Thứ Ba, 04/01/2011 18:01

Thị trường bảo hiểm: Bức tranh đa sắc

Năm 2010, trong khi các DN bảo hiểm nhân thọ (BHNT) có những bứt phá đáng ngạc nhiên thì nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) vẫn loay hoay với tình trạng lỗ trong kinh doanh bảo hiểm gốc...

Bảo hiểm PNT: Có nỗ lực nhưng…

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm, chỉ có 7 DN bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường giảm trong tổng số 28 DN bảo hiểm đang hoạt động (chưa tính Bảo hiểm Cathay mới gia nhập thị trường). Câu chuyện hạ phí để giành khách vẫn tiếp tục xảy ra ở một số DN bảo hiểm trong nước. Khi chi phí khai thác ngày càng tăng lên và tỷ lệ bồi thường cũng tăng lên tương ứng thì việc lỗ nghiệp vụ là không tránh khỏi.

Ngoài yếu tố về cạnh tranh, không thể phủ nhận nguyên nhân nội tại của các DN bảo hiểm là năng lực quản lý (quản lý nhân sự, phần mềm khai thác bảo hiểm, quản lý chi phí…), năng lực đánh giá rủi ro còn hạn chế, cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các DN bảo hiểm PNT.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành thì tình trạng cạnh tranh hạ phí trong năm 2011 vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng, bởi thị trường bảo hiểm PNT đang trở nên "đất chật, người đông", khi dung lượng thị trường thay đổi không đáng kể mà số lượng nhà cung cấp tăng lên nhanh chóng.

Khi đa số đều đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bằng mọi giá thì một trong các chiêu thức cạnh tranh là hạ phí và mở rộng điều khoản vẫn cứ được sử dụng như một nước cờ đánh đổi.

Các nguyên nhân dẫn đến việc cạnh tranh hạ phí vẫn căng thẳng, bởi quy mô thị trường nhỏ nhưng số lượng DN tham gia quá đông; sản phẩm của các DN không có nhiều khác biệt; thị trường mang tính tập trung, chủ yếu ở các thành phố lớn nên phải cạnh tranh trực diện. Ngoài ra, tại một số DN, do chất lượng dịch vụ kém nên tỷ lệ khách hàng trung thành thấp và chiêu lôi kéo khách hàng mới bằng phí vẫn được tái sử dụng…

Điểm sáng

Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một số thay đổi mạnh mẽ của các DN bảo hiểm PNT, đó là việc các DN đều đang cố gắng cải thiện công tác dịch vụ để duy trì và thu hút thêm khách hàng. Hoạt động phát triển kênh thương mại điện tử có lẽ là một bước tiến mới quan trọng nhất trong năm 2010 của các DN thuộc khối này với các gương mặt như Bảo Việt, Bảo Minh, Liberty, BIC…

Với thực trạng đó, cơ cấu lợi nhuận của các DN bảo hiểm PNT trong năm 2010 vẫn "chân ngoài dài hơn chân trong", dù nhiều DN đã đặt quyết tâm không lỗ nghiệp vụ bảo hiểm. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành chia sẻ rằng, một trong các chức năng của bảo hiểm là đầu tư trở lại nền kinh tế. Với khoản phí bảo hiểm thu được, các DN bảo hiểm sẽ dùng để đầu tư tăng lợi nhuận. Vì vậy, cũng không có gì đáng lo ngại nếu lợi nhuận của các DN bảo hiểm đến chủ yếu từ hoạt động đầu tư tài chính. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào chiến lược của các DN bảo hiểm để có sự ưu tiên hợp lý. Có thể đối với một số DN, một số giai đoạn, chỉ cần doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm hòa vốn là được.

"Đây là đặc thù của ngành bảo hiểm. Bảo hiểm được coi như 'ngân hàng' cung cấp vốn cho hoạt động đầu tư với chi phí huy động vốn bằng 0, vì bảo hiểm thu tiền của khách hàng trước, chi phí chi sau. Với lợi thế đó thì bảo hiểm chỉ cần hoà vốn (theo thông lệ quốc tế), thậm chí lỗ để thu hút khách hàng, còn lại lợi nhuận sẽ do hoạt động đầu tư mang lại", đại diện một DN bảo hiểm PNT chia sẻ.

Dù vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để thị trường thực sự cạnh tranh lành mạnh với những dịch vụ chuẩn và còn nhiều khó khăn từ nhân tố khách quan của nền kinh tế, nhưng trong báo cáo quý IV/2010, Business Monitor International (BMI) dự báo, thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam sẽ tăng trưởng kép với tỷ lệ bình quân 17%/năm trong giai đoạn 2009 - 2014.

Đại diện nhiều DN bảo hiểm PNT cũng chia sẻ cái nhìn lạc quan về tiềm năng của thị trường, đồng thời cho rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam có thể sẽ cao hơn cả dự báo này. Bởi năm 2011 có nhiều yếu tố mới hỗ hợ phát triển.

Điển hình là Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được áp dụng, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng và gây áp lực để các DN bảo hiểm phải tự cải tổ và đi vào cạnh tranh bằng chất lượng.

BHNT: Bội thu hợp đồng mệnh giá khủng

Năm 2010, thị trường BHNT lại đón nhận thêm một nhân tố mới là Công ty BHNT Fubon - đưa tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực này lên con số 12. Dù thêm "tân binh" nhưng phân khúc BHNT vẫn được cho là còn nhiều dư địa. Nhìn lại năm qua, mặc dù có những biến động lớn về giá vàng, ngoại tệ, lạm phát…, nhưng BHNT vẫn vượt qua khó khăn với mức tăng trưởng 15%.

Năm qua cũng là năm "bùng nổ" các sản phẩm BHNT dành cho từng nhóm khách hàng khác nhau và các dịch vụ chăm sóc "thượng đế" của DN. AIA Việt Nam tung ra chương trình kiểm tra sức khỏe tài chính chuyên sâu dành cho các khách hàng tại TP. HCM và Hà Nội.

Ngoài việc đã đầu tư rất lớn vào các hoạt động nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng như: ký kết hợp tác với các đối tác ngân hàng, bưu điện cung cấp dịch vụ thu phí, dịch vụ bảo hiểm thuận tiện hơn, triển khai mô hình đại lý thu phí tại nhà ở một số địa phương…, Prudential cũng có một năm tất bật với chương trình "Sức mạnh của sự lắng nghe"… Korea Life ngoài việc ra mắt Cổng thông tin hỗ trợ tư vấn tài chính, còn triển khai dịch vụ nhắn tin SMS giúp khách hàng theo dõi tình trạng hợp đồng…

Để mang lại sự thuận tiện, GELV đã cung cấp dịch vụ khám thẩm định tại nhà khách hàng. Cổng thông tin khách hàng và việc đa dạng hóa các kênh thu phí đem lại sự tiện lợi cho khách hàng cũng đang được DN này hoàn thiện.

Về sản phẩm bảo hiểm, ACE Life tung ra thị trường sản phẩm "Bảo hiểm tai nạn toàn cầu", đây là sản phẩm đầu tiên của một công ty BHNT triển khai trên thị trường với tính chất là sản phẩm bảo hiểm chính. AIA Việt Nam cho ra mắt "Bảo hiểm tai nạn xe gắn máy" với mức phí khá rẻ và được phát hành dưới dạng Giấy chứng nhận bảo hiểm. Trong khi đó, Prudential Việt Nam lại lần đầu bước chân vào lĩnh vực bảo hiểm nhóm với "Phú - Bảo nghiệp"...

Khi nhận thức của người dân về bảo hiểm được nâng cao thì giá trị hợp đồng bảo hiểm đã được khách hàng ký kết với các công ty bảo hiểm cũng tăng rất nhanh.

ACE Life hiện đang dẫn đầu ngành BHNT Viêt Nam về số tiền bảo hiểm bình quân trên một hợp đồng. Tính đến cuối tháng 11/2010, số lượng hợp đồng có số tiền bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên của công ty này là 9.685 hợp đồng. Số lượng hợp đồng có số tiền bảo hiểm từ 10 tỷ đồng trở lên là 22 hợp đồng.

Hợp đồng có số tiền bảo hiểm cao nhất của ACE Life tính đến thời điểm này là 50 tỷ đồng. Năm 2010, DN này cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 10 tỷ đồng cho một khách hàng ở An Giang. Số lượng hợp đồng có số tiền bảo hiểm trên 1 tỷ đồng của AIA Việt Nam là hơn 4.000 hợp đồng; hợp đồng trên 10 tỷ đồng là hơn 20 hợp đồng.

Dù mới vào thị trường, nhưng Korea Life cũng có được 173 hợp đồng mệnh giá trên 1 tỷ đồng và đang chờ thẩm định khoảng 100 hợp đồng với mệnh giá trên 1 tỷ đồng nữa…

Gặp nhiều thuận lợi về thị trường và khách hàng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của các công ty BHNT là việc tuyển dụng và giữ chân đại lý.

Một điểm nữa khiến các công ty bảo hiểm đau đầu là tỷ lệ khách hàng đóng phí tái tục sau khi mua bảo hiểm liên kết chung là khá thấp.

Do đó, một số công ty đang tăng trưởng về doanh thu phí mới rất cao nhưng tổng doanh thu phí thì tăng khá chậm. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các giả định của DN về dòng tiền (cash flow) và tỷ suất lợi nhuận.

Tuy nhiên, tất cả các vấn đề này đều đang được các công ty BHNT tìm biện pháp giải quyết và theo dự báo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường BHNT năm 2011 vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 18%.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thị trường bảo hiểm nhân thọ, cơ hội nào cho người đến sau? (30/12/2010)

>   Thị trường bảo hiểm: Ngoại lấn át nội (28/12/2010)

>   Thêm một công ty bảo hiểm vào VN (24/12/2010)

>   Cơ hội thị trường dưới góc nhìn của các CEO ngành bảo hiểm (23/12/2010)

>   Thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (15/12/2010)

>   “Chây lỳ” nợ bảo hiểm (14/12/2010)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài (08/12/2010)

>   Đau đầu với đại lý bảo hiểm (06/12/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: “Chuông kêu xứ người”! (02/12/2010)

>   Sửa luật, có “kích” được thị trường bảo hiểm? (01/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật