Thiếu nền móng, liệu bảo hiểm nông nghiệp có thành công?
Dự kiến, ngày 1-7, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ được triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành. Nông dân đang kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Nhưng liệu BHNN có thành công khi “nền móng” vẫn chưa có?
Trước đó khoảng hơn 20 năm, BHNN cũng từng có lần được Công ty Bảo hiểm Bảo Việt triển khai “thử” ở Nam Định, và đến năm 1998, lại triển khai tại 26 tỉnh, thành với khoảng 0,2 triệu héc ta lúa. Tuy nhiên, do thu phí không nhiều, bồi thường lại lớn nên doanh nghiệp này phải rút lui.
Tiếp đó, đến năm 2001, Công ty Bảo hiểm Groupama (Pháp) cũng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, rồi cũng thất bại triền miên. Cụ thể từ năm 2003, đơn vị bảo hiểm này triển khai năm sản phẩm cho các loài vật nuôi như bò, heo, gà, tôm... Lúc đầu, các hộ nông dân nuôi tôm sú ở Cần Giờ và các tỉnh miền Tây hăng hái tham gia với mức phí bảo hiểm từ 0,9 - 2 triệu đồng/héc ta. Ngay sau niên vụ đó, khi tổng kết họ mới giật mình! Công ty thu phí bảo hiểm cho con tôm nghịch vụ năm 2003 tổng cộng chỉ được khoảng 30 triệu đồng, nhưng chi phí bồi thường chỉ cho sáu hộ nông dân đã lên đến… 400 triệu đồng.
Khó khăn của cả hai phía
Theo lãnh đạo một công ty bảo hiểm, khi triển khai một loại hình bảo hiểm mới như BHNN, nguyên tắc của doanh nghiệp là mong muốn có số đông nông dân tham gia để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng cho rằng: “Việc thực hiện BHNN như ở vùng ĐBSCL rất khó khăn. Đây là ngành sản xuất nhiều rủi ro nên từ trước đến nay rất ít công ty bảo hiểm vào đầu tư. Đồng thời tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân gây khó khăn cho việc triển khai BHNN. Hiện nay mỗi nông dân chỉ làm một vài công đất thì công ty không thể nào ký hợp đồng với hết cả triệu hộ nông dân. Chưa nói đến chuyện quản lý sao cho có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho họ”.
Thực tế từ những lần thử nghiệm trước cho thấy với những loại cây trồng vật nuôi ít rủi ro, nông dân chẳng ngó ngàng gì đến chuyện bảo hiểm, trong khi các công ty bảo hiểm lại “khao khát”. Ngược lại, với những loại rủi ro cao, nông dân tha thiết muốn được bảo hiểm thì phía công ty lại ngó lơ.
Chưa hết, ông Trần Văn Biện, nông dân nuôi tôm ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, thắc mắc: “Liệu nhà nông có đáp ứng nổi các yêu cầu về chuẩn mực trong canh tác để thực hiện tốt hợp đồng BHNN? Nếu không xong hoặc không hoàn thiện thì việc thẩm định rủi ro ắt phải liệt vào trách nhiệm nhà nông”. Cũng như ông Biện, anh Lê Luận, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Thịnh (Bạc Liêu), bày tỏ: “Làm theo chuẩn chắc chắn phải đầu tư nhiều, trong khi nhà nông ít vốn. Dù có được hỗ trợ phí BHNN, nhưng liệu có bao nhiêu nông dân có vốn để đầu tư hoàn chỉnh. Do vậy, vấn đề cần bàn đến là được vay vốn sản xuất mới có đầu tư”.
Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hỗ trợ 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN và 60% cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN… Nhưng đó chỉ là liều thuốc kích thích để nông dân hăng hái tham gia. Còn phía doanh nghiệp, ai sẽ lo để họ có sự tự tin khi tham gia?
Còn nếu để các công ty bảo hiểm được nâng mức phí lên đủ mức cần thiết, ít nhất cũng bằng ngưỡng dự báo rủi ro, thì nông dân sẽ ngán ngại vì chi phí quá cao! Thực tế cũng đã có bài học kinh nghiệm. Cách đây hàng chục năm, nhiều nông dân đã từng tham gia BHNN bị doanh nghiệp từ chối đền bù vì không thể thẩm định nổi rủi ro. Phía nông dân cũng “ngậm bồ hòn” khi có quá nhiều yếu tố ràng buộc, để rồi tự gánh chịu hậu quả.
Và điều quan trọng nhất là vụ hè thu này, nhiều chi phí như vật tư nông nghiệp, bơm tưới, nhân công… đều tăng. Nếu thí điểm triển khai BHNN vào tháng 7 tới, liệu nông dân có chấp nhận “oằn lưng” thêm để đóng phí bảo hiểm?
Phải tổ chức lại sản xuất?
Giúp nông dân có nhận thức cao về BHNN để họ tự nguyện tham gia bảo hiểm cho mọi đối tượng cây trồng, vật nuôi mà không cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là điều mà đến nay các cơ quan chức năng chưa làm được, khi tâm lý “ăn xổi ở thì” vẫn đè nặng lên phần lớn nhà nông.
Nhưng quan trọng hơn là phải giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất. Theo lãnh đạo một công ty bảo hiểm, chi nhánh Sóc Trăng, đánh giá: “Hiện tại, nông dân vẫn sản xuất tự phát, mỗi người một kiểu, không theo quy trình, lại tham gia bảo hiểm với số ít. Đây là điều mà các công ty bảo hiểm rất ngán ngại vì rủi ro quá cao!”. Do đó, phải thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hay công ty cổ phần… để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, chất lượng tốt. Kỹ thuật, phương thức sản xuất, lịch gieo trồng… được tiến hành đồng bộ để giảm rủi ro. Nôm na, nông dân phải được tổ chức sản xuất theo hình thức trang trại. Khi đó, các công ty bảo hiểm chỉ cần ký hợp đồng với một người đại diện nên rất thuận lợi, dễ quản lý, dễ thẩm định bồi thường và yên tâm về việc khống chế mức độ rủi ro.
Nhiều người sẽ không quên những cơn “đại họa” của nông dân. Mới đây, cuối năm 2010, mưa lớn và triều cường ở Sóc Trăng đã khiến hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu, cây ăn trái, ao nuôi thủy sản… bị nhấn chìm, hàng trăm tỉ đồng cuốn theo nước. Còn ở Hải Phòng, đợt rét đầu năm nay cũng khiến ngành nông nghiệp địa phương này mất tròm trèm khoảng 20 tỉ đồng… Và trong thời gian qua, tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, nhiều người nuôi thủy sản liên tục trắng tay do dịch bệnh hoành hành. Có BHNN, những mối lo như vậy sẽ giảm bớt cho nông dân. Nhưng liệu có triển khai nhanh và thành công sớm được không, khi những yếu tố cần thiết vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh?
Bá Phú
tbktsg
|