Bảo hiểm phi nhân thọ, chờ đợi những thay đổi lớn
Với những tác động tiêu cực từ tình hình lạm phát tăng cao, chính sách giảm chi tiêu công của Chính phủ và lãi suất ở mức cao, tăng trưởng phí bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm 2011 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chỉ đạt 22%, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu đồng loạt tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại đem lại những hy vọng về một diện mạo mới cho thị trường trong thời gian tới.
Trong nửa đầu năm nay đã có sự đảo ngược thứ bậc về doanh thu phí bảo hiểm gốc trên thị trường, PVI đã vượt qua Bảo Việt (BVH) đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.527 tỷ đồng, tăng trưởng 28% và chiếm 25% thị phần toàn thị trường. Bảo Minh (BMI) vẫn giữ vững ví trí thứ 3 về thị phần, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 1.157 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ... Như vậy, đến hết tháng 6/2011, PVI đang dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc với 25% thị phần, BVH chiếm 22%, BMI 12%, PJICO 9%, PTI 4%; 24 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn lại chia nhau 28% thị phần.
Ngoài sự thay đổi về thứ bậc doanh thu phí bảo hiểm gốc, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang chứng kiến những thay đổi lớn. Đó là đang xuất hiện một làn sóng tái cấu trúc trong các doanh nghiệp. Sau một thời gian tuyên bố tái cấu trúc, Bảo Minh đã gặt hái được những thành quả nhất định và đặc biệt là kinh doanh bảo hiểm gốc năm 2010 không lỗ. Mới đây, PVI cũng tuyên bố chuyển đổi thành PVI Holdings và có một số thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh chính. Ngành, nghề kinh doanh mới của doanh nghiệp này sau khi thay đổi gồm: bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính… Đồng thời, PVI Holdings thành lập Tổng công ty Bảo hiểm PVI theo hình thức công ty TNHH một thành viên do PVI Holdings sở hữu. Theo đó, Tổng công ty Bảo hiểm PVI được thừa kế toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam. Trước đó, giữa tháng 6/2011, CTCP Bảo hiểm quân đội cũng chuyển đổi thành Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) với 19 công ty thành viên trực thuộc và một công ty đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính… Một số công ty khác như BIC, PTI cũng có những thay đổi cơ bản về nhân sự chủ chốt.
Đại diện PTI cho biết, việc thay đổi, bổ sung thêm nhân sự cao cấp nhằm tạo thêm tiềm lực, giúp Công ty đạt được những kế hoạch chiến lược trong giai đoạn mới với mục tiêu vươn lên Top 3 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Các công ty bảo hiểm khác khi quyết định tái cấu trúc cũng đều hướng tới mục tiêu cao hơn cả về doanh thu phí, thị phần và hiệu quả hoạt động.
Dù tăng trưởng doanh thu phí 6 tháng đầu năm 2011 hơi chững lại, nhưng theo các chuyên gia kinh tế tại Swiss Re, thị trường bảo hiểm châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Các nước đang phát triển tại châu Á cũng là các thị trường dẫn đầu về tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ với phí bảo hiểm tăng 17,3% trong năm 2010 và dự kiến sẽ tăng 12,5% trong năm 2011. Tốc độ tăng trưởng đặc biệt mạnh tại Trung Quốc và Việt Nam. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới sẽ phát triển do gia tăng số lượng chủ sở hữu xe ô tô. Thu nhập tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với bảo hiểm tài sản…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, bên cạnh những triển vọng tốt đẹp, không ít rủi ro như lạm phát tăng, bong bóng tài sản tiềm ẩn, sự đảo lộn bất ngờ của dòng vốn… sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Bởi bảo hiểm là lĩnh vực phi sản xuất, ký được hợp đồng không dễ và xử lý rủi ro bồi thường càng phức tạp hơn. Rủi ro bồi thường cho một hợp đồng bảo hiểm có thể gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với số phí bảo hiểm thu được. Vì vậy, việc tính toán, dự phòng rủi ro là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Gia Linh
Đầu tư chứng khoán
|