Thứ Tư, 11/05/2011 14:00

Mong manh lá chắn Bảo hiểm tiền gửi

DIV chưa thể thực hiện vai trò của một tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi vẫn còn thiếu một khung pháp lý về vấn đề này.

Giữa lúc các kênh vàng và chứng khoán vẫn đang lình xình chưa rõ xu hướng, việc gửi tiết kiệm ngân hàng được nhiều người lựa chọn như một cách để bảo đảm an toàn vốn. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm không hẳn là không có rủi ro, nhất là khi chẳng may ngân hàng nhận số tiền gửi đó bị phá sản.

Tại Việt Nam, khả năng ngân hàng bị phá sản dường như rất khó xảy ra. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước luôn dành ưu tiên về các cơ chế chính sách cho ngành ngân hàng. Điều dễ nhận thấy nhất là các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có sức khỏe khá tốt, ngay cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua. Đó là lý do bảo hiểm tiền gửi vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ tại Việt Nam.

Bỏ ngỏ lớn nhất là Luật Bảo hiểm tiền gửi vẫn chưa ra đời trong khi vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV), một tổ chức tài chính của Nhà nước hoạt động từ năm 2000, vẫn còn nhiều điều phải bàn cãi. Nếu nhìn vào sức mạnh chống đỡ khủng hoảng của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) khi hàng loạt ngân hàng Mỹ phá sản, có thể thấy một số vấn đề DIV đang phải đối mặt.

Tính riêng năm 2008, đã có hàng trăm ngân hàng lớn của Mỹ bị gục ngã do suy thoái kinh tế. Khó khăn trong ngành ngân hàng Mỹ chưa dừng ở đó, khi năm 2009 có 140 ngân hàng, năm 2010 có 157 ngân hàng và sau 4 tháng đầu năm 2011 có 34 ngân hàng của Mỹ đã phải đóng cửa. Mặc dù vậy, vẫn không thấy cảnh người dân Mỹ hoảng loạn đến ngân hàng rút tiền, vì đã có FDIC, cơ quan bảo vệ người gửi tiền của Mỹ, đứng sau và chi trả các khoản bảo hiểm tiền gửi. Số tiền FDIC chi trả cho năm 2009 là 36 tỉ USD và năm 2010 là 21 tỉ USD. Con số này trong 4 năm nữa có thể lên tới 45 tỉ USD mặc dù FDIC cho rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành ngân hàng Mỹ đã qua.

Việt Nam cũng có cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền là DIV. Với hơn 1.000 tổ chức tham gia bảo hiểm, nguồn thu chủ yếu của DIV là các khoản lãi tiền gửi và lãi đầu tư vào các giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng nhà nước. Cho đến nay, tổng tài sản của DIV đã lên khoảng 6.000 tỉ đồng. Con số này chưa phải là lớn nếu đem so với vốn điều lệ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khác.

Tuy nhiên, với mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, mức bảo hiểm mà DIV phải chi trả cho người gửi tiền là không đáng kể. Ngay giữa lúc kinh tế suy thoái năm 2008, DIV cũng chỉ phải chi 18 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng tổng tài sản cho 37 quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn vào thời điểm đó. Dù tổng tài sản của DIV đã tăng lên nhanh chóng sau một thời gian ngắn và dù không thể so sánh mức chi trả của DIV với FDIC (vì mọi sự so sánh ở đây đều khập khiễng), nhưng cũng có một số điểm cần nhìn nhận và học tập ở FDIC để tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả nhất.

Thứ nhất, theo Nghị định 109 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 89 về bảo hiểm tiền gửi, tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, người gửi tiền sẽ được bảo hiểm với mức tối đa 50 triệu đồng. Số tiền này được trả cho tất cả các khoản bao gồm gốc và lãi của người gửi tiền. Nếu số tiền gửi gồm cả gốc và lãi vượt quá mức 50 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được phần tài sản còn lại trong quá trình thanh lý tài sản của ngân hàng.

Trên thực tế, có nhiều người đã gửi số tiền trên mức 50 triệu đồng. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, 50 triệu đồng không phải là con số lớn đối với một gia đình trung lưu thành thị. Đó là chưa kể do thị trường chứng khoán đang tạm lắng, không ít nhà đầu tư đã chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng với con số lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc hơn.

Vì thế, ngay cả mức chi trả bảo hiểm 50 triệu đồng ít nhiều đã không còn phù hợp với thực tế, nhất là khi thế giới đang có xu hướng tiến tới mức chi trả không giới hạn.

Thứ hai, sau khi suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra, các nước trên thế giới trong đó có Mỹ đã nâng mức phí đóng bảo hiểm lên 1-1,5% trên số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, con số này tại Việt Nam chỉ là 0,15% (theo Nghị định 109), một con số quá thấp để DIV có thể nâng cao được mức chi trả bảo hiểm cho người gửi nếu có sự cố xảy ra. Vì thế, DIV hoàn toàn không đủ vốn để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng quy mô vừa và lớn.

Giả sử một ngân hàng lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bị đổ vỡ, không biết DIV sẽ phát huy khả năng đến đâu? Đó chỉ là một giả định vì chắc chắn 100% người được hỏi sẽ trả lời rằng Chính phủ không bao giờ để cho sự cố đó xảy ra dù trong bất cứ tình huống nào. Chính niềm tin quá vững chắc vào khả năng chống đỡ của Chính phủ đã làm cho vai trò bảo hiểm tiền gửi của DIV càng trở nên mờ nhạt.

Thứ ba, mô hình của DIV hiện nay là chi trả với quyền hạn được mở rộng. Nghĩa là ngoài mục đích lớn nhất là chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi, DIV còn được phép giám sát, khuyến nghị phòng tránh rủi ro đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, cho đến nay DIV mới chỉ dừng lại ở việc giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ các tổ chức tham gia bảo hiểm. Mặc dù theo lý thuyết DIV đã thực hiện những bước hoàn chỉnh giám sát và kiểm tra để đưa ra những khuyến nghị, nhưng việc giám sát, kiểm tra ở mức độ nào và những khuyến nghị kia có được các ngân hàng áp dụng và thực hiện hay không lại là chuyện khác. Bởi lẽ, dù có tìm ra những rủi ro hay có đưa ra cảnh báo, DIV cũng không có chức năng xử phạt và không có chế tài nào để DIV áp dụng đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm.

Tất cả những ý kiến hay cảnh báo chỉ có thể được DIV chuyển cho đơn vị chủ quản là Ngân hàng Nhà nước quyết định. Vì thế, cũng không lấy gì làm lạ nếu như các tổ chức tín dụng không nghe, thậm chí phớt lờ DIV. Vô hình trung, các khuyến nghị của DIV không có giá trị gì nhiều. Đó là chưa kể không có mấy ngân hàng sẵn lòng để các đơn vị khác đánh giá rủi ro hoạt động của họ nếu không bị bắt buộc.

Thứ tư, khi tính phí bảo hiểm, DIV hoàn toàn có thể nghiên cứu áp dụng dựa trên cơ sở định mức tín nhiệm của tổ chức tín dụng. Nhưng việc này cũng không dễ dàng bởi Việt Nam chưa có một tổ chức chuyên nghiệp nào đứng ra đánh giá định mức tín nhiệm cho các ngân hàng như ở nước ngoài. Do đó, ngay cả phương án này cũng khó khả thi.

DIV rõ ràng là một thành phần không thể thiếu trong cơ chế kinh tế thị trường, là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và là người gác cổng cho những rủi ro của ngành ngân hàng. Để hoàn thành sứ mạng này, DIV cần có sự hỗ trợ từ Luật Bảo hiểm tiền gửi và các chế tài đi kèm, nếu không DIV chẳng khác nào một chiến sĩ ra trận mà không đem theo vũ khí. Đến lúc đó ngay cả việc tồn tại còn khó, huống chi bảo vệ những người khác.

Đỗ Lê Phương

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi (10/05/2011)

>   Chật vật đòi bồi thường bảo hiểm (10/05/2011)

>   Bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính (06/05/2011)

>   Bảo hiểm nhân thọ thay đổi chiến lược (30/04/2011)

>   Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ của Italy vào Việt Nam (21/04/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Những mục tiêu thách thức (19/04/2011)

>   Chất lượng đại lý bảo hiểm: Ưu tiên mang tính chiến lược (07/04/2011)

>   Lạm phát chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường bảo hiểm (30/03/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: Luật để bảo vệ lòng tin (30/03/2011)

>   Bảo hiểm cạnh tranh thị phần khách bậc trung (25/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật