Thứ Năm, 21/10/2010 23:05

Đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk và Trà Vinh thảo luận tổ.

Chiều 21/10, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các vấn đề về loại hình bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, điều kiện cấp phép, trích lập quỹ, thanh tra chuyên ngành bảo hiểm...

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với các luật có liên quan.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật vì chưa huy động được tiềm năng, thế mạnh của loại hình này. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung còn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định, bền vững và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Theo các đại biểu, Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước, công ty cổ phần bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tương hỗ, doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động dưới các hình thức là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định về các loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với Luật doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh và một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định Hợp tác xã kinh doanh bảo hiểm vào trong dự thảo Luật vì hợp tác xã cũng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và có những quy định cụ thể cho đối tượng này.

Các đại biểu đề nghị có yêu cầu bắt buộc về năng lực tài chính để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với những điều kiện, tiêu chí bắt buộc, bởi c ũng như hoạt động ngân hàng, chứng khoán, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động đặc thù trong lĩnh vực tài chính, cần phải có những yêu cầu bắt buộc về năng lực tài chính đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể, chi tiết, ngay trong dự thảo Luật về điều kiện về tổng tài sản, số năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ góp vốn của thể nhân, pháp nhân, không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm... hoặc quy định rõ ràng hơn thế nào là bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp.

Cho ý kiến vào quy định về đại lý bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cho rằng, đại lý bảo hiểm là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, nếu đại lý hoạt động khi chưa đủ điều kiện, không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến rủi ro cho khách hàng. Thực tế cho thấy, nhiều đại lý chưa qua đào tạo hoặc chất lượng đào tạo không bảo đảm nhưng vẫn làm đại lý bảo hiểm.

Quy định như luật hiện hành là phải có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cấp là chưa thật chặt chẽ. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể điều kiện để đại lý bảo hiểm hoạt động và có chế tài cụ thể đối với hoạt động này.

Về quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số đại biểu cho rằng việc doanh nghiệp bảo hiểm trích lập quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính.

Tuy nhiên, Luật cần quy định cụ thể nguyên tắc về tỷ lệ trích lập, cách thức quản lý và sử dụng quỹ. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc thành lập quỹ trong khi hiện nay đang có nhiều loại quỹ, nhưng chưa có tổng kết hoạt động quỹ.

Theo các đại biểu, vấn đề là ở chỗ không phải là quỹ có bao nhiêu tiền mà là pháp nhân của nó. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, cần đặt vấn đề ai quản lý quỹ, nếu công ty kinh doanh bảo hiểm đó quản lý thì việc lập quỹ là vô ích. Một số đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về quyền lợi của người đóng bảo hiểm.../.

Nguyễn Bích Thủy

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm dồn dập “bắt tay” ngân hàng bán bảo hiểm ôtô (19/10/2010)

>   Mối quan hệ giữa BH gián đoạn kinh doanh và BH tài sản (15/10/2010)

>   BHTG Việt Nam kiểm tra giám sát những gì? (11/10/2010)

>   DN bảo hiểm chạy đua giữ khách  (09/10/2010)

>   Bảo hiểm nội bộ: Tại sao không? (01/10/2010)

>   Mô hình bảo hiểm nội bộ nên được giữ lại (29/09/2010)

>   Bảo hiểm xe cơ giới: Thấy gì từ những con số? (24/09/2010)

>   Bảo hiểm vi mô, khó nhiều bề! (23/09/2010)

>   Thị trường tái bảo hiểm bắt đầu sôi động (17/09/2010)

>   Bảo hiểm trực tuyến: Việt Nam không nằm ngoài xu hướng thế giới (15/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật