Thị trường bảo hiểm cũng sẽ được tái cơ cấu
Bộ Tài chính đang xây dựng tiêu chí để đánh giá và phân loại các doanh nghiệp bảo hiểm theo 4 nhóm, và sẽ áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát riêng với từng nhóm.
|
Tư vấn cho khách hàng tại một doanh nghiệp bảo hiểm. |
Theo báo cáo về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán, bảo hiểm của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được phân nhóm trong năm 2012. Nhóm thứ nhất gồm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động kinh doanh có lãi. Các doanh nghiệp nhóm này tiếp tục được củng cố và duy trì hoạt động kinh doanh, có thể cho phép mở rộng phạm vi hoạt động nếu có phương án kinh doanh có hiệu quả.
Nhóm hai gồm các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đảm bảo khả năng thanh toán tuy nhiên kinh doanh còn khó khăn, chi phí hoạt động lớn, tỷ lệ bồi thường cao hoặc hoạt động kinh doanh không có lãi trong 2 năm liên tục. Đối với nhóm này, cơ quan quản lý sẽ đánh giá hiệu quả, giảm chi phí hoạt động. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh của nhóm này sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Nhóm ba gồm các công ty bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán thấp hơn mức tối thiểu). Các công ty nhóm này cần được đánh giá thực trạng tài chính, cơ cấu lại đầu tư, xử lý nợ phù hợp hoạt động, tăng vốn chủ sở hữu, cải cách lại quản trị điều hành và có thể chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho công ty khác.
Nhóm thứ tư gồm các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và áp dụng các giải pháp theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu trong thời gian kiểm soát đặc biệt không khắc phục được thì các doanh nghiệp này sẽ phải sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.
Doanh thu ngành bảo hiểm trong 10 năm qua luôn tăng trưởng cao và ổn định, với tỷ lệ tăng bình quân 18,5%. Doanh thu bảo hiểm năm 2010 đạt 38.000 tỉ đồng, năm 2011 đạt khoảng 45.000 tỉ đồng.
- Tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2011 ước đạt 105.000 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 15%/năm.
- Vốn chủ sở hữu đạt 35.000 tỉ đồng.
- Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế thông qua hoạt động thị trường vốn, thị trường chứng khoán với tổng giá trị đạt 95.000 tỉ đồng vào năm 2011.
(Nguồn: Bộ Tài chính) |
Tái cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm là gắn liền với tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước), thị trường chứng khoán, được Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề án và thực hiện trong giai đoạn 2012-2015.
Quí 1-2012, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng đề án chi tiết trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2012-2013, Chính phủ sẽ tập trung tái cấu trúc các định chế tài chính (bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm) và từ 2012 đến 2015 sẽ thực hiện tái cấu trúc hàng hoá, tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư, các sản phẩm dịch vụ mới trên hai thị trường này.
Liên quan đến đề án này, Chính phủ có chủ trương từng bước nâng cao điều kiện thành lập các doanh nghiệp bảo hiểm, trước mắt yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm có nguồn vốn sở hữu thấp hơn mức vốn pháp định bổ sung vốn theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng được khuyến khích và yêu cầu đa dạng hoá sở hữu nhằm hạn chế hiện tượng khép kín, độc quyền trong kinh doanh bảo hiểm.
Chính phủ cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thực hiện thoái vốn đầu tư trong ngành bảo hiểm, tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm trên 3 trụ cột chính: mức độ an toàn tài chính, quản trị rủi ro doanh nghiệp và minh bạch thông tin. Các công ty bảo hiểm khi đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ có tiêu chí đảm bảo an toàn tài chính và phòng ngừa rủi ro đối với sự liên thông giữa các khối thị trường.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, từ năm 2012 đến 2014 sẽ thí điểm thực hiện bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm trong nông nghiệp, đồng thời mở rộng các hàng hoá, dịch vụ mới (như sản phẩm phái sinh, quỹ hưu trí... Cơ quan quản lý sẽ cùng với doanh nghiệp mở rộng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, thí điểm thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm cho các cơ sở khám chữa bệnh…, đánh giá và từng bước mở rộng các sản phẩn bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, bảo hiểm vi mô phục vụ người có thu nhập thấp.
Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có 39 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 28 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã mở rộng mạng lưới phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm với hơn 400 chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các công ty bảo hiểm nhìn chung có vốn chủ sở hữu đáp ứng được quy định về duy trì vốn chủ sở hữu cao hơn vốn pháp định, tuy nhiên vẫn còn 3 công ty chưa đáp ứng được yêu cầu này. Hiện 29/39 công ty hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm cao, dẫn đến tình trạng khép kín trong hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp bảo hiểm này. Quy mô thị trường bảo hiểm, phí bảo hiểm bình quân đầu người còn nhỏ so với các nước trên thế giới và trong khu vực.
Hồng Phúc
TBKTSG Online
|