Chứng chỉ đại lý bảo hiểm: Người bảo tốt, kẻ nói không!
Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được đưa ra lấy ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đang diễn ra. Một trong nhiều nội dung sửa đổi là yêu cầu người làm đại lý bảo hiểm phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Quy định này đang gây ra những quan điểm trái chiều...
Điểm c, Khoản 1, Điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định: một trong những điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm là phải có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cấp. Điểm C, Khoản 10, Điều 59 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, đại lý bảo hiểm phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm, đồng thời bổ sung nội dung Bộ Tài chính quy định về chương trình, nội dung và hình thức đào tạo, phối hợp với AVI trong việc tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 6/2010, tổng số lượng đại lý bảo hiểm có mặt trên thị trường là 146.946 người, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Các DN có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 76.195 người, Bảo Việt Nhân thọ với 19.609 người, Dai-ichi Life Việt Nam 14.480 người. Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2010 là 46.185 người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DNBH có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential, AIA Việt Nam và Dai-ichi Life Việt Nam.
Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
|
Theo giải trình của Bộ Tài chính, sở dĩ phải có nội dung trên là do quy định hiện hành chưa thật chặt chẽ. Thực tế cho thấy, nhiều đại lý chưa qua đào tạo hoặc chất lượng đào tạo không bảo đảm, nhưng vẫn làm đại lý bảo hiểm. Theo thông lệ quốc tế, các tổ chức, DNBH nếu có cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên phù hợp đều có thể tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, việc phê chuẩn nội dung chương trình đào tạo, tổ chức thi đại lý bảo hiểm phải là cơ quan quản lý bảo hiểm thực hiện và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI cho rằng, việc chứng chỉ đào tạo chuyển thành chứng chỉ hành nghề như dự thảo Luật sửa đổi sẽ gây ra hai bất cập với người mua bảo hiểm và DN bán bảo hiểm. Theo ông Lộc, ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa người làm đại lý bảo hiểm và người làm chứng khoán, đại lý nhận lệnh chứng khoán - vốn phải chịu trách nhiệm chính với khách hàng. Đại lý bảo hiểm chỉ là cánh tay nối dài phân phối sản phẩm bảo hiểm. Do đó, hợp đồng giữa DNBH và các đại lý chỉ là hợp đồng ủy quyền. Định nghĩa trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hiểm cũng nói rõ, DNBH ủy quyền cho đại lý bảo hiểm làm một số công việc nhất định (giới thiệu khách hàng, tính phí...), từ đó được hưởng hoa hồng, tùy theo sự tin tưởng và từng loại sản phẩm mà đại lý tham gia đến đâu.
"Bây giờ coi đại lý bảo hiểm là một nghề và cấp chứng chỉ hành nghề cho họ thì nghề đại lý là nghề độc lập. Như vậy, đại lý bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về chính nghề đại lý của mình. Nếu làm sai, khách hàng không nhận được khoản bồi thường bảo hiểm thì đại lý sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Lộc nói.
Việc các cá nhân phải chịu trách nhiệm đối với những khoản bồi thường bảo hiểm rất lớn là điều không thể thực hiện được. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành buộc DN phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, còn xử lý đại lý ra sao là trách nhiệm của DNBH. Quy định như cũ sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho khách hàng.
Bất cập thứ hai theo ông Lộc, nếu coi đại lý là một nghề thì các đại lý sẽ tự đưa ra mức hoa hồng và Nhà nước không thể khống chế được. Trong khi đó, tiền công cung cấp dịch vụ đại lý sẽ là sự thỏa thuận giữa đại lý và DN theo thị trường. Điều này cũng gây khó khăn cho DN, bởi nhân sự đại lý bảo hiểm hiện nay rất khó khăn.
Cũng băn khoăn về quy định trên, ông Bùi Viết Song, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin cho rằng, nếu coi đại lý bảo hiểm là một nghề và muốn hành nghề thì các đại lý phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý sẽ là một trở ngại đối với DN trong việc mở rộng mạng lưới và nhân lực bán hàng như hiện nay. Hiện nay, do tính chất bấp bênh của công việc làm đại lý nên nhân sự liên tục biến động.
Giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ lại nhận định, việc yêu cầu phải có chứng chỉ đại lý là rất tốt nhằm quy định chặt chẽ trách nhiệm của người bán bảo hiểm. Tuy nhiên, việc đào tạo cần tính toán ở mức độ vừa phải về liều lượng và tạo điều kiện cho người thi được cấp chứng chỉ thuận lợi.
Trên thực tế, đại lý bảo hiểm hiện nay chưa phải là một nghề, không có nhiều người sống và gắn bó trong một thời gian dài với nghề đại lý bảo hiểm. Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm đang trong giai đoạn phát triển, nếu yêu cầu hoạt động đại lý phải đăng ký kinh doanh sẽ làm hạn nguồn cung nhân sự đáng kể. Do đó, cần quy định rõ, cho dù trong vai trò nào thì DNBH phải là người chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng khi rủi ro xảy ra. Đồng thời, cần lược bớt các thủ tục để người làm đại lý bảo hiểm hành nghề một cách thuận lợi.
Đông Hải
Đầu tư chứng khoán
|