Kinh tế xanh “non”
LTS : Nông nghiệp đã và đang là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn nhất. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng sắp tới Việt Nam nên hướng về kinh tế xanh. Nghe có vẻ thuyết phục đấy, nhưng chỉ mới ở mức độ hiện tại, chúng ta đã thấy tình trạng bấp bênh về giá cả, thị trường khiến cho việc thực hiện mục tiêu trên không hề dễ dàng. Hàng loạt nông sản đang dư thừa, rớt giá ở ĐBSCL, Tây Nguyên khiến không ít người nghi ngờ chuyện lấy nông nghiệp làm chủ đạo là không khả thi, ngay cả đối với những loại nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, cà phê...
Vậy cái gốc của câu chuyện kinh tế xanh nằm ở đâu? Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc chi nhánh VCCI tại Cần Thơ, đi tìm câu trả lời qua bài viết.
Với tư cách là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế xanh, lĩnh vực nông nghiệp cần được đầu tư xứng đáng và cần một thể chế để phát triển, vượt qua những khó khăn mang tính chu kỳ, nhất là khi nền kinh tế còn trong tình trạng xanh “non”.
Thách thức không chỉ ở tính chu kỳ
Bất kỳ nền kinh tế nào cũng gặp phải vấn đề chu kỳ của tăng trưởng và suy thoái. Trong nông nghiệp, tính chu kỳ dễ được nhận thấy hơn với những năm được mùa thì mất giá, mất mùa thì tăng giá, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ ngành nông nghiệp mới có tính chu kỳ. Trong lĩnh vực công nghiệp, các sản phẩm đều có vòng đời và tính chu kỳ của nó còn lớn hơn so với nông nghiệp, nhưng cái khác là sức đề kháng, khả năng thích ứng và vượt qua khó khăn cũng mạnh hơn, nhờ vào năng lực quản trị và sự hỗ trợ từ chính sách.
Vai trò của một ngành nào đó không thể đo lường ở lúc gặp phải chu kỳ giá cả suy giảm. Mối quan hệ liên ngành và tác động của nó đến các mối quan hệ khác mới là thước đo thực sự. Trong 10 năm qua tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP giảm 4% nhưng lao động nông nghiệp giảm hơn 17%. Năng suất lao động nông nghiệp tăng chủ yếu dựa vào chuyển dịch cơ cấu và nguồn cung lao động dồi dào. Yếu tố này trong thời gian tới sẽ mất đi, tăng năng suất trong nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào tri thức, vào tiến bộ công nghệ. Đây sẽ là những khó khăn, thách thức lớn với nông nghiệp.
Trong 10 năm tới lao động nông nghiệp có thể giảm xuống mức 30%, tỷ trọng của nông nghiệp có thể chỉ còn 10% GDP. Lao động trong nông nghiệp, nông thôn sẽ có nhiều hơn những người già, thiếu sức khỏe và học vấn thấp, như vậy bài toán tăng trưởng của nông nghiệp là vô cùng khó khăn. Từ một ngành vốn là điểm mạnh, từng chống đỡ lúc khó khăn của nền kinh tế có thể trở thành điểm yếu, là gánh nặng của nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát hoành hành nhiều năm qua có một phần từ sự tăng giá liên tục của sản phẩm nông nghiệp. Giá nông phẩm từ lúa gạo đến thịt, cá tăng liên tục như con ngựa bất kham do nhu cầu, cả thế giới lẫn trong nước, đều tăng trong khi nền nông nghiệp không đủ sức cung ứng, không đủ sức chống đỡ hữu hiệu với các cơn dịch bệnh.
Trong 15 năm qua cũng đã có lần nông nghiệp góp phần làm giảm lạm phát trong các năm 1999-2000 khi giá lúa gạo suy giảm liên tục. Phản ứng của nông dân sau đó là giảm diện tích, giảm sản lượng. Nghiên cứu mối quan hệ giữa chỉ số giá sản xuất và chỉ số tăng trưởng của một số nhóm như lúa gạo, thủy sản, gia súc, gia cầm trong 10 năm qua cho thấy sau chu kỳ giảm giá thì chỉ số tăng trưởng sản xuất chậm lại, có trường hợp giảm rất sâu (như với gia cầm năm 2004). Sau mỗi chu kỳ tăng giá, chỉ số tăng trưởng sản xuất phục hồi, một số trường hợp tăng rất mạnh (gia cầm năm 2008, lúa gạo năm 2007-2008 và cho đến nay). Tiếp tục các quan sát lại cho thấy sau một thời gian tăng trưởng thì giá cả của các nhóm sản phẩm đó lại giảm xuống và chỉ số tăng trưởng sản xuất chậm lại.
