Tái bảo hiểm, miếng ngon không dễ "xơi"!
Thị trường tái bảo hiểm vừa chào đón DN thứ hai đi vào hoạt động PVI Re (đơn vị thành viên của PVI Holdings) với số vốn điều lệ 460 tỷ đồng. Một tin vui trong nỗ lực tăng số công ty tái bảo hiểm của ngành. Nhưng số lượng công ty tái bảo hiểm và năng lực giữ lại phí bảo hiểm ở trong nước là hai câu chuyện khác nhau.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings nhấn mạnh, một trong những mục tiêu lớn nhất của việc thành lập PVI Holdings là "tăng năng lực giữ lại đồng tiền" cho ngành tái bảo hiểm thay vì phải tái với tỷ lệ rất cao ra nước ngoài.
"Bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trong nước hiện nay như Bảo Việt, Bảo Minh hay PVI khi nhận những hợp đồng lớn cũng không dám giữ lại nhiều nên việc phải tái ra các công ty bảo hiểm quốc tế là điều tất yếu. Với những dự án trị giá hàng tỷ đô trong các lĩnh vực như hàng không, dầu khí, các công ty phải tái vài chục phần trăm, thậm chí tái đến 60-70%" một chuyên gia cao cấp trong ngành cho biết.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2011 gần 70% tổng phí nhượng tái bảo hiểm được chuyển qua các công ty nước ngoài (tương ứng 2.600 tỷ đồng phí nhượng tái) và chỉ 30% phí (tương ứng 1.100 tỷ đồng ) được giữ lại trong nước. Nếu xét về tỷ lệ, con số này đã tăng lên so với mức 66% của năm 2010 (4.100 tỷ đồng tái ra nước ngoài, 2.100 tỷ tái trong nước) và 64% của năm 2009.
Việc phần lớn phí nhượng tái bảo hiểm của Việt Nam chảy ra nước ngoài xuất phát từ thực tế các DNBH trong nước bị hạn chế về vốn và chuyên môn để nhận tái bảo hiểm. Tính đến thời điểm này, sau hàng chục năm phát triển ngành tái bảo hiểm mới có 2 công ty hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập là Vinare và PVI Re. Các công ty bảo hiểm khác đều có bộ phận tái bảo hiểm với tư cách là một hoạt động kinh doanh phụ thêm bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho công ty.
Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong định hướng phát triển ngành tái bảo hiểm đến năm 2020, Bộ Tài chính cũng đang chú trọng vào mảng kinh doanh này, trong đó mục tiêu đề ra đến năm 2015 nâng số công ty tái bảo hiểm lên 3 công ty. Tuy nhiên khả năng giữ lại dòng tiền phí bảo hiểm cho nền kinh tế sau sự ra đời của PVI Re hay tăng số lượng công ty tái bảo hiểm vẫn là điều phải chờ đợi.
Một vài ý kiến trong ngành cho rằng, thực chất Tổng công ty PVI cũng kinh doanh tái bảo hiểm được 15 năm nay, chỉ sau 2 năm so với Vinare, với những lợi thế lớn trong các dòng sản phẩm bảo hiểm cần vốn lớn như năng lượng, hàng hải, tài sản. Tuy nhiên, con số vốn 460 tỷ đồng của PVI Re khi ra mắt vẫn còn khá khiêm tốn so với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng của Vinare, hơn thế nữa cơ cấu sở hữu 100% của PVI Holdings cũng sẽ hạn chế khả năng tăng năng lực vốn của công ty mới.
"Việc PVI Re tách thành đơn vị độc lập mang ý nghĩa nội bộ nhiều hơn là thu xếp tái các hợp đồng bảo hiểm gốc của tập đoàn mẹ ra nước ngoài", phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhận xét.
Trong khi đó, Bảo Việt (BVH), đơn vị tiên phong trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm từ năm 1965 và hiện là công ty bảo hiểm có vốn điều lệ lớn nhất trong nước, cũng cho biết Tập đoàn chưa có kế hoạch thành lập một công ty tái bảo hiểm chuyên biệt.
"Việc thành lập một công ty riêng chuyên kinh doanh về tái bảo hiểm trong giai đoạn hiện nay là chưa thích hợp do Bảo Việt xác định chiến lược kinh doanh chuyên về khai thác bảo hiểm gốc chứ không phải tái bảo hiểm”, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết. Cũng theo đại diện này, Bảo Việt hiện đang đứng thứ hai sau Vinare xét về doanh thu nhận tái bảo hiểm từ thị trường trong nước với doanh số khoảng 210 tỷ đồng.
Để tăng năng lực nhận phí nhượng tái bảo hiểm, điều kiện tiên quyết là nâng cao năng lực tài chính của các DN bảo hiểm. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, việc các DN bảo hiểm tăng vốn điều lệ là điều không dễ dàng. Vì thế, việc dòng phí nhượng tái tiếp tục chảy ra nước ngoài với tỷ lệ lớn là khó tránh khỏi.
Hải Linh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|