Bảo hiểm và cuộc marathon dành giật thị phần
Ngôi vị quán quân trong ngành bảo hiểm liên tục đổi chủ với nhiều kẻ ngấp nghé.
Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) vừa công bố hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh doanh năm 2011, với tổng doanh thu đạt trên 5.755 tỷ đồng, tăng hơn 17% và lợi nhuận trước thuế đạt gần 450 tỷ đồng. Mặc dù không nói rõ doanh thu bảo hiểm gốc, nhưng Bảo Việt cho biết, đã lấy lại ngôi vị dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam (chiếm gần 24%), vốn để rơi vào tay Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) trong 9 tháng đầu năm 2011. Trong khi đó, mức doanh thu mà PVI đạt được trong năm 2011 là 4.868 tỷ đồng (doanh thu từ bảo hiểm gốc ước đạt 4.158 tỷ đồng, tăng 20,1% và từ tái bảo hiểm ước đạt 607 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2010).
Ranh giới mong manh
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, 9 tháng đầu năm 2011, đứng đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI với 3.579 tỷ đồng, chiếm 23,68% thị phần. Tiếp đến là Bảo Việt với 3.456,8 tỷ đồng, chiếm 22,87%. Bảo Minh đứng thứ ba với 1.631,2 tỷ đồng, chiếm 10,79%. Đứng thứ tư là PJICO với 1.295,4 tỷ đồng, chiếm 8,57%. Tiếp theo là PTI với 737,55 tỷ đồng, chiếm 4,88% (PTI vừa công bố doanh thu bảo hiểm gốc cả năm 2011 ước đạt 1.083 tỷ đồng).
Khoảng cách giữa 2 vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng thị phần khối bảo hiểm phi nhân thọ không mấy chênh lệch đã khiến Bảo Việt nhanh chóng giành lại ngôi vị đã mất sau hoạt động của 3 tháng cuối năm 2011. Theo ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Bảo Việt, đó là do Công ty thực hiện tốt công tác đánh giá - quản lý rủi ro, quản lý bồi thường, cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, trong tháng 9, 10/2011, Bảo Việt tập trung thu phí bảo hiểm học sinh; hầu hết các hợp đồng bảo hiểm đều được tái tục vào cuối năm.
Không quá ngạc nhiên về kết quả dẫn đầu thị phần của Bảo Việt khi nhiều năm liên tục giữ vị trí quán quân, đại diện PVI cho biết, mục tiêu của PVI vẫn là giữ vững vị trí hàng đầu trên thị trường và tiếp tục giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp.
Khoảng cách mong manh về thị phần còn đến với PTI và PIJICO, khi ngay từ đầu năm 2011, PTI đặt kế hoạch 1.420 tỷ đồng doanh thu cho cả năm, thu hẹp khoảng cách với PIJICO (ước đạt 1.753 tỷ đồng). Năm 2012, PTI cho biết, giữ vị trí thứ 5 và rút ngắn khoảng cách với đơn vị thứ 4 về thị phần là mục tiêu trọng tâm trong định hướng kinh doanh của Công ty. Cụ thể, trong tổng số 1.622 tỷ đồng doanh thu đặt ra cho năm 2012 thì doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 1.450 tỷ đồng.
Áp lực duy trì thứ hạng, thu hẹp khoảng cách đang khiến nhiều DN bảo hiểm, nhất là các DN đã định vị được thương hiệu nỗ lực xoay xở để đạt mục tiêu, từ việc hạ phí, hoa hồng đến “ôm đồm” bảo hiểm.
Năm 2012, các DN như PVI, PTI, VNI… đều lên kế hoạch không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng doanh thu, mà đi vào chiều sâu (chất lượng, hiệu quả), nhưng không ít ý kiến cho rằng, điều này là không dễ, khi áp lực về thị phần, về cạnh tranh đang đè nặng lên DN, khiến DN ôm đồm, loại hình bảo hiểm nào cũng muốn triển khai.
Chiến lược tăng tốc
Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng Bảo Việt thể hiện quyết tâm duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về doanh thu cũng như hiệu quả kinh doanh, với chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2012 đạt trên 6.580 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2011 và lợi nhuận trước thuế đạt 462 tỷ đồng.
Cũng với nhận định năm 2012 có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng Tổng giám đốc PVI, ông Trương Quốc Lâm cho biết, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.368 tỷ đồng, tăng 10,27%.
Với Bảo Việt, ông Phúc chia sẻ, để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2012, Công ty có chiến lược kinh doanh bền vững theo hướng tăng trưởng phải đi đôi với hiệu quả. Cụ thể, Bảo Việt sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với phần mềm InsureJ (phần mềm quản lý bảo hiểm phi nhân thọ tiên tiến nhất hiện nay), với khả năng hỗ trợ xử lý các vấn đề quản lý khai thác, bồi thường, tái bảo hiểm, tài chính, quản lý đại lý cũng như linh hoạt trong thiết kế sản phẩm mới. Bên cạnh đó, hoàn thiện và phát triển phần mềm quản lý kế toán Sun Account; thúc đẩy các sản phẩm bảo hiểm cá nhân.
Ông Phúc cho biết thêm, Bảo Việt sẽ không bỏ sót bất cứ tiềm năng nào của thị trường, quyết tâm thực hiện thành công đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 của Chính phủ, tạo tiền đề phát triển cho sản phẩm mới này. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện dự án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Diệu Minh
đầu tư chứng khoán
|