Cận cảnh thị trường lúa gạo
Giá lúa sụt giảm khá mạnh gần đây có nguyên nhân từ sản xuất gia tăng và thị trường gạo cấp thấp đã vào tay Ấn Độ với nguồn cung mạnh, giá thấp. Đã có một số bài viết trên báo và đài truyền hình địa phương quy vào
Mỗi năm, khi tổng kết thành tích, ngành nông nghiệp, công thương đều vui mừng với ánh hào quang tăng trưởng xuất khẩu nhưng với nông dân, rất ít người giàu có nhờ vào trồng lúa, nuôi cá chứ chưa nói không ít trong số đó hết sức cay đắng vì lỗ lã nặng nề.
việc nông dân đã không nghe theo khuyến cáo của các chuyên gia, của cơ quan quản lý nông nghiệp mà vẫn đẩy mạnh gieo trồng giống lúa cấp thấp. Đến nay lúa gạo cấp thấp không có người mua, trong khi gạo cấp cao Việt Nam không đủ cung cấp.
Về việc này đáng ra xã hội phải cảm ơn những người nông dân đã không nghe lời các “chuyên gia”, vẫn cắm cúi trồng loại lúa gạo phẩm cấp thấp, nhờ đó áp lực giá lúa gạo lên lạm phát năm nay không lớn như đầu năm trước.
Thị trường hết sức phức tạp chứ không dựa trên những suy luận đơn giản. Nếu nông dân ĐBSCL trồng nhiều loại lúa phẩm cấp cao, với diện tích lớn hơn nhiều so mức hiện tại thì câu hỏi đặt ra là các nhà nhập khẩu có chịu mua với giá cao như hiện tại hay không, hay sẽ có tình trạng sụp đổ giá? Xâm nhập thị trường đòi hỏi phải có nước đi, sự tính toán kỹ lưỡng chứ không thể vừa chợt nhận thấy nhu cầu là có thể dội bom tấn như đã từng xảy ra với ngành cá trong các năm 2006-2009 để rồi những tổn thất, hậu quả vẫn còn dây dưa đến hôm nay.
Nếu diện tích của loại lúa phẩm cấp cao tăng lên nhiều hơn thì năng suất trung bình cả nước sẽ giảm, sản lượng lúa gạo nói chung sẽ thấp hơn. Điều gì xảy ra khi giá thành trung bình cao hơn mức hiện tại? Nếu xuất khẩu tốt thì áp lực lên lạm phát mạnh hơn, nếu xuất khẩu không được thì thiệt hại cho nông dân có thể lớn hơn. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam mãi tập trung vào xuất khẩu gạo cấp thấp mà phải có sự cải thiện. Cơ cấu giữa các loại lúa này không chỉ liên quan đến thổ nhưỡng mà còn phải tính đến bài toán tổng thể trong chiến lược cạnh tranh.
Nên tránh những phản ứng sai lầm
Vào lúc giá cả suy giảm, tâm lý bi quan bao trùm, rất dễ có phản ứng sai lầm. Phản ứng thông thường của nông dân là giảm diện tích. Nhưng phản ứng chính sách, kể cả trong giới nghiên cứu nếu cho rằng như vậy là nông nghiệp suy yếu, không mang lại lợi ích sẽ là rất sai lầm.
Việt Nam đã có quá trình xuất khẩu lúa gạo hơn 20 năm, những lần giá cả lên xuống như vậy đều đã trải qua và đã từng có những quyết sách không đúng. Khi giá cả lúa gạo tăng cao thì phản ứng chính sách thường là tìm cách kiềm chế giá cả, hoặc “bình ổn” giá. Khi giá cả suy giảm thì suy luận vai trò của nông nghiệp theo một cách nghĩ nào đó và động thái sau đó là giảm đầu tư vào nông nghiệp. Kiềm chế giá đã làm giảm sản lượng trong chu kỳ tiếp theo, giá cả lại tiếp tục leo thang sau đó. Giảm đầu tư vào nông nghiệp thì nông nghiệp không đủ sức đáp ứng những đòi hỏi mới của nhu cầu tiêu dùng.
Nông nghiệp đã cung cấp đến một phần tư kim ngạch xuất khẩu và là cấu phần quan trọng nhất trong rổ hàng hóa tính lạm phát. Mỗi năm, khi tổng kết thành tích, ngành nông nghiệp, công thương đều vui mừng với ánh hào quang tăng trưởng xuất khẩu nhưng với nông dân, rất ít người giàu có nhờ vào trồng lúa, nuôi cá chứ chưa nói không ít trong số đó hết sức cay đắng vì lỗ lã nặng nề.
Vào lúc giá cả suy giảm, sự suy giảm đầu tư là phản ứng thông thường của nông dân. Nhưng nếu Nhà nước cũng hành động như vậy thì suy nghĩ không khác gì nông dân. Nhu cầu lương thực thực phẩm là nhu cầu không bao giờ ngừng của nhân loại. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Không bao giờ có việc thời tiết luôn luôn là thuận lợi cho sản xuất. Những ưu thế của Việt Nam trong nền sản xuất lúa gạo thế giới là điểm vượt trội. Thặng dư nếu có cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với nhu cầu chung. Hỗ trợ dự trữ không phải là quá khó. Chính sách với nông nghiệp nên hỗ trợ mua vào lúc giá cả suy yếu để bán ra lúc giá cả tăng lên. Làm như vậy để nông nghiệp không bị suy thoái sâu, và cũng không vấp phải tăng quá nóng. Trong nông nghiệp khi giá cả gia tăng đột ngột, lợi ích không đến tay nông dân, nhưng khi giá cả sụp đổ thì nông dân lại là người hứng chịu nhiều nhất. Nông dân cần sự ổn định hơn là tăng trưởng nóng. Họ sợ suy thoái sâu, nhưng sau mỗi lần tăng trưởng nóng thông thường lại là suy thoái sâu.
Hướng đến kinh tế xanh - cần có thời gian
Kinh tế xanh mang hàm ý về nền kinh tế phát triển dựa nhiều hơn vào thiên nhiên và ứng dụng có hiệu quả sinh thái học. Triết lý của tăng trưởng trong kinh tế xanh là sự bền vững của môi trường, nâng cao hiệu quả sinh thái để đảm bảo chất lượng sống của con người trên hành tinh.
Nông nghiệp là một bộ phận quan trọng của kinh tế xanh với tư cách một ngành trong hệ sinh thái, đóng góp cho việc bảo vệ môi trường bên cạnh chức năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người. Việc khai thác quá mức, sử dụng bừa bãi phân bón, hóa chất không chỉ làm hại quá trình phát triển lâu dài của nông nghiệp mà còn biến nông nghiệp thành tác nhân gây hại đến môi trường.
Hướng tới nền kinh tế xanh là mục tiêu, là vấn đề lâu dài không thể chỉ nói và làm trong ngày một ngày hai. Để thực hiện nó là một quá trình biến đổi, phải có đầu tư, phải có nền khoa học công nghệ khả dĩ tạo ra được năng suất cao từ chỗ không hủy hoại môi trường đến cải thiện môi trường.
Nông nghiệp nước ta hiện nay đang phát triển theo chiều rộng, còn lâu mới đi đến được mục tiêu đóng góp gì cho việc cải thiện môi trường. Để thay đổi và gắn với nền kinh tế xanh không chỉ là vấn đề đầu tư mà cần đến yếu tố thể chế. Thể chế tạo nên sự gắn bó của những người tham gia với mục tiêu dài hạn, khuyến khích sự năng động sáng tạo của các tác nhân tham gia mới có thể tạo ra được năng suất cao vượt trội. Tạo ra được thể chế tốt khó hơn so với việc tăng vốn đầu tư vào nông nghiệp. Trở ngại về quyền sở hữu đất đai cho nông dân đến nay còn chưa vượt qua được, đó cũng chỉ là phần đầu tiên trong chặng đường dài gắn nông nghiệp vào nền kinh tế xanh, vậy thì những bấp bênh của nông nghiệp hiện nay là có thể suy đoán được.
Bí đầu ra, nông sản ế
Từ đầu năm tới nay, bà con trồng dừa tại hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang - hai địa phương có diện tích dừa lớn nhất ĐBSCL - đứng ngồi không yên do giá xuống thấp, tiêu thụ không được.
Ông Phan Tấn Tài, thương lái mua dừa tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết so với mức giá kỷ lục từng được xác lập vào tháng 11 năm ngoái, hiện dừa khô đã giảm từ 100.000-110.000 đồng, xuống mức giá chỉ còn 30.000-35.000 đồng/chục (chục 12 trái), dù giá giảm mạnh nhưng tiêu thụ cũng rất là khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ ấp 4, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), than thở: “Dù giá giảm rất mạnh, nhưng nửa tháng qua tôi đi kêu bán khắp nơi cũng không có lái nào vào mua”.
Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho rằng giá dừa giảm mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của không ít hộ dân sống nhờ vào cây dừa. Theo ông Sang, tiêu thụ nông sản của Việt Nam còn nhiều bất ổn, đặc biệt là đối với các loại nông sản phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Không chỉ nông dân trồng dừa, bà con trồng lúa, mía... tại các tỉnh ĐBSCL cũng lao đao không kém khi đầu ra không có, giá cả liên tục giảm sút. Hiện các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp... đang bước vào đợt thu hoạch rộ lúa đông xuân 2011-2012, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá lúa liên tục lao dốc và mất khoảng 2.500-3.000 đồng/ki lô gam lúa hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Đầy ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết: “Tôi vừa thu hoạch xong 1 héc ta lúa đông xuân 2011-2012 giống IR 50404, nhưng kêu bán vẫn chưa được do giá xuống thấp quá không có ai mua hết”.
Trong khi đó, các nhà máy đường đang tồn kho khoảng 300.000 tấn đường cát buộc doanh nghiệp phải hạ giá mua xuống còn 1.050 đồng/ki lô gam mía 10 chữ đường (giảm 150 đồng) và thương lái mua tại ruộng mía còn 900 đồng/ki lô gam. Với giá này, doanh nghiệp vẫn than lỗ, còn nông dân thì không muốn trồng mía nữa.
Trung Chánh |
Võ Hùng Dũng
TBKTSG
|