Thứ Sáu, 16/09/2011 15:23

Bancassurance ở Việt Nam vẫn sơ khai

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) được đánh giá là rất tiềm năng tại Việt Nam. Nhiều công ty bảo hiểm tuyên bố sẽ đầu tư mạnh cho kênh bán hàng này, trong đó, một số đã chính thức triển khai.

Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới gia nhập thị trường Việt Nam như Cathay và Fubon cũng đang tận dụng kênh bán hàng này (nhờ lợi thế có các ngân hàng là công ty thành viên của Tập đoàn) để mở rộng thị phần… Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty bảo hiểm BIDV (HOSE: BIC), Bancassurance cho dù đã là khái niệm tương đối phổ biến trên thị trường tài chính nhưng để phát triển được kênh phân phối này, cần nhiều thời gian và công sức.

Thực tế, dù đã được coi là một điển hình thành công trong phát triển Bancassurance, BIC cũng vẫn mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ của "miếng bánh" này. Trong hệ thống BIDV, BIC cũng mới chỉ tiếp cận được một số lượng nhỏ khách hàng cá nhân. Kênh Bancassurance cũng chỉ mang lại khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC.

Dù đã có sẵn hệ thống của BIDV, BIC vẫn chưa thể đẩy nhanh tốc độ phát triển kênh Bancassurance vì hình thức phân phối sản phẩm bảo hiểm này không chỉ mới với các doanh nghiệp bảo hiểm mà còn mới với cả các nhà quản lý và người tiêu dùng. Các khách hàng tiềm năng của Bancassurance chưa có nhận thức hoặc nếu đã biết, vẫn chưa có thói quen mua bảo hiểm qua kênh này. Về khía cạnh pháp lý, cũng chưa có hành lang cho Bancassurance.

Lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài thừa nhận, hiện nay, hầu hết các ngân hàng vẫn chưa thực sự quan tâm đến nghiệp vụ này, đặc biệt là các ngân hàng trong nước. Do đó, các cán bộ tín dụng mới chỉ giới thiệu khách hàng cho các nhân viên bảo hiểm mà họ quen biết theo một cách manh mún, phi chính thức. Ngoài ra, cho dù ngân hàng có ký hợp đồng hợp tác với công ty bảo hiểm thì tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" vẫn còn khá phổ biến.

"Ở những quốc gia phát triển, như Nhật Bản là một ví dụ, doanh thu chính của ngân hàng đến từ những dịch vụ phi truyền thống như bán bảo hiểm chứ không phải là dịch vụ tín dụng. Do đó, có thể nói, Bancassurance ở Việt

Nam vẫn còn trong giai đoạn phát triển rất sơ khai" vị này chia sẻ.

Theo một thống kê sơ bộ, doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng của toàn khối bảo hiểm phi nhân thọ chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu. Thực tế, khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ tại các ngân hàng ở Việt Nam bởi sản phẩm đó nằm trong gói dịch vụ tài chính mà ngân hàng cung cấp và phần lớn các trường hợp mua bảo hiểm là điều kiện để giải ngân các khoản vay tại ngân hàng.

Kết quả cuộc khảo sát 20 giám đốc cao cấp của các công ty bảo hiểm ở Việt Nam vừa được Công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm nhân thọ Milliman công bố cuối tuần qua cho thấy, có 3 trở ngại chính khiến Bancassurrance ở Việt Nam chưa khởi sắc. Đó là, thiếu sự nhận thức về tầm quan trọng của việc thu phí bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng; các vấn đề về kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất cao đã tạo giới hạn về vốn vay và việc phát triển và giữ nhân tài trong ngân hàng có chuyên môn về bảo hiểm còn chưa được chú trọng.

Một quan chức của Manulife nói tại buổi công bố kết quả khảo sát rằng, khi đưa ra một dự án hợp tác thì vấn đề đầu tiên mà các ngân hàng ở Việt Nam quan tâm là được lợi gì trước mắt từ việc hợp tác này chứ chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển mối quan hệ này để có những lợi ích lâu dài. Đa số CEO trong cuộc khảo sát trên cũng nghĩ như vậy. Họ nói rằng, 2 yếu tố để ngân hàng chọn bảo hiểm làm đối tác là sự gặp nhau về lợi ích giữa hai bên và mức triết khấu dành cho ngân hàng.

Vị đại diện Manulife cũng cho biết, các ngân hàng ở Việt Nam chưa thực sự chú tâm đầu tư nguồn lực để khai thác dịch vụ từ bảo hiểm. Vì vậy, phát triển Bancassurance ở Việt Nam chưa đi đúng hướng như kỳ vọng của các công ty bảo hiểm. "Để phát triển Bancassurance, phải có sự khác biệt của sản phẩm, điều mà hiện nay, sản phẩm của các công ty bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng hầu như không có", vị này nói.

Trả lời câu hỏi "cần bao nhiêu thời gian thì Bancassurance mới chiếm 25% doanh thu phí trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam?", trên 85% số đối tượng được khảo sát cho rằng, phải mất 6 - 8 năm nữa. Kết quả cuộc khảo sát này cũng cho thấy, chỉ khi các quy định về thuế và luật liên quan đến Bancassurrance thay đổi, tư duy người tiêu dùng và ảnh hưởng vĩ mô có tín hiệu tích cực hơn, thì Bancassurance mới có thể phát triển được.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   BVH, BMI, PVI được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (14/09/2011)

>   Bảo hiểm Tiền gửi không đủ sức “cứu” 2 ngân hàng phá sản (01/09/2011)

>   Bảo hiểm ngoại đi tắt vào Việt Nam (24/08/2011)

>   Đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm: Cơ hội và quan ngại (21/08/2011)

>   Bảo hiểm xã hội thành chủ nợ khổng lồ (20/08/2011)

>   Bảo hiểm nhân thọ: Lo xa hóa ra lợi gần (17/08/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ nỗ lực giảm tỷ lệ bồi thường (10/08/2011)

>   Tái xuất cạnh tranh bảo hiểm bằng can thiệp hành chính (03/08/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Sức ép từ nhiều phía (29/07/2011)

>   Mua bảo hiểm qua ngân hàng: Cân nhắc thiệt hơn (25/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật