Khắc phục thiên tai miền Trung: Doanh nghiệp bảo hiểm ở đâu?
Vừa qua, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Phú Yên đã phải hứng chịu sự tàn phá của các cơn lũ lịch sử.
Để giải quyết hậu quả lũ lụt, bên cạnh sự cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong cả nước với tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào đã quyên góp tiền, hàng trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nhân dân vùng lũ trong cơn bĩ cực. Các doanh nghiệp bảo hiểm góp phần mình như thế nào trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt?
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, 2 cơn lũ lụt lịch sử trong tháng 10 vừa qua xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị đã làm 165 người chết và mất tích, 117 người bị thương, 439.536 căn nhà bị hư hại, 405.769 gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi, gây thiệt hại vật chất thực tế lên tới 8.500 tỷ đồng. Thiệt hại mang tính hậu quả như ngừng trệ sản xuất, xử lý môi trường hay việc cát vùi ruộng nương… chưa thể tính ngay ra tiền, vì không dễ xử lý trong một sớm một chiều.
Bảo hiểm rủi ro là một dịch vụ tài chính, qua đó các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khi không may bị thiên tai và tai nạn bất ngờ gây thiệt hại sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường để ổn định đời sống, khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hiện Việt Nam có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong 165 người chết và mất tích, chỉ có 1/2 đã mua bảo hiểm. Điều này cũng có nghĩa là các công ty bảo hiểm chỉ phải chi khoảng 3 tỷ đồng, vì mức trách nhiệm cao nhất là 50 triệu đồng đối với các trường hợp đi trên xe khách bị chết. Học sinh bị nạn, mức trách nhiệm bảo hiểm chỉ ở mức 10 triệu đồng/người. Số xe ôtô bị nạn cũng không lớn, vì số lượng ôtô tại các vùng nông thôn không nhiều, thiệt hại không tới 5 tỷ đồng. Hệ thống đường sá thiệt hại rất lớn, nhưng hầu hết bị xói lở không phải trong quá trình xây dựng, nên không thuộc phạm vi bảo hiểm. Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất - kinh doanh thì hầu như không đặt tại các vùng nông thôn, miền núi, mà đây lại là các đối tượng chủ yếu tham gia bảo hiểm, thế nên các công ty bảo hiểm cũng chỉ phải bồi thường rất ít. Thiệt hại lớn nhất cần được hỗ trợ ngay và hỗ trợ về lâu dài là của bà con nông dân về nhà cửa (439.536 căn), gia súc (405.769 con), ruộng vườn, cây cối và hoa màu thì hầu như không có bảo hiểm. Vì vậy, việc trông chờ vào các công ty bảo hiểm là vô vọng.
Trong những năm qua, các công ty bảo hiểm Việt Nam đã mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ở các khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu vùng xa, dịch vụ bảo hiểm còn xa lạ với người dân, chủ yếu là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe gắn máy và bảo hiểm thân thể học sinh. Cách đây trên 10 năm, Bộ Tài chính đã cho phép triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp tại Hà tĩnh và một số tỉnh phía Nam. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ nông dân một phần chi phí mua bảo hiểm, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc này chỉ được tiến hành trong vài năm, sau đó thì dừng hẳn.
Như vậy, có thể nói, các công ty bảo hiểm có rất ít vai trò trong việc góp phần khắc phục hậu quả của cơn lũ lớn. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp phải chi ra là rất nhỏ, không đáng kể so với thiệt hại, trong khi đáng lẽ đây phải là một kênh quan trọng nhất. Nếu nhìn ra thế giới thì thấy đó là nghịch lý, vì bảo hiểm không chỉ là dịch vụ tài chính, mà còn là một trong những chính sách đảm bảo xã hội, nhất là khi có thiên tai lớn xảy ra trên diện rộng.
Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, bão lũ thường xuyên xảy ra, mà miền Trung là nơi gánh chịu nhiều nhất. Thống kê cho thấy, 10 năm trở lại đây, các trận bão lũ lớn thường xảy ra tại miền Trung. Mỗi khi thiên tai xảy ra, Nhà nước và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân đều vào cuộc để cùng miền Trung khắc phục hậu quả. Việc làm này là trách nhiệm, đồng thời là nghĩa cử. Nhưng nếu thiên tai liên tục xảy ra, liệu việc đóng góp của các tầng lớp dân cư có thể đạt kết quả như đợt vừa qua? Vì vậy, đã tới lúc nên đặt vấn đề có biện pháp để các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng diện bảo hiểm cho nông dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ hay các tổ chức cứu trợ nên vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước thành lập quỹ để mua bảo hiểm cho nông dân nghèo miