Thứ Tư, 27/10/2010 17:40

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH). Các ý kiến tập trung thảo luận về việc thành lập quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm, bảo hiểm nội ngành, cũng như yêu cầu cần quy định cụ thể hơn nhiều nội dung trong Luật, thay vì để Chính phủ hướng dẫn thi hành. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến phát biểu tại hội trường.

* Ngăn chặn khép kín dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội )

Luật KDBH ra đời đã xây dựng thị trường bảo hiểm đa dạng, phong phú, cạnh tranh quyết liệt. Sau 10 năm, Luật được sửa đổi bổ sung, nhằm thực hiện cam kết quốc tế và thống nhất Luật KDBH với một một số luật ban hành sau.

Tôi nhận thấy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KDBH là điển hình về luật quy định hình thức pháp lý, còn nội dung thì Chính phủ quy định. Có nhiều vấn đề thực hiện sẽ do nghị định của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Do đó, Luật cần xây dựng nội dung hoặc chí ít là các nguyên tắc cho việc triển khai. Tôi cho rằng, các công ty bảo hiểm thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong ngành bảo hiểm.

ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)

Việc trích lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm là cần thiết, để khi DN bảo hiểm không còn khả năng thanh toán vẫn có nguồn để bù đắp. Tuy nhiên, có một số điểm không đồng nhất giữa Dự thảo luật và Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Luật sửa đổi quy định DN KDBH phải trích lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm, nhưng chưa quy định cơ chế quản lý ra sao. Dự thảo nghị định quy định, Bộ Tài chính được chỉ định là đơn vị quản lý, nhưng DN bảo hiểm phải đóng phí như thế nào, thời gian đóng góp bao lâu. Hiện chỉ quy định chung chung Bộ Tài chính có thể quyết định dừng đóng khi quỹ đủ lớn, nhưng cần quy định cụ thể thế nào là đủ lớn?

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội)

Tôi đồng tình với việc sửa đổi cho phép dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, nhưng cần quy định cụ thể về thuế nhà thầu để tránh đánh thuế hai lần. Luật quy định bảo hiểm bắt buộc như cháy nổ, trách nhiệm dân sự, nhưng không có quy định mức mua tối thiểu là bao nhiêu và chế tài ra sao sẽ khó cho việc thực hiện. Về điều kiện cấp phép cho DN bảo hiểm cần cụ thể hơn, tương tự như ngân hàng, vì bảo hiểm rất rủi ro nên cần  quy định rõ về năng lực tài chính, điều kiện thành lập... Về trích lập quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm là cần thiết, nhưng cần quy định cụ thể là nộp bao nhiêu, cách nộp ra sao. Về phí môi giới, theo quy định hiện hành, công ty bảo hiểm chỉ được thanh toán phí cho công ty môi giới bảo hiểm là 15%, nhưng nên để các công ty môi giới và DN bảo hiểm tự tính toán và đưa ra mức phí đó cho hợp lý.

ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An)

Dự thảo luật bổ sung chức năng giám sát trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, quản lý nhà nước hiện nay đang sử dụng hai công cụ quan trọng là thanh tra và kiểm tra, bây giờ thêm giám sát thì nó có vị trí pháp lý thế nào, hoạt động theo cơ chế ra sao… Thực tiễn pháp luật đã có quy định về giám sát ở các cơ quan dân cử. Như vậy, giám sát mà Dự thảo luật này quy định có khác với giám sát của các cơ quan dân cử hay không?

Theo dự thảo, khi DN bảo hiểm thay đổi chuyên gia tính toán và muốn đầu tư ra nước ngoài phải có sự đồng ý của Bộ Tài chính. Trong bối cảnh cần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, việc đầu tư của DN bảo hiểm cũng như các DN khác ra nước ngoài đã được quy định trong Luật Đầu tư, nếu quy định thêm một thủ tục xin - cho liệu có cần thiết không? Về vấn đề chuyên gia tính toán cũng như vậy. Sau 10 năm Luật đi vào hoạt động cần đánh giá việc sử dụng chuyên gia tính phí ra sao, có trở ngại gì hay không. Có nhất thiết khi thay đổi chuyên gia tính toán cần phải có sự đồng ý của Bộ Tài chính.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam)

Hiện nhiều ngành, tập đoàn, tổng công ty đã thành lập công ty bảo hiểm cung cấp cho dịch vụ cho DN nội ngành. Do đó, cần đánh giá việc các DN này hiện hoạt động ra sao. Đây là vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ. Một số DN đi đêm, hợp tác nâng phí bảo hiểm gây thiệt hại cho khách hàng, do đó Điều 10, Dự thảo luật nên quy định thêm: cấm DN bảo hiểm thông đồng nâng phí bảo hiểm.

Về việc lập quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi kinh doanh bảo hiểm, DN bảo hiểm phải có trách nhiệm đảm bảo cho người mua bảo hiểm. Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm cần chung với quỹ dự phòng đã có hiện nay, chứ không nên thành lập mới.

Đông Hải lược ghi.

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngăn chặn khép kín dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành (26/10/2010)

>   Bảo hiểm nhóm: “Món ăn phụ” (25/10/2010)

>   Chứng chỉ đại lý bảo hiểm: Người bảo tốt, kẻ nói không! (22/10/2010)

>   Đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm (21/10/2010)

>   Bảo hiểm dồn dập “bắt tay” ngân hàng bán bảo hiểm ôtô (19/10/2010)

>   Mối quan hệ giữa BH gián đoạn kinh doanh và BH tài sản (15/10/2010)

>   BHTG Việt Nam kiểm tra giám sát những gì? (11/10/2010)

>   DN bảo hiểm chạy đua giữ khách  (09/10/2010)

>   Bảo hiểm nội bộ: Tại sao không? (01/10/2010)

>   Mô hình bảo hiểm nội bộ nên được giữ lại (29/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật