Tái xuất cạnh tranh bảo hiểm bằng can thiệp hành chính
Do đặc thù nghề nghiệp nên hoạt động cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần giữa các DN trong ngành bảo hiểm khá gay gắt. Cạnh tranh trong ngành này được dự báo diễn ra khốc liệt hơn vào những năm tới khi các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động cạnh tranh lành mạnh dựa vào tiềm lực của các đơn vị, điều đáng nói là có những DN trong ngành bảo hiểm lại sử dụng những chiêu thức cạnh tranh đã khá lạc hậu và cần phải loại bỏ trong nền kinh tế thị trường.
Báo ĐTCK đã từng đề cập đến vấn đề cạnh tranh trong việc triển khai bảo hiểm học sinh trong mùa khai trường sắp tới. Câu chuyện cạnh tranh bằng văn bản hành chính từ cơ quan quản lý chỉ đạo xuống các trường nên mua bảo hiểm của DN này, DN kia tưởng chừng như đã "lùi vào dĩ vãng", nay bỗng dưng tái xuất. Chuyện là nhân viên của một số DN bảo hiểm phi nhân thọ đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định, khi triển khai bán bảo hiểm học sinh tới các trường học trong tỉnh (vẫn là khách hàng ruột mọi năm của DN này) bỗng dưng nhận được cái lắc đầu, lời từ chối tế nhị của các lãnh đạo trường. Hỏi ra mới biết, tất cả bắt nguồn từ Công văn số 533/SGDĐT ngày 6/6/2011 mà Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nam Định ban hành và gửi cho phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thành phố và các trường phổ thông trung học, trung tâm trực thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo. Công văn có đoạn: "Nhằm thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định, trên cơ sở tiềm năng lợi thế của tỉnh và thế mạnh về tiềm lực tài chính, tài sản cùng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi… của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ngày 18/3/2011, UBND tỉnh Nam Định đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Để góp phần thực hiện chương trình hợp tác trên, Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu: Phòng giáo dục - đào tạo tạo điều kiện để các công ty, tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai cung cấp các dịch vụ liên quan đến giáo dục - đào tạo, trước mắt là bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên, học sinh và bảo hiểm các công trình xây dựng trong ngành giáo dục - đào tạo…".
Mặc dù trong công văn có nội dung cho rằng, sự hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng, hai bên cùng có lợi, nhưng rõ ràng, khi nhận được công văn của cơ quan quản lý cấp trên, lãnh đạo các trường thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nam Định hẳn sẽ băn khoăn khi quyết định tham gia hay không tham gia ký tiếp chương trình bảo hiểm học sinh, giáo viên với những DN bảo hiểm mà họ đã từng hợp tác trước đây.
Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, ông Phùng Đắc Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tỏ ra rất ngạc nhiên. Theo ông Lộc, trong giai đoạn hiện nay, kiểu cạnh tranh này là không hợp lý. Trên thực tế, với các DN trong ngành, những chiêu cạnh tranh trong bảo hiểm hầu như ai cũng biết. Ngoài các hình thức cạnh tranh thông qua hạ phí bảo hiểm trong nhiều nghiệp vụ, tăng chi phí hoa hồng không đúng với các quy định của Nhà nước, mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm không tính đến hiệu quả kinh doanh…, một số DN trong lĩnh vực bảo hiểm còn sử dụng các biện pháp hành chính để gây sức ép, lôi kéo, ép buộc người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm hoặc sử dụng dịch vụ môi giới bảo hiểm tại một DN, trái với quyền tự do lựa chọn và giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, các DN đều hiểu những chiêu cạnh tranh lộ liễu như vậy trong thời buổi này rất phản tác dụng. Lãnh đạo một DN bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần trong Top 3 - 4 thừa nhận, kinh doanh bảo hiểm và một số loại hình dịch vụ nói chung, nếu không "lobby" với đối tác là chết ngay từ trong trứng nước, nhưng nếu quá "lộ thiên" như vậy thì không nên chút nào. Thực tế, trước đây một số DN bảo hiểm cũng đã có những kiểu cạnh tương tự, nhưng sau đó Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã cảnh báo, các DN cũng ngồi lại với nhau và cam kết "nói không" với những kiểu cạnh tranh như vậy.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc cạnh tranh thông qua sự can thiệp hành chính thể hiện rất rõ trong nghiệp vụ bảo hiểm học sinh. Một vài DN bảo hiểm mới ra đời hoặc mới triển khai nghiệp vụ, vì muốn chiếm lĩnh thị trường nên đã chấp nhận hỗ trợ nhà trường với nguồn kinh phí lớn, thậm chí còn cao hơn cả phí bảo hiểm thu được. Tuy nhiên, cách hỗ trợ này cũng đã tạo điều kiện cho nhà trường gây sức ép với các DN bảo hiểm khác, làm xấu đi hình ảnh của nghiệp vụ bảo hiểm học sinh. Đồng thời, trong những năm học tới, việc thuyết phục người tham gia bảo hiểm chấp nhận phí bảo hiểm, mức khấu trừ hoặc điều kiện bảo hiểm bình thường sẽ rất khó khăn.
Ngọc Lan
đầu tư chứng khoán
|