Thứ Ba, 01/03/2011 11:25

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, có luật vẫn khó triển khai

Mặc dù được ghi vào văn bản pháp quy, nhưng việc triển khai bảo hiểm nghề nghiệp tại nhiều lĩnh vực đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Hai trong những vực đó là chứng khoán và kiểm toán.

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Theo Điều 34 Dự thảo Luật, DN kiểm toán có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề của tổ chức mình hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính. Chi phí mua bảo hiểm hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp được tính vào chi phí kinh doanh.

Nhằm chuẩn bị cho việc thực thi Luật, theo tin từ Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), hiện cơ quan này đang phối hợp cùng một số DN tư vấn, môi giới bảo hiểm xây dựng sản phẩm "bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán". Theo bản dự thảo, đối tượng sử dụng sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có thể là từng cá nhân kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán (CTKT); có thể chỉ cho dịch vụ kiểm toán/hoặc chỉ kiểm toán báo cáo tài chính/hoặc tất cả các dịch vụ của CTKT. Mức phí mà công ty bảo hiểm có thể bồi thường từ 1 - 5 tỷ đồng; mức phí mà kiểm toán viên hay CTKT phải chịu nếu xảy ra rủi ro có thể từ 20 - 400 triệu đồng. Từ đó, mức phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán có thể từ 35 - 260 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký VACPA cho biết, để các CTKT tự giác mua bảo hiểm là điều không dễ và phải từ 2 phía Nhà nước và công ty bảo hiểm. Phía cơ quan quản lý cần có những chế tài cụ thể hơn và phía DN bảo hiểm nên đưa ra mức phí hợp lý cùng cách tính dễ hiểu.

Trên thực tế, mặc dù chưa có Luật, nhưng một số DN bảo hiểm nước ngoài đã chào CTKT bảo hiểm nghề nghiệp với mức phí khá cao. Để xây dựng mức phí, các DN bảo hiểm dựa vào nhiều tham số như tổng doanh thu, tổng số kiểm toán viên, quy mô khách hàng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu... Cách tính phí của DN bảo hiểm khá khó hiểu, nên các CTKT không mặn mà.

Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK được ban hành thay thế Nghị định 36/2007/NĐ-CP đã mạnh tay hơn trong việc xử lý CTCK trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên. Theo đó, từ ngày 20/9/2010, CTCK sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và không trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ NĐT. Với yêu cầu CTCK phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty (bồi thường thiệt hại cho bên thứ 3), công ty bảo hiểm sẽ là nơi chi trả những khoản thiệt hại do sơ sót của CTCK và nhân viên CTCK gây ra cho khách hàng. Tuy nhiên, đã 4 tháng qua trôi qua, nhưng theo khảo sát của ĐTCK, đến nay vẫn không có nhiều CTCK tuân thủ quy định này, cho dù hoạt động của CTCK tiềm ẩn nhiều rủi ro như: nhập lệnh sai, tư vấn cho khách hàng không chính xác, đưa ra giá bảo lãnh phát hành không phù hợp dẫn đến đợt phát hành không thành công, không chuyển được lệnh vì đường truyền trục trặc… Những nghiệp vụ này đều thuộc diện CTCK phải mua bảo hiểm.

Nguyên nhân khước từ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không phải chỉ từ bản thân các CTCK, mà từ cả phía nhà cung cấp. Phần lớn các sản phẩm bảo hiểm, nhất là với những sản phẩm đặc thù như bảo hiểm trong lĩnh vực chứng khoán, các DN thường mang từ nước ngoài vào. Trong khi đó, TTCK Việt Nam vẫn sơ khai nên các sản phẩm này không áp dụng được. Các chuyên gia tính phí thường là ở nước ngoài và đánh giá thị trường Việt Nam có độ rủi ro cao, nên đưa ra mức phí bảo hiểm cao, không phù hợp với quy mô và tài chính của CTCK trong nước.

Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Jandine Lloyd Thompson (GLT) là một trong những DN triển khai môi giới dịch vụ bảo hiểm rủi ro trong lĩnh vực chứng khoán tại nhiều thị trường trên thế giới. Đại diện DN này cho biết, sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực chứng khoán trên thế giới có cấu trúc rất phức tạp, nhiều tầng nấc bảo vệ các chủ thể tham gia. Để triển khai các sản phẩm đó đòi hỏi thị trường phát triển ở một trình độ cao. Tại thị trường Việt Nam, tới đây, GLT sẽ triển khai môi giới một số sản phẩm bảo hiểm đơn giản, thuần tuý bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CTCK. Tuy nhiên, trước khi triển khai vẫn cần làm việc cụ thể với UBCK. Chẳng hạn, cần thống nhất cách hiểu về các nghiệp vụ, lĩnh vực phải mua bảo hiểm, phạm vi, điều kiện bảo hiểm…

Theo một chuyên gia bảo hiểm, việc ngồi lại với nhau giữa bên mua và bên bán trước khi ra một sản phẩm bảo hiểm là điều không đơn giản, khi các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế rất chặt chẽ, trong khi thị trường Việt Nam lại có quá nhiều điểm mang tính đặc thù. Các DN bảo hiểm cần "lùi một bước" bằng việc đưa ra mức phí thấp và thực hiện bồi thường một vài vụ để các CTCK thấy được ý nghĩa của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo Việt dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (22/02/2011)

>   Tổ chức bảo hiểm hàng hải phải có vốn trên 300 tỷ đồng (09/02/2011)

>   Ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm lạc quan (01/02/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Tạo áp lực cho chính mình (27/01/2011)

>   Thị trường bảo hiểm: Năm mới đón nhiều sản phẩm mới (18/01/2011)

>   Prudential đầu tư thêm 10 triệu USD vào Việt Nam (18/01/2011)

>   Prudential bị khách 'tố' cho vay nặng lãi (17/01/2011)

>   Đại lý bảo hiểm: “Đoạn trường” tuyển và giữ… (14/01/2011)

>   Bảo hiểm nhân thọ chờ đợi những thay đổi thú vị (11/01/2011)

>   Thị trường bảo hiểm: Bức tranh đa sắc (04/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật