Thứ Tư, 30/11/2011 15:48

Bảo hiểm tiền gửi: Nên bảo hiểm cả ngoại tệ

Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng bảo hiểm tiền gửi nên bao gồm cả ngoại tệ. Để có một góc nhìn rộng hơn, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý Tài sản Ngân hàng HSBC xung quanh vấn đề này.

Ông Godfrey Swain

Xin ông cho biết, việc bảo hiểm tiền gửi tại các quốc gia HSBC mở trụ sở được thực hiện như thế nào?

Tại Anh, tổng giá trị bảo hiểm lên tới 85.000 bảng Anh và tiền được chi trả trong vòng 7-20 ngày cho một khách hàng tại mỗi ngân hàng nằm dưới sự quản lý của FSA (Cơ quan quản lý tài chính trung ương).

Tại Pháp, tổng giá trị bảo hiểm lên tới 70.000 euro cho một khách hàng tại mỗi định chế tài chính do Quỹ Bảo hiểm tiền gửi Pháp quản lý và tiền được chi trả trong vòng 2 tháng kể từ khi ngân hàng giải thể.

Tại Hồng Kông, tổng giá trị bảo hiểm lên đến 500.000 HKD cho mỗi khách hàng do Quỹ Hội đồng chương trình bảo vệ tiền gửi chi trả. Tất cả các quỹ này đều có điểm chung là hoạt động độc lập với chính phủ, các nhà lập pháp và quỹ được các ngân hàng thành viên đóng góp.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc xây dựng quỹ bảo hiểm tiền gửi?

Việc đảm bảo nguồn quỹ hợp lý có ý nghĩa đối với hiệu quả của hệ thống bảo hiểm tiền gửi, cũng như cho việc duy trì lòng tin của công chúng vào hệ thống và hệ thống ngân hàng. Nếu nguồn quỹ không đủ sẽ dẫn đến việc bồi thường muộn cho người gửi tiền, từ đó cũng làm mất độ tín nhiệm vào quỹ bảo hiểm tiền gửi. Có nhiều cách khác nhau để xây dựng quỹ bảo hiểm tiền gửi.

Phần lớn các quốc gia đều thực hiện theo cách phí bảo hiểm được thu trước và quản lý bởi một tổ chức hoạt động độc lập với chính phủ. Với cách đóng phí này, quỹ sẽ được tích lũy trong lúc nền kinh tế phát triển mạnh, khi không có nhiều tổn thất xảy ra. Khi các điều kiện kinh tế không khả quan, thua lỗ ở mức cao thì quỹ này sẽ hoạt động như một công cụ bảo hiểm cho các nhu cầu tương lai, do đó hạ thấp ảnh hưởng lên quỹ khi nền kinh tế bị sụt giảm.

Quỹ thu trước sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc của hệ thống bảo hiểm tiền gửi vào ngân sách trong suốt quá trình suy thoái và khủng hoảng tài chính.

Một cách khác, phí bảo hiểm có thể được thu khi một ngân hàng phá sản và bảo hiểm tiền gửi phát sinh. Hệ thống “thu sau” này được coi là ít khó khăn hơn cho các ngân hàng thành viên (giúp cho nguồn tiền phục vụ nền kinh tế dư dả hơn) khi có ít hoặc không có sự phá sản nào vì phí được thu ít hơn, chi phí quản lý phí và quản lý quỹ cũng ít hơn.

Để hệ thống “thu sau” hoạt động có hiệu quả đòi hỏi phải tạo điều kiện tiếp cận quỹ dự phòng ngay lập tức (vì không có quỹ bảo hiểm để sẵn). Tóm lại, cũng có thể sử dụng một dạng kết hợp của cả hai hệ thống.

Có trường hợp ngân sách quốc gia được sử dụng một phần cho quỹ bảo hiểm tiền gửi?

Ở phần lớn các thị trường phát triển, quỹ này được đóng góp từ các ngân hàng thành viên. Trong trường hợp các thành viên góp quỹ vào quỹ bảo hiểm tiền gửi, mức phí bảo hiểm được áp dụng cho từng ngân hàng sẽ khác nhau.

Cách phân loại phí được dựa trên xếp hạng tín dụng và sức khỏe tài chính của các ngân hàng là cách khả thi và hợp lý để tránh việc các ngân hàng lành mạnh, được quản lý tốt lại phải tài trợ cho các ngân hàng không hoạt động hiệu quả bằng. Điều này cũng tạo ra sự tự chủ cho các ngân hàng, thay vì phải tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển lại có khuynh hướng sử dụng quỹ công vì các ngân hàng ở các đây có thể chưa có được tiềm lực tài chính như các ngân hàng ở các nước phát triển. Đặc điểm này đem lại độ tín nhiệm cao cho quỹ bảo hiểm tiền gửi và tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Quan trọng hơn cả, việc thiết kế hay sửa đổi quỹ bảo hiểm tiền gửi đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng về các nhân tố tùy vào đặc điểm cụ thể của từng quốc gia. Thông thường không có một mô hình cố định cho tất cả.

Mức bảo hiểm tiền gửi theo ông nên bao nhiêu là hợp lý?

Mức bảo hiểm khác nhau tùy vào từng quốc gia. Trong khi một vài nước áp dụng mức bảo hiểm 100% ( Ireland ), hầu hết các nước phát triển đều dùng cách thích hợp hơn là sử dụng trần bảo hiểm (Anh quốc).

Nguyên lý đằng sau việc sử dụng trần là khoản bảo đảm tối thiểu không được để một lượng quá lớn tiền gửi không được bảo hiểm, xét về lợi ích của khách hàng và sự ổn định của hệ thống tài chính. Mặt khác, sẽ không thích hợp để áp dụng một mức bảo hiểm mà trong vài trường hợp cụ thể sẽ khuyến khích việc quản lý không hợp lý của các tổ chức tín dụng. Trần được thay đổi theo từng giai đoạn, phản ánh quy mô lượng tiền gửi, tình trạng tài chính của quỹ bảo hiểm và mục tiêu của chính sách quốc gia.

Cùng với việc áp dụng trần, hầu hết các quốc gia đều phân loại các khoản tiền gửi được bảo hiểm, ví dụ tiền gửi ngắn hạn. Việc phân loại để đảm bảo bảo hiểm cho những khoản tiền gửi nếu bị mất sẽ gây ảnh hưởng tới sự ổn định và tính thanh khoản của thị trường.

Cũng nên cân nhắc đưa tiền gửi ngoại tệ vào bảo hiểm, vì tính quan trọng của các khoản tiền gửi này đối với hệ thống ngân hàng. Ví dụ, Hồng Kông cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho HKD, RMB và tiền gửi ngoại tệ nhưng Canada chỉ bảo hiểm cho tiền gửi bằng đô la Canada .

Một vài quốc gia cung cấp bảo hiểm theo mức nhất định của tiền gửi trên mỗi người gửi bất kể những khoản tiền gửi đó ở cùng một ngân hàng hay được gửi ở nhiều ngân hàng trong khi các quốc gia khác lại đưa ra ngưỡng bảo hiểm cho một cá nhân ở bất cứ ngân hàng nào.

Ví dụ một người có 50 ngàn USD ở mỗi tài khoản tại 4 ngân hàng, mức bảo hiểm tối đa cho mỗi ngân hàng là 50 ngàn USD. Người này được hưởng tổng bảo hiểm 200 ngàn USD bảo hiểm và tất cả các khoản tiền gửi đều được đảm bảo.

Các nghiên cứu cho thấy quy mô bảo hiểm tiền gửi tỷ lệ nghịch với tác động đối với trật tự của thị trường. Khoản đảm bảo càng lớn thì các nhà đầu tư càng ít lo lắng về rủi ro của ngân hàng và do đó lại khuyến khích các giám đốc ngân hàng chấp nhận rủi ro cao hơn và từ đó hưởng lợi từ những lợi nhuận ngắn hạn đi kèm.

Vậy, theo ông, đâu là kinh nghiệm phù hợp cho bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam ?

Về mặt phạm vi, bảo hiểm tiền gửi nên bao gồm cho cả tiền gửi tiền đồng và ngoại tệ. Điều này sẽ khuyến khích nguồn kiều hối về nước và các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển ngoại tệ vào, giữ ở Việt Nam và đặc biệt, tạo cho khách hàng nhiều sự bảo vệ hơn.

Đối với việc đóng góp quỹ và mức phí đóng góp, quỹ bảo hiểm tiền gửi nên do các ngân hàng đóng góp và các mức phí bảo hiểm sẽ được áp dụng khác nhau cho các ngân hàng tham gia phụ thuộc vào quy mô tiền gửi và đánh giá tín dụng của ngân hàng đó.

Nhìn chung, các ngân hàng an toàn, được quản lý tốt và có chính sách thận trọng, có mức xếp hạng tín dụng cao sẽ chịu phí thấp hơn tính trên quy mô tiền gửi. Khách hàng có thể tìm đến các ngân hàng có độ tín nhiệm cao để bảo vệ tiền gửi của mình trên cơ sở những tổ chức tín dụng này có ít rủi ro hơn và do đó tối thiểu hóa rủi ro cho nhà cung cấp bảo hiểm.

Các mức phí được tính khác nhau dựa trên thứ bậc xếp hạng tín dụng sẽ có tác dụng thúc đẩy các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn hơn và thận trọng hơn, phù hợp với quy định của NHNN. Chỉ những ngân hàng hoạt động trong khuôn khổ luật pháp mới được tham gia vào chương trình bảo hiểm tiền gửi.

Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng đối với bảo hiểm tiền gửi, sự tồn tại của chương trình này và cơ chế vận hành có vai trò vô cùng to lớn trong việc vận hành một hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả.

Cụ thể, ở một quốc gia như Việt Nam nơi phần lớn người dân còn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, thì việc nâng cao nhận thức về bảo hiểm tiền gửi lại càng thuyết phục gia tăng số lượng người tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nhận thức của người dân nên được khuyến khích liên tục để đảm bảo lòng tin vào hệ thống.

Nhuệ Mẫn thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp trốn đóng BHXH phải xử lý hình sự (29/11/2011)

>   Không nên đưa bảo hiểm vào danh mục dịch vụ thiết yếu (23/11/2011)

>   Khó khăn: Bảo hiểm lo thủ thế cầu an (18/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: Ngộ nhận nhà nước “bảo kê” (12/11/2011)

>   Hai lý do nên bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ (11/11/2011)

>   “Miếng bánh” thị trường bảo hiểm Việt Nam còn đủ lớn (11/11/2011)

>   Nên bảo hiểm tiền gửi với vàng, USD? (11/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi và tiêu chí số đông (09/11/2011)

>   DN bảo hiểm và nỗi lo quý cuối năm (07/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi nên độc lập với NHNN (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật