Thứ Năm, 02/12/2010 10:45

Bảo hiểm phi nhân thọ: “Chuông kêu xứ người”!

Trong thời gian qua, kết quả kinh doanh khá ấn tượng của các DN bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài đã phần nào xóa bỏ những hoài nghi về hiệu quả của việc “đem chuông đi đánh xứ người” trong khi bỏ ngỏ thị trường trong nước.

Hai câu chuyện thành công

Tại kỳ họp HĐQT lần thứ 3 của Công ty Bảo hiểm Cambodia - Việt Nam (CVI) vào tháng 7/2010, các mục tiêu được đặt ra gồm: năm 2010 tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt tối thiểu 1 triệu USD, bắt đầu có lợi nhuận; từ năm 2012 phấn đấu đạt 4% thị phần. Nhưng thực tế, đến tháng 9/2010 CVI đã đạt 4% thị phần; tổng doanh thu (tính đến 31/10/2010) đạt 1.100.899 USD; tỷ lệ bồi thường trên mức giữ lại 0,34% so với chỉ tiêu năm 2010 là 20%; đã gây dựng được quan hệ và ký kết nhiều hợp đồng bảo hiểm với các khách hàng lớn như: Cambodia AngkorAir, Helistar, Canadia Bank, Dayen Construction, Five Star Fertilizer, B.K.E, Huyndai, Sun Well Shoes, Yi Xiang Garment…

Lĩnh vực ngân hàng và hàng không được CVI đặc biệt quan tâm, qua đó, DN này có được mối quan hệ với những khách hàng lớn, các “đại gia” tại thị trường Campuchia. Tới nay, các hợp đồng bảo hiểm trong các lĩnh vực hàng không, xe cơ giới, hàng hóa đang chiếm hơn 90% tổng doanh thu phí bảo hiểm của CVI, những khách hàng đáng chú ý phải kể đến là Cambodia Angkor Air, Canadia Bank, BIDC, Huyndai…  Tuy ra đời sau nhưng CVI đã bắt đầu được khách hàng và thị trường chú ý đến bởi các yếu tố: là công ty dẫn đầu thị trường về doanh thu bảo hiểm hàng không; đã và đang cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho nhiều thương hiệu lớn (Cambodia AngkorAir, Canadia Bank, Helistar, Dayen Construction, Huyndai…).

Trong cuộc họp HĐQT lần thứ 6 của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt (LVI) tại Nha Trang, Việt Nam tháng 7 vừa qua, kết quả kinh doanh khả quan của LVI trong 6 tháng đầu năm 2010 cũng khẳng định hướng đi đúng của liên doanh này: tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 952.609 USD, hoàn thành 53% kế hoạch cả năm; tỷ lệ bồi thường 27,7%, thấp hơn mức mục tiêu được giao; tỷ trọng doanh thu qua kênh đại lý đã tăng lên 56%. Chiến lược của LVI là tập trung vào phân khúc thị trường bán lẻ - thị trường rất tiềm năng tại Lào. Đáng chú ý, tháng 6/2010 là tháng đầu tiên LVI có lãi sau gần 2 năm thành lập.

Hiện LVI đang cung cấp trên 30 loại hình bảo hiểm với các sản phẩm chính như: bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm tiền, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa… Trong đó, có những dự án bảo hiểm cho các dự án lớn như Dự án xây dựng đường 2E; Dự án xây dựng cầu Hữu Nghị IV; Tòa nhà và thiết bị của Khách sạn LanXang…

Tiềm năng

Thực tế, khi mới bước chân vào thị trường Lào 2 năm trước, LVI - Liên doanh giữa Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB) và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), đã có những lúc phải đứng trước lựa chọn tồn tại hay giải thể, bởi mô hình kinh doanh ban đầu đi chệch hướng. Lào đang áp dụng mô hình bảo hiểm của các nước tiên tiến và tiến bộ hơn Việt Nam khoảng 10 năm trong lĩnh vực này. Ví dụ như, ngoài những thủ tục để đại lý bảo hiểm có thể hoạt động được như tại Việt Nam, đại lý bảo hiểm tại Lào còn phải tiến hành đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, phải có trụ sở, làm con dấu… Chính các thủ tục này đã khiến các đại lý hoạt động tại thị trường bảo hiểm của Lào có được những ưu điểm hơn so với đại lý tại Việt Nam, như tính pháp lý cao nên tạo được sự tin tưởng của khách hàng, giúp đại lý gắn bó với công ty bảo hiểm, đại lý có thể chủ động tiến hành các thủ tục nộp thuế thu nhập...

Đại diện CVI cũng chia sẻ, những khác biệt về ngôn ngữ và đặc biệt là tập quán, thị hiếu, thói quen tiêu dùng cũng là những rào cản lớn. Campuchia là một thị trường hoàn toàn mới, cả về thị trường và hệ thống thủ tục, pháp lý, ngôn ngữ, văn hóa, nên những bước khởi đầu, CVI gặp không ít gian nan.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bảo hiểm Campuchia, theo đại diện CVI, sắp tới đây có thể là một điểm nóng đầu tư vì 3 lý do. Thứ nhất, USD được sử dụng phổ biến ở nước này, cho phép các hãng bảo hiểm chuyển nguồn thu phí về nước mà không phải chuyển đổi. Thứ hai, Campuchia là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và sự góp mặt của các hãng bảo hiểm quốc tế lớn vẫn còn mờ nhạt. Thứ ba, không có sự khống chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành dịch vụ tài chính ở Campuchia, nên sự gia nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường này tương đối dễ dàng.

Trong kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn 2010 – 2014, LVI định hướng trở thành DN bảo hiểm chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu quả tại thị trường Lào; tập trung vào thị trường bán lẻ thông qua việc thiết kế sản phẩm và hệ thống kênh phân phối phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu là cá nhân và các DN vừa và nhỏ. Mục tiêu trong giai đoạn này là vươn lên đứng thứ 2 tại thị trường Lào về thị phần.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sửa luật, có “kích” được thị trường bảo hiểm? (01/12/2010)

>   Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (30/11/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Cạnh tranh đã đến mức báo động (29/11/2010)

>   Bảo Việt hợp tác với Ngân hàng Shinsei (25/11/2010)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: “Ngấm đòn” suy thoái? (25/11/2010)

>   Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, khi nào cần? (24/11/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “tung hàng” dịp cuối năm  (20/11/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Nhiều DN “vỡ kế hoạch”! (18/11/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: Năm thành công đến sớm (16/11/2010)

>   Hợp tác xã bảo hiểm, tại sao không? (13/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật