Bảo hiểm nhóm: “Món ăn phụ”
Thời điểm cuối năm đang đến gần, đây cũng chính lúc các doanh nghiệp kinh doanh tính toán lợi nhuận sẽ đạt được cả năm và lên kế hoạch lương thưởng cuối năm, cũng như điều chỉnh chính sách phúc lợi cho nhân viên năm sau. Thời điểm này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp thị và quảng bá các sản phẩm bảo hiểm nhóm dành cho doanh nghiệp.
Trên thị trường hiện nay, những doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm này là AIA Việt Nam (đây là doanh nghiệp tiên phong đưa sản phẩm bảo hiểm nhóm vào thị trường Việt Nam), Liên doanh Bảo Minh CMG (nay là Dai-ichi Life Việt Nam), ACE Life và mới đây Prudential Việt Nam quyết định “trình làng” sản phẩm bảo hiểm “Phú Bảo Nghiệp”.
Với việc ra mắt sản phẩm “Phú Bảo Nghiệp”, Prudential Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam về danh mục sản phẩm đa dạng. Trong hơn 10 năm qua, công ty này giới thiệu ra thị trường trên 50 sản phẩm bảo hiểm, bao gồm sản phẩm bảo hiểm truyền thống, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết ngân hàng và mới nhất là bảo hiểm nhân thọ nhóm.
Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, xu hướng chung của các công ty bảo hiểm là phải đa dạng hóa danh mục sản phẩm bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm phải “phủ sóng” không chỉ cho một nhóm khách hàng, mà xu hướng chung là sẽ hướng tới tất cả đối tượng khách hàng. Sau khi ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhóm, sản phẩm bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp cũng sẽ được Prudential Việt Nam nghiên cứu.
Tại AAA Việt Nam, những sản phẩm bảo hiểm nhóm mà công ty này đang triển khai là bảo hiểm nhóm dành cho toàn bộ nhân viên, bảo hiểm nhóm dành cho đội ngũ nhân sự chủ chốt, chương trình giữ chân người tài cho toàn bộ nhân viên, chương trình giữ chân người tài cho người chủ chốt. Ngoài ra, AIA Việt Nam còn có các sản phẩm bảo hiểm nhóm có tính bảo vệ cao, như bảo hiểm hưu trí dành cho nhân sự cấp cao. Các sản phẩm này đều có chung ưu điểm là bảo vệ nhân viên suốt 365 ngày/năm, 24 giờ/ngày trên toàn thế giới…
Bảo hiểm nhân thọ nhóm là chương trình bảo hiểm dành cho nhân viên được các doanh nghiệp quan tâm rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Việc tham gia bảo hiểm cho nhân viên được xem như là một hình thức tăng thêm phúc lợi của doanh nghiệp dành cho các nhân viên của mình. Chương trình bảo hiểm này cũng sẽ góp phần gia tăng sự trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp, vì họ cảm thấy được đánh giá đúng và tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của mình đối với doanh nghiệp… Ở Việt Nam, bảo hiểm nhóm xuất hiện đã khá lâu, nhưng thời gian qua vẫn chưa thực sự “bùng nổ”, bởi rất nhiều lý do, dù các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đã nhận thấy tiềm năng rất gần của phân khúc này.
Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, bảo hiểm nhóm tại Việt Nam chưa phát triển, vì hiện tại, ngay cả “món ăn chính” là các sản phẩm bảo hiểm chính bán cho cá nhân, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn chưa khai thác hết tiềm năng. Chính vì thế, “món ăn phụ” chưa được quan tâm tới.
Tại các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, sản phẩm bảo hiểm nhóm được bán rất chạy, vì đây chính là một giải pháp tốt giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù đã được không ít doanh nghiệp triển khai, nhưng đến nay, dòng sản phẩm này không phải là dòng sản phẩm chủ lực của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Bởi lẽ, chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam nghĩ tới giải pháp mua bảo hiểm nhóm cho nhân viên. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến giải pháp để giữ chân nhân sự, mà mới chỉ tập trung làm đúng theo quy định của pháp luật về chính sách phúc lợi cho người lao động.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đã hoạt động 10 năm ở Việt Nam cho biết, tỷ lệ tái tục sản phẩm bảo hiểm nhóm của Công ty khá cao, với mức hiện tại là trên 80%. Tuy nhiên, sản phẩm bảo hiểm nhóm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới chủ yếu bán cho doanh nghiệp nước ngoài, lãnh sự quán và đại sứ quán… mua cho nhân viên của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mua sản phẩm này chủ yếu là công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh và một số ngân hàng lớn, nhưng tỷ lệ tham gia vẫn còn khá khiêm tốn.
Hơn nữa, hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa chấp nhận việc hạch toán tiền mua bảo hiểm của doanh nghiệp cho nhân viên vào trong chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính vào giá thành, dù các doanh nghiệp đã kiến nghị từ những năm 2001 - 2002. Đây cũng là một trong những “rào cản” cho sự phát triển của dòng sản phẩm này. Được biết, quy định này dự kiến sẽ được Bộ Tài chính trình sửa đổi trong Luật Kinh doanh bảo hiểm mới.
Ngọc Lan
Đầu tư chứng khoán
|