Đau đầu vì đại lý bảo hiểm rởm
Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang rúng động vì vụ lừa đảo của nguyên đại lý bảo hiểm của công ty bảo hiểm số 1 Việt Nam hiện nay. Dù các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng nhiều bởi vụ lừa đảo gây chấn động dư luận này, nhưng sau vụ việc trên, các công ty bảo hiểm lại có thêm nhiều việc phải làm để xốc lại đội ngũ đại lý, tránh những vụ việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Đối với tin tức gần đây trên một vài báo chí về trường hợp bà Bùi Thị Thu Hằng bị tố cáo lừa đảo một số người dân ở Quảng Ninh, Công ty Bảo hiểm Prudential cũng đã có thông báo chính thức khẳng định, bà Hằng nguyên là đại lý của Prudential Việt Nam, nhưng đã bị cắt hợp đồng.
Bình luận về vụ “tai bay vạ gió” này, giám đốc maketing một công ty bảo hiểm nước ngoài nói rằng, kiểu lừa đảo này không mới và chủ yếu là đánh vào lòng tham của mọi người. “Bảo hiểm nhân thọ không thể trả lãi suất cao bằng ngân hàng. Thế nhưng, không hiểu sao vẫn có nhiều người dân tin vào cái mức lãi suất cao ngất do Bùi Thị Thu Hằng đưa ra. Tôi cho rằng, không thể trách công ty bảo hiểm được khi những người bị lừa không hề mua bảo hiểm”, vị giám đốc trên chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ Top 4 - 5 hiện nay phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo, chúng ta đều có thể nhận thấy rằng, khi người dân mua bảo hiểm, ngoài mục đích bảo vệ còn có mục đích tích lũy, nên trong 1 năm, họ chỉ bỏ chừng 30 triệu đồng đến 50 - 100 triệu đồng cho bảo hiểm là nhiều, chứ không thể bỏ cả vài tỷ đến vài chục tỷ đồng ra mua bảo hiểm nhân thọ. Công ty bảo hiểm nhân thọ không phải là công ty tài chính nên không có chức năng đi vay trả lãi cao như vậy.
“Không may cho Prudential Việt Nam vì đã bị mạo danh. Thực tế, những người đã rắp tâm lừa đảo có thể lợi dụng uy tín của cả ngân hàng hay các tổ chức tài chính - tín dụng, chứ không chỉ riêng gì Prudential cũng như các công ty bảo hiểm khác”, vị này nhận định.
Trao đổi với ĐTCK, một số công ty bảo hiểm cho biết, khó có thể kiểm soát triệt để vấn đề này, bởi đại lý bảo hiểm có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn đại lý. Nếu đại lý hay nguyên đại lý nào rắp tâm muốn lừa thì các công ty bảo hiểm cũng khó mà kiểm soát hết. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ tính đến hết tháng 6/2011, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 178.540 người, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 89.907 người, Bảo Việt Nhân thọ 23.355 người, Dai-ichi 15.201 người. Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2011 là 62.864 người, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential (20.107 người), Cathay Life (7.385 người) và Dai-ichi Life Việt Nam (7.099 người)…
Thực tế, không chỉ tại những doanh nghiệp bảo hiểm mới đi vào hoạt động, ngay cả với các doanh nghiệp bảo hiểm có thâm niên trên thị trường thì câu chuyện tuyển dụng, đào tạo đội ngũ đại lý bảo hiểm/tư vấn tài chính cũng là công việc thường xuyên. Bởi ngoài lý do mở rộng thị phần, các doanh nghiệp phải liên tục tuyển dụng và đào tạo đại lý mới để thay thế những đại lý cũ đã nghỉ việc. Với số lượng đại lý của mỗi doanh nghiệp lên đến hàng chục nghìn như vậy, việc kiểm soát để những đại lý này tuân thủ đúng nguyên tắc của công ty đề ra cũng đã rất khó khăn. Còn đối với những đại lý đã nghỉ việc mà vẫn lợi dụng danh nghĩa của công ty thì không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mà các doanh nghiệp khác cũng đành bó tay.
Hiện tại, Prudential Việt Nam đang tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật để hỗ trợ quá trình điều tra vụ việc. Prudential Việt Nam trong một thông cáo báo chí vừa đưa ra cũng khẳng định, Công ty sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn mọi hành vi mạo danh hoặc lợi dụng uy tín của Prudential cho các mục đích phi pháp. Các biện pháp đó có thể là các biện pháp pháp lý để đòi lại các quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại.
Ngọc Lan
Đầu tư chứng khoán
|