ mình biết rồi thì có chuẩn bị không? Các DN tôi hỏi thì không biết PPP là cái gì nên không biết sẽ như thế nào” – ông Vũ Khoan trăn trở.
Trước tình hình mới, theo các chuyên gia kinh tế, để có một cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chúng ta cần có hệ thống luật rõ ràng, minh bạch, bình đẳng, công khai, củng cố niềm tin; có đội ngũ lao động lành nghề, đội ngũ lãnh đao, quản lý có nghề, chuyên nghiệp, liêm khiết, công tâm, trong sạch; có kỷ cương, kỷ luật nghiêm…; có công nghệ cao và kết cấu hạ tầng tốt./.
Vũ Hạnh
VOV
|