Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: “Ngấm đòn” suy thoái?
Tổng doanh thu bảo hiểm gốc toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 12.417 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2009.
Đây là mức tăng trưởng không cao so với các năm trước. Trong số 28 DN bảo hiểm PNT đang hoạt động, 22 DN có tăng trưởng so với cùng kỳ 2009, phần lớn đều là các DN mới thành lập, quy mô doanh thu khá nhỏ như: MSIG (297%), ACE (153%), Hùng Vương (137%), Bảo Ngân (125%), SVIC (106%). Trong Top 4 DN dẫn đầu, PVI có tốc độ tăng trưởng khá nhất, 35,7%; tiếp đến là PJICO, 24%; Bảo Việt, 13%; Bảo Minh, 12%...
Chuyển dịch miếng bánh thị phần
Cùng với việc số lượng DN bảo hiểm gia nhập thị trường ngày càng tăng và sự lớn dần của các DN bảo hiểm trong ngành như VNI, MIC… thị phần giữa các DN đã có sự chuyển dịch. Top 4 công ty dẫn đầu thị trường đã giảm thị phần từ 70% năm 2009 xuống còn 68%. Khối công ty top 5-10 đang chiếm 15,6% thị phần. Như vậy, tính từ năm 2006 đến tháng 9/2010, thị phần của nhóm 2 tăng thêm khoảng 4% trong khi thị phần của Top 4 giảm 18%, từ 86% xuống 68%. Việc các công ty dẫn đầu thị trường phải chia sẻ thị phần chủ yếu do sự xuất hiện của các công ty bảo hiểm mới như VNI (chiếm lĩnh thị trường hàng không), SVIC (chiếm lĩnh thị trường than), MIC (chiếm lĩnh thị trường trong ngành quân đội), BIC (khai thác nguồn khách hàng của BIDV)…
Với kết quả 9 tháng đầu năm, Bảo Việt trở lại ngôi đầu với thị phần 24%, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2009. Sau khi tạm soán ngôi đầu của Bảo Việt trong 6 tháng đầu năm, với doanh thu quý III tăng trưởng chậm hơn 2 quý trước, PVI hiện đang xếp ở vị trí thứ 2, chiếm 23% thị phần, tăng 1,4%. Bảo Minh vẫn giữ vững vị trí thứ 3 với 12,2% thị phần. Tương tự như Bảo Việt, thị phần của Bảo Minh cũng đang giảm dần, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng trưởng doanh thu có xu hướng chậm lại. PJICO xếp ngay sau Bảo Minh với thị phần 9%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2009.
Đáng chú ý, với lợi thế đặc biệt về mạng bảo hiểm hàng không nên dù mới đi vào hoạt động nhưng VNI nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao (trên 60% so với cùng kỳ 2009), VNI vượt 4 bậc so với năm 2009 và hiện đang xếp vị trí thứ 7 thị trường với 334 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, ngay sát sau BIC.
Đau đầu bài toán cuối năm
Thị trường bảo hiểm 9 tháng đầu năm được đánh giá là khá khó khăn đối với các DN bảo hiểm trong khối phi nhân thọ. Một trong các nguyên nhân giải thích điều này là các DN sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam thời gian qua luôn ở mức cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế chậm trong 9 tháng đầu năm, chỉ tăng 17,8% so với cùng kỳ 2009. Kết quả, sự gia tăng tài sản của nền kinh tế chậm lại đã khiến cho nhu cầu bảo hiểm của người dân và DN cũng giảm theo, dẫn tới doanh thu bảo hiểm gốc của các DN bảo hiểm tăng chậm và có xu hướng giảm.
Bên cạnh những tác động khách quan, cũng có những nguyên nhân chủ quan từ phía DN bảo hiểm như: kém năng động trong dự báo và hành động trước các thông tin vĩ mô; xử lý bồi thường và dịch vụ khách hàng còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ tái tục hợp đồng thấp; cạnh tranh hạ phí dẫn đến doanh thu bình quân/01 hợp đồng giảm; công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới còn hạn chế nên chưa khai thác triệt để tiềm năng của thị trường; việc phát triển kênh phân phối mới chậm chạp, chủ yếu dựa vào kênh truyền thống… Thêm vào đó, thị trường chứng khoán biến động và liên tục suy giảm, ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới lợi nhuận của các DN. Hầu hết các DN đều đầu tư chứng khoán, trừ ABIC và VNI.
Mặc dù theo dự báo, nền kinh tế trong quý IV sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao nhưng các chuyên gia dự đoán thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc toàn thị trường cả năm 2010 sẽ vào khoảng 26-28%. Tuy nhiên, lợi nhuận của các DN bảo hiểm năm 2010 rất có thể không được đảm bảo do: tình hình thời tiết các tháng cuối năm 2010 sẽ còn diễn biến thất thường; bão xảy ra với tần suất và cường độ lớn (đặc biệt là ở khu vực các tỉnh miền Trung), gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình là hai trận lũ liền kề xảy ra ở 04 tỉnh miền Trung hồi tháng 10, khiến các DN bảo hiểm đã phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù thiệt hại… Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính của các DN bảo hiểm cũng đang phải chịu tác động xấu từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian qua.
Mặc dù vậy, một số DN bảo hiểm vẫn công bố quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2010 và đang triển khai các chương trình thi đua tạo động lực, khuyến khích nội bộ với các giải thưởng hấp dẫn bằng tiền, các chuyến đi du lịch nước ngoài để tăng cường khai thác thị trường và tăng doanh thu.
Gia Linh
Đầu tư chứng khoán
|