Thứ Sáu, 16/12/2011 06:57

Đề xuất tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên 200 triệu đồng

Tại Kỳ họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về việc xem xét tiếp một số luật, dự luật trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. NGUYỄN MẠNH DŨNG, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (ảnh) cho rằng, hoạt động bảo hiểm tiền gửi sẽ có các điều chỉnh hợp lý để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền.

Thưa ông, các tiêu chí để xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi là gì?

Mức bảo hiểm tiền gửi được xây dựng dựa trên nhiều tiêu chí, nhưng có 2 tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua. Một là, phải hướng đến bảo vệ số đông người gửi tiền, những người thiếu thông tin về hoạt động của ngân hàng. Hai là, mức tiền bảo hiểm được so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người, thường gấp 3 lần mức thu nhập bình quân đầu người.

Vấn đề nổi lên khi thảo luận Luật Bảo hiểm tiền gửi là mức bảo hiểm tiền gửi tối đa 50 triệu đồng cho mọi mức tiền gửi hiện được xem là quá thấp. Ông đánh giá thế nào về mức bảo hiểm này?

Cuộc khảo sát trước khi đưa ra mức bảo hiểm này cho thấy, mức tiền gửi phổ biến của người dân Việt Nam là 30 triệu đồng (chiếm khoảng 95%). Năm 2005, Chính phủ có Nghị định sửa đổi một số nội dung về bảo hiểm tiền gửi, theo đó quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi, bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp luật), tối đa là 50 triệu đồng. Do vậy, mức 50 triệu đồng là phù hợp với tiêu chí thứ nhất, đó là bảo vệ số đông người gửi tiền.

Nhưng bất cập ở chỗ, hiện mức tiền gửi của số đông người dân đã vào khoảng 150 -  200 triệu đồng, do đó mức bảo hiểm 50 triệu đồng chưa bảo vệ được số đông người gửi tiền. Các phân tích đều cho thấy, mức này không phù hợp, không khuyến khích người gửi tiền.

Theo tiêu chí thứ hai, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam công bố vào khoảng 1.000 USD/năm, thì mức bảo hiểm tiền gửi gấp 3 lần, tương đương 60 triệu đồng, cao hơn mức bảo hiểm đang áp dụng một chút. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thu nhập bình quân thực tế của người dân Việt Nam khoảng 1.500 USD/năm, nên mức bảo hiểm tiền gửi phải 100 triệu đồng thì mới hợp lý.

Vậy Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có đề xuất hướng xử lý như thế nào?

Cách đây 2 năm, khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn nổ ra ở Mỹ và lan ra toàn cầu, lãnh đạo Bảo hiểm Tiền gửi đã đề xuất lên Chính phủ mức bảo hiểm 200 triệu đồng, song do một số lý do, nên chưa áp dụng được.

Nhưng sắp tới, chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Dự kiến, có 2 phương án thay đổi mức bảo hiểm tiền gửi. Một là, tăng lên 100 triệu đồng, đáp ứng được tiêu chí thứ hai. Hai là, đưa thẳng lên 200 triệu đồng, sẽ đảm bảo được gần như cả 2 nguyên tắc nói trên, người dân sẽ tin tưởng, yên tâm hơn.

Mức thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng hiện cũng được xem là còn cào bằng, chưa tạo sự phân loại chất lượng trong hệ thống ngân hàng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII vừa qua, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mức thu phí bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện nay được áp dụng đồng hạng 0,15% trên tổng số dư tiền gửi là không hợp lý, vì không phân biệt quy mô, hình thức sở hữu, cũng như mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm.

Trong các đề án mà Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam chủ động nghiên cứu thời gian qua, chúng tôi đã đề cập vấn đề này. Theo đó, sẽ tính phí theo mức độ rủi ro của ngân hàng tham gia bảo hiểm. Ngân hàng nào rủi ro cao, thì phải chịu phí cao, ngân hàng nào an toàn hơn, thì chịu phí thấp; cào bằng như hiện nay sẽ không khuyến khích các ngân hàng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Khi tính phí theo chất lượng ngân hàng như vậy, ngân hàng sẽ phấn đấu đạt hạng tốt để được hưởng mức phí thấp, giảm giá thành chi phí. Đây cũng là xu thế của thế giới trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Huy Hào

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền gửi VND? (14/12/2011)

>   Bảo hiểm tăng cường dịch vụ bán lẻ (12/12/2011)

>   Gặp khó, ngân hàng quan tâm hơn đến DN bảo hiểm (09/12/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi khuyến cáo: “Không nên rút tiền trước hạn” (08/12/2011)

>   19 doanh nghiệp nợ BHXH bị khởi kiện (03/12/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Mở rộng chiến lược đầu tư ra nước ngoài (02/12/2011)

>   Từ 1/1/2012, tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội là 24% (30/11/2011)

>   Hạn chế hạ phí tràn lan bằng mức phí bảo hiểm cơ bản (30/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: Nên bảo hiểm cả ngoại tệ (30/11/2011)

>   Doanh nghiệp trốn đóng BHXH phải xử lý hình sự (29/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật