HSBC: Lạm phát sẽ không đi lên cho đến tháng 11/2012
Sốc giá dầu đã qua, hạ lãi suất không tác động đến lạm phát
Lạm phát sẽ không đi lên cho đến tháng 11/2012 khi chỉ số lạm phát theo năm dự kiến sẽ có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên nếu nhu cầu vay vốn vẫn thấp, đồng nội tệ vẫn ổn định và không có cú sốc nguồn cung đáng kể nào thì lạm phát mục tiêu toàn phần có thể sẽ giảm trước tháng 11.
* HSBC: So với lạm phát, tăng trưởng tín dụng thấp đáng ngại hơn
* HSBC: 500 triệu USD vốn ngoại đổ vào TTCK
* Tải tài liệu: Báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 3/2012
Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của HSBC số tháng 3/2012, lạm phát sẽ không thể tăng cao hơn nữa, ngoài ra,việc giá dầu tăng cũng không làm thay đổi xu hướng của lạm phát 2012.
HSBC cho rằng tình hình lạm phát tại Việt Nam đang diễn biến theo một chiều hướng khác với những mối lo ngại tại các nước châu Á. Sau đợt tăng nhanh năm ngoái, áp lực giá cả đang dần hạ nhiệt trong bối cảnh nhu cầu giảm dần và tăng trưởng tín dụng xuống thấp.
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm các mức lãi suất cơ bản vào thời điểm hiện tại là còn khá sớm trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, động thái này khó có khả năng thay đổi xu hướng giảm dần của lạm phát tại Việt Nam.
Lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều đã giảm xuống cộng với sự ổn định của đồng nội tệ chính là điều kiện thuận lợi cho NHNN cắt giảm lãi suất.
Mặc dù đã cắt giảm lãi suất nhưng lạm phát nên tiếp tục được kìm hãm xuống còn một con số từ nay cho đến cuối năm vì ba lý do: nhu cầu trong nước giảm, tăng trưởng tín dụng thấp và mức giá cả phù hợp. Hiện tượng lạm phát tăng kéo dài trong năm 2011 đã khiến người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn trong chi tiêu trong năm nay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát năm 2011 tăng nhanh là cơ sở cho việc lạm phát năm nay không thể tăng cao hơn thế.
Theo HSBC, có nhiều lý do cần phải lo ngại về vấn đề tiền tệ như: lạm phát hai con số, lãi suất thực âm và thâm hụt thương mại quá lớn. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang có những chuyển biến tích cực.
HSBC còn nhận định, giá dầu tăng không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng đi xuống của lạm phát toàn phần. Một điển hình phản ánh giá cả xăng dầu đó chính là chi phí vận chuyển, chiếm 8.9% trong danh mục hàng hoá của CPI. Do đó, mức tăng 10% của giá xăng dầu lần này chỉ có tác động rất nhẹ đến chỉ số giá tiêu dùng toàn phần.
Hơn nữa, Chính phủ vừa qua đã miễn giảm một số thuế cho hoạt động nhập khẩu năng lượng như miễn giảm thuế nhập khẩu cho gas (trước đây là 5%), dầu diesel (3%), dầu lửa (3%) và xăng động cơ (4%). Nhờ đó, các nhà phân phối sẽ giảm được chi phí nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới nếu như giá cả không tăng lên nữa. Thêm vào đó, giá cả thực phẩm vốn chiếm 40% danh mục hàng hoá của chỉ số CPI cũng đã giảm mạnh bù lại cho việc giá dầu leo thang. Mặc dù trong một vài tháng tới việc tăng giá dầu sẽ còn tạo ra những hiệu ứng phụ nhưng nhu cầu tiêu thụ thấp cũng sẽ bù lại cho những ảnh hưởng này.
Cũng theo HSBC, hiệu ứng lạm phát cao trong năm 2011 sẽ giúp lạm phát 2012 giảm. Cụ thể, trong 6 tháng tới, lạm phát cao năm ngoái với tốc độ tăng trung bình mỗi tháng 2% từ tháng 3 đến tháng 5/2011 sẽ giúp kiềm chế lạm phát năm nay xuống. Lạm phát sẽ không đi lên cho đến tháng 11/2012 khi chỉ số lạm phát theo năm dự kiến sẽ có chiều hướng đi lên. Tuy nhiên nếu nhu cầu vay vốn vẫn thấp, đồng nội tệ vẫn ổn định và không có cú sốc nguồn cung đáng kể nào thì lạm phát mục tiêu toàn phần có thể sẽ giảm trước tháng 11.
Như Ý (Vietstock)
Finfonet
|