Cải cách bảo hiểm tiền gửi: Xu hướng tất yếu
Báo cáo của Diễn đàn ổn định tài chính về tăng cường khả năng phục hồi của thị trường và các tổ chức nhận định: Diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế gần đây cho thấy tầm quan trọng của các cơ chế bảo vệ người gửi tiền. Ở nước nào có hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) hiệu quả, nước đó nhanh chóng khắc phục hậu quả của khủng hoảng...
Xu hướng xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả
Nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) hợp tác xây dựng “Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả”. Đây là sự tổng kết thực tiễn và lý luận về hoạt động BHTG, được xem là gợi ý tốt để các nhà hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình hoàn thiện hệ thống BHTG, hướng tới thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
18 nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh khác nhau của các nước với sự xem xét kỹ lưỡng những đặc điểm của tổ chức mạng an toàn tài chính. Các cơ quan chức năng của mỗi nước có thể áp dụng các biện pháp bổ sung cần thiết để phát triển hoạt động BHTG hiệu quả trong môi trường pháp lý hiện tại của nước đó.
Trong 18 nguyên tắc, ông David Walker - Vụ trưởng Vụ Chính sách bảo hiểm và hợp tác quốc tế, Tổng công ty BHTG Canada, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu hướng dẫn của IADI và hiện là đồng chủ trì Nhóm hướng dẫn chịu trách nhiệm phát triển phương pháp đánh giá tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hệ thống BHTG hiệu quả - đặc biệt nhấn mạnh một số nguyên tắc cốt lõi Mục tiêu chính sách công; Quyền hạn; Quản trị; Mối quan hệ với các thành viên mạng an toàn tài chính; Phát hiện sớm, can thiệp xử lý kịp thời và Quy trình xử lý đổ vỡ hiệu quả.
Một số vấn đề cần cải cách ở Việt Nam
Riêng đối với Việt Nam, ông David Walker đánh giá, hệ thống BHTG nước ta có những tuân thủ nhất định đối với các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả. Tuy nhiên, ông David Walker cho rằng, có một số vấn đề cần cải tiến thêm. Trước hết, đó là hệ thống luật pháp về BHTG cần phải cụ thể, đặc biệt, Luật BHTG cần được thiết kế theo hướng bảo vệ tốt nhất người gửi tiền. Thứ hai, sự phối hợp giữa BHTG với các cơ quan giám sát khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần được quy định rõ. Thứ ba, cần có cơ chế xử lý đổ vỡ ngân hàng hiệu quả, phù hợp với thực tế hiện nay là hệ thống ngân hàng đang phát triển nhanh, mạnh nhưng đi kèm với đó là những bất ổn trong kiểm soát rủi ro.
Từ thực trạng hoạt động BHTG nước ta, TS. Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng giám đốc BHTG Việt Nam so sánh: Về tiềm lực tài chính, theo thông lệ quốc tế, để có thể đối phó với rủi ro tối thiểu thì tổ chức BHTG phải có quỹ tối thiểu từ 3-5% tổng số tiền gửi được bảo hiểm. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt 1%. Ông Dũng cũng cho rằng, tổ chức BHTG ở Việt Nam cần được trao quyền hạn cần thiết để có thể thực hiện chức năng cảnh báo sớm và can thiệp, xử lý kịp thời đối với những tổ chức tham gia BHTG “có vấn đề” để phòng ngừa tốt rủi ro. Mặt khác, theo ông Dũng, ở Việt Nam, nhiều người chưa rõ khái niệm Mạng an toàn tài chính quốc gia (gồm 4 cơ quan: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và BHTG - cần quy định rõ mối quan hệ, quyền hạn, trách nhiệm, đặc biệt là cơ chế chia sẻ thông tin giám sát giữa các cơ quan này).
Về vị trí độc lập của cơ quan BHTG, theo ông Dũng, đây là sự độc lập tương đối về nghiệp vụ, cơ chế để tổ chức này thực hiện tốt nhất chức năng bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Còn khi triển khai các chức năng, nhiệm vụ ấy, tổ chức BHTG lại phụ thuộc rất nhiều vào các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính, chẳng hạn như phân chia trách nhiệm, chia sẻ thông tin…
BHTG là nghiệp vụ vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, kinh nghiệm quốc tế là quan trọng để cải cách và phát triển hệ thống BHTG hiệu quả ở nước ta, đảm bảo việc xây dựng Luật BHTG đúng nghị trình và chất lượng Quốc hội đề ra.
Mai Hương
Đầu tư chứng khoán
|