Quản lý rủi ro đại lý bảo hiểm nhân thọ: Không dễ
Không phải chờ đến khi sự cố mạo danh Prudential lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của Bùi Thị Thu Hằng bung ra mà từ trước đó, báo động về rủi ro khôn lường trong hoạt động của các đại lý bảo hiểm nhân thọ (ĐLBH) cũng được rung lên khi tình trạng đại lý nghỉ việc nhiều, tỷ lệ nghịch với chất lượng hoạt động qua khuyến cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI).
Nhưng, hơn bao giờ hết, sau sự cố tại DN bảo hiểm nhân thọ hàng đầu trên, tính cấp thiết trong công tác quản lý rủi ro tại đơn vị trung gian này càng thêm “nóng” dù vẫn biết rằng, để quản lý được là không đơn giản.
Theo thống kê của AVI, tính đến hết tháng 6/2011, tổng số lượng đại lý trên thị trường là 178.540 người, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential (89.907), Bảo Việt Nhân thọ (23.355), Dai-ichi (15.201). Trao đổi với Báo ĐTCK, đại diện AVI cho biết, mặc dù đại lý bảo hiểm được đào tạo chuyên nghiệp, Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ khâu đào tạo và cấp chứng chỉ, song chất lượng đại lý chưa được nâng cao, tình trạng đại lý nghỉ việc nhiều vẫn chưa được khắc phục. Vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là khâu tuyển dụng và sử dụng đại lý bảo hiểm.
Với số lượng đại lý nhiều như hiện nay, cùng với việc tuyển dụng liên tục, đại lý lại “ra ra vào vào” không ngớt, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn trong quản lý cũng là điều dễ hiểu, nhất là khâu giám sát sau khi đơn vị trung gian này chấm dứt hoạt động. “Nếu cứ mỗi đại lý nghỉ việc, chỉ tính riêng việc gửi thông báo khuyến cáo đến từng khách hàng cũng khiến DN bảo hiểm đủ “mệt”. Có thể đó là lý do khiến DN bảo hiểm làm dối”, giám đốc phát triển thị trường của một công ty bảo hiểm cho biết.
Nguyên trưởng phòng một đại lý của Manulife chia sẻ, cái khó nhất trong quản lý đại lý bảo hiểm hiện nay vẫn là khâu quản lý con người, khi nhu cầu mở rộng mạng lưới thông qua việc tuyển mới ngày càng tăng cao, tỷ lệ nghịch với chất lượng đại lý. “Có DN chỉ nhìn người là tuyển, chứ không dựa trên tiêu chuẩn nào. Có DN áp dụng chiến lược tuyển dụng người 18/19 tuổi, có DN lại tuyển toàn sinh viên, những người này thiếu kinh nghiệm, làm đại lý để có thu nhập giải quyết khó khăn tạm thời về tài chính, chứ không tâm huyết, gắn bó với nghề, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc ở mức cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ hoa hồng khai thác năm đầu ở mức cao cũng khiến cho tình trạng đại lý tận dụng thời cơ kiếm lời ngay từ đầu rồi nghỉ việc”, ông cho biết.
Tổng giám đốc một DN bảo hiểm nhân thọ lớn thì cho hay, ngay sau sự cố tại Prudential, các phòng ban chuyên môn công ty ông, trong đó, có ban phụ trách đại lý, đã thực hiện rà soát lại các hoạt động của đại lý, hòng phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của đơn vị trung gian này. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, diễn biến phức tạp trong hoạt động của đại lý đôi khi cũng khiến DN trở tay không kịp.
Trở lại với trường hợp mạo danh tại Prudential mới đây (hiện đang được điều tra làm rõ), thủ đoạn tinh vi, có tổ chức trong hoạt động lừa đảo của Bùi Thị Thu Hằng khiến DN bị mạo danh không dễ phát hiện. Trên thực tế, nhân viên của Prudential đã nghe tin đồn về hình thức lừa đảo này từ tháng 1/2011, và bộ phận pháp chế của công ty đã tổ chức điều tra nhưng lại gặp khó bởi đường dây này hoạt động có tổ chức, biết cách bảo vệ và che giấu hành vi, thậm chí chính một số khách hàng tham gia vào đường dây này lại ra sức bảo vệ cho "bà trùm" của đường dây tín dụng đa cấp. Điều đáng nói là trong suốt thời gian điều tra đến khi Prudential báo cáo sự việc cho công an Quảng Ninh, tuyệt đối không một khách hàng nào khiếu nại, tố cáo hành vi lừa đảo. Đây là chi tiết quan trọng để dư luận đặt câu hỏi liệu những tự nhận là nạn nhân thực ra có hoàn toàn vô can hay quá ngây thơ để bị lừa không? Chỉ khi biết Hằng có ý định bỏ trốn và nguy cơ mất tiền trong đường dây lừa đảo thì lúc đó các nạn nhân mới trình báo sự việc. Phía Prudential cũng không thể trình báo vụ việc trước tháng 6/2011 vì chứng cứ chưa đủ, và sau khi báo cáo vụ việc cho công an Quảng Ninh cũng không thể khuyến cáo về hình thức lừa đảo này do cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận đó có đúng là đường dây lừa đảo không cho đến tận 3 tháng sau (9/2011) khi họ có đầy đủ bằng chứng hình sự để ra quyết định khởi tố.
Có thể thấy, việc quản lý rủi ro tại các đại lý đã cho thấy các quy định (quy chế tuân thủ của đại lý, các quy tắc xử lý danh sách đại lý “đen”) dù chặt chẽ đến đâu cũng khó tránh được vi phạm khi thị trường này biến động với muôn hình vạn trạng.
“Quản lý rủi ro tại đại lý vẫn là câu chuyện dài tập”, giám đốc ban kiểm soát nội bộ rủi ro của một DN phi nhân thọ chia sẻ.
Diệu Minh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|