Bảo hiểm tiền gửi: Luật để bảo vệ lòng tin
Cần có những chính sách nhằm tạo niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính - ngân hàng như chính sách về bảo hiểm tiền gửi. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ nội hàm của quản lý nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi là gì? Sau khi thành lập, Nhà nước có vai trò gì đối với tổ chức này?
Vấn đề quan trọng nhất để bảo đảm sự phát triển ổn định của Bảo hiểm tiền gửi là xác định địa vị pháp lý và mô hình hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được hình thành từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với cơ chế chính sách dần được định hình bằng các quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng phải tham gia bảo hiểm.
Mô hình hoạt động của Việt Nam là giảm thiểu rủi ro. Trên thế giới còn có các mô hình khác là chuyên chi trả và chi trả với quyền hạn được mở rộng. Đến nay, bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam phát triển được 12 năm, đã chi trả tiền bảo hiểm khi một số quỹ tín dụng nhân dân không có khả năng thanh toán và phải đóng cửa.
Tuy nhiên, với ý nghĩa là một công cụ tài chính, một định chế tài chính đặc biệt góp phần giảm thiểu rủi ro cho thị trường tài chính thì các quy định như hiện nay là chưa đầy đủ. Điều cần làm rõ là mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam nên theo xu hướng nào: độc lập với Chính phủ hay trực thuộc Chính phủ nhưng độc lập với Ngân hàng Nhà nước? Độc lập đến mức độ nào? Mối quan hệ phối hợp chính sách được thực hiện theo cơ chế nào? Những câu hỏi này cần được làm sáng tỏ trong một đạo luật về bảo hiểm tiền gửi.
Phần lớn các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới đều do chính phủ lập ra, song đều có địa vị pháp lý độc lập để trở thành một định chế tài chính bên cạnh hệ thống ngân hàng do ngân hàng trung ương quản lý và giám sát để hỗ trợ người gửi tiền trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi bị phá sản. Số tiền bảo hiểm tiền gửi chi cho người gửi tiền sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định hệ thống ngân hàng và thỏa mãn lòng tin của người gửi tiền khi ngân hàng phá sản.
Nếu bảo hiểm tiền gửi là tổ chức độc lập với Chính phủ, do các tổ chức tín dụng góp vốn thì cơ chế hoạt động và quản trị sẽ do các chủ sở hữu quyết định, phương thức quản trị sẽ tương tự như doanh nghiệp. Nếu bảo hiểm tiền gửi là tổ chức độc lập thuộc Chính phủ, do ngân sách nhà nước cấp vốn (như mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay) thì cần làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý các vấn đề liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính...
Mới đây, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 đã giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định pháp lụât. Song quy định chung chung như vậy chưa thể thực hiện được, vì quản lý nhà nước cần phải được xây dựng cùng với các vấn đề chính sách cụ thể trong Luật Bảo hiểm tiền gửi thì mới có cơ sở pháp lý.
Vấn đề đặt ra là cần làm rõ nội hàm của quản lý nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi là gì? Sau khi thành lập, Nhà nước có vai trò gì đối với tổ chức này? Theo thông lệ quốc tế, thì nhà nước (các cơ quan quản lý nhà nước) có vai trò xây dựng khung pháp lý và giám sát hoạt động của tổ chức này, chứ không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động.
Nhà nước có thể cấp vốn điều lệ cho hoạt động ban đầu của bảo hiểm tiền gửi, nhưng không can thiệp vào việc quản lý, điều hành hoạt động thường xuyên. Các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý, giám sát tổ chức bảo hiểm tiền gửi chủ yếu thông qua các mối liên hệ thường xuyên, trực tiếp về chuyên môn trong quá trình giám sát mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng. Nếu có rủi ro xảy ra, các cơ quan quản lý sẽ phối hợp cùng bảo hiểm tiền gửi giải quyết hậu quả.
Bên cạnh đó, khi các ngân hàng ngày càng có khả năng quản trị cao hơn, nên nghiên cứu chính sách cho phép các ngân hàng đóng phí bảo hiểm hoặc hiệp hội ngân hàng tham gia giám sát hoạt động của bảo hiểm tiền gửi để bảo đảm hoạt động đúng mục đích.
Đồng thời với việc xác định tính độc lập của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cần xác định mô hình quản trị của tổ chức này. Một trong những nguyên tắc quản trị cơ bản của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới là phi lợi nhuận. Số tiền phí bảo hiểm thu được chủ yếu được đầu tư một cách an toàn nhất (như mua trái phiếu chính phủ), để phòng khi rủi ro trong hệ thống ngân hàng.
Ở Việt Nam, vốn của Nhà nước cấp cho bảo hiểm tiền gửi có hạn, phí bảo hiểm thu được cũng không thể đủ để giải quyết hậu quả nếu có ngân hàng phá sản, thì có thể nghiên cứu cho phép bảo hiểm tiền gửi nhận tài trợ của một tổ chức phi lợi nhuận khác mà vẫn bảo đảm tính khách quan, độc lập trong quá trình hoạt động. Việc cho phép các tổ chức góp vốn tham gia quản trị, giám sát sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Khi xây dựng luật bảo hiểm tiền gửi, cần hoàn thiện cơ chế giám sát các tổ chức tín dụng sao cho hiệu quả, tránh trùng lặp. Hiện nay, tổ chức tín dụng đang cùng lúc bị rất nhiều cơ quan thanh tra, giám sát như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Thanh tra, Ủy ban Giám sát tài chính... thì việc xây dựng một cơ chế giám sát liên thông hệ thống ngân hàng giữa các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ và các định chế tài chính như bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là rất cần thiết, không chỉ để xử lý rủi ro, mà còn thu nhập, phân tích, và dự báo kịp thời tình hình, năng lực thực sự của các ngân hàng để có thể bảo vệ người gửi tiền từ xa và toàn diện.
Theo Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi không chỉ để bảo vệ người gửi tiền mà sâu xa hơn là bảo vệ hệ thống tài chính, về lâu dài là ổn định nền kinh tế, chính trị và xã hội, vì xáo trộn về tiền tệ, ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến chính trị, lòng tin của người dân.
Cần lá chắn mới cho rủi ro đồng tiền
Bảo hiểm rủi ro tiền gửi của khách hàng ở các định chế tài chính đã được ghi nhận trong Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) từ cách đây 11 năm, sửa đổi cách đây sáu năm bằng một nghị định và đến nay... không còn phù hợp.
Quy định hiện hành bắt buộc các TCTD và các tổ chức được phép nhận tiền gửi khác phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mức phí bảo hiểm áp dụng như nhau là bằng 0,15%/năm trên tổng số dư tiền gửi bình quân của tổ chức. Mức chi trả tối đa của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) là 50 triệu đồng cho tất cả các tài khoản tiền gửi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm. Có nghĩa dù gửi 50 triệu đồng hay 50 tỉ đồng, thì mức bảo hiểm trả cho rủi ro khi đổ vỡ ngân hàng cũng như nhau, không hơn không kém.
Ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc DIV, cho biết khi Luật TCTD được sửa vào năm 2005, hạn mức bảo hiểm tiền gửi tương đương gần 5 lần GDP bình quân đầu người, nhưng hiện tại chỉ tương đương 2,2 lần. Do đó không bảo vệ tốt quyền lợi cũng như khuyến khích người gửi tiền. Tỷ lệ quỹ bảo hiểm tiền gửi/số dư tiền gửi được bảo hiểm đang thấp dần (từ 1,07% năm 2005 xuống còn 0,84% năm 2009). Quy mô thực tế từ các nguồn khác nhau của quỹ này hiện khoảng 9.000 tỉ đồng.
DIV hiện là một định chế tài chính nhà nước, được ngân sách cấp vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỉ, nay tăng lên 5.000 tỉ đồng), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải đảm bảo an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Theo ông Sơn, hạn chế của DIV là chưa xác định rõ được vị trí của mình trong hệ thống tài chính, chưa xác định rõ mối quan hệ với các cơ quan có chức năng duy trì ổn định tài chính như NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán hay Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Ngọc Lan
|
Minh Khuê
TBKTSG
|