Thứ Sáu, 11/11/2011 06:24

Nên bảo hiểm tiền gửi với vàng, USD?

Hiện mới có tiền đồng được bảo hiểm khi gửi vào ngân hàng.

Thiếu quy định cụ thể về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, không bảo hiểm tiền gửi với vàng, ngoại tệ có thể khiến ngân hàng khó hút vốn. Những nội dung này cũng được thảo luận tại Quốc hội trong phiên họp sáng nay (11/11) khi xem xét Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lớn ở Hà Nội cho hay, sau khi Dự thảo Luật có quy định không bảo hiểm vàng, ngoại tệ, nhiều khách hàng đã gọi điện đến hỏi về quyền lợi của khách hàng nếu rủi ro xảy ra. Thậm chí, một số  khách hàng còn có ý định rút vàng, ngoại tệ đang gửi ra. “Nếu không bảo hiểm vàng, ngoại tệ của khách khi gửi vào ngân hàng thì việc thu hút dòng vốn này vào ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn”, vị này nhận xét.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Techcombank Hải Phòng lo ngại, quy định trên sẽ khiến một lượng tiền chảy ra khỏi ngân hàng. Hiện lượng vàng và ngoại tệ gửi vào các chi nhánh của Techcombank khá lớn, có chi nhánh chiếm đến 30% tổng vốn huy động.

Nỗi lo của các ngân hàng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, giải pháp tốt nhất  để chống đô la hóa không phải là cấm bảo hiểm tiền gửi với ngoại tệ mà phải làm người dân tin vào tiền đồng, chuyển từ gửi ngoại tệ sang tiền đồng. Theo ông Ngân, hiện tổng số tiền bằng ngoại tệ mà người dân đang gửi khoảng trên 10 tỷ USD, nếu không được bảo hiểm, người dân có thể lo lắng mà rút ra, gây căng thẳng không đáng có cho hệ thống.

Chưa lo ngại đến mức đó, song ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, bảo hiểm tiền gửi với vàng, ngoại tệ cũng là một biện pháp để chống vàng hóa, đô la hóa trước thực tế một lượng lớn ngoại tệ, vàng đang nằm trong dân, tạo nền kinh tế ngầm. Biện pháp tốt nhất để chống đô la hóa, vàng hóa được ông Hiển nhắc tới là, thu hút số tiền này trong dân vào các ngân hàng, để kiểm soát được dòng chảy của vàng, ngoại tệ, đồng thời tránh bị mua bán bởi các tổ chức kinh doanh trái phép.

Chung lập luận này, nhiều đại biểu cho rằng, không nên từ chối bảo hiểm ngoại tệ, vàng mà có thể xem xét mức phí bảo hiểm của vàng, ngoại tệ thấp hơn bảo hiểm đối với tiền đồng. Thêm vào đó, nên quy định gửi ngoại tệ, vàng nhưng chi trả bảo hiểm sẽ bằng tiền đồng để đảm bảo khả năng thanh toán.

Trái với quan điểm trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, một số ngân hàng và nhiều đại biểu Quốc hội lại cho rằng, chỉ nên bảo hiểm cho tiền đồng. Theo ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, việc bảo hiểm cho ngoại tệ và vàng khi gửi ngân hàng khiến tâm lý cất giữ vàng và ngoại tệ của người dân tăng, gây khó khăn cho nền kinh tế.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận xét, gửi vàng và ngoại tệ là kinh doanh, mà đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro nên không nên được bảo hiểm. 

Liên quan đến mức phí và hạn mức chi trả bảo hiểm, Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi giao Chính phủ quy định theo từng thời kỳ.

Tuy nhiên hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa hiện là 50 triệu đồng/khoản tiền gửi được cho là quá thấp nên nhiều đại biểu đề nghị tăng lên mức 150 - 200 triệu đồng. Theo đại biểu Trương Thị Ánh (TP. HCM), mức chi trả 50 triệu đồng là chưa thỏa đáng khi ngân hàng đem tiền gửi của dân đi kinh doanh, lãi thu về lớn, nhưng nếu rủi ro lại bắt dân phải gánh chịu.

Liên quan đến mức phí bảo hiểm, ông Phạm Huy Hùng đề xuất, tùy theo đánh giá mức độ rủi ro của từng ngân hàng để có phí hợp lý. “Hiện rất nhiều ngân hàng hoạt động không đúng nội dung ngân hàng, quản trị rất kém. Có ngân hàng huy động 10 đồng thì tiêu đến 9,5 đồng; huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”, ông Hùng nói.

Theo dự kiến, Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba tới

Hà Tâm

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm tiền gửi và tiêu chí số đông (09/11/2011)

>   DN bảo hiểm và nỗi lo quý cuối năm (07/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi nên độc lập với NHNN (04/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: nhận 50 triệu đồng thì chỉ là “an ủi”! (03/11/2011)

>   Chỉ cá nhân gửi tiền mới được bảo hiểm? (02/11/2011)

>   Bảo hiểm “bắt tay” làm giá: Thị phần nhỏ, khó xử lý (01/11/2011)

>   Hà Nội kiện họ nhà Cavico vì nợ BHXH  (26/10/2011)

>   Quản lý rủi ro đại lý bảo hiểm nhân thọ: Không dễ (24/10/2011)

>   Doanh nghiệp lơ bảo hiểm tỷ giá, vì sao? (24/10/2011)

>   Chính sách bảo hiểm tiền gửi "năm cần", "ba có" (24/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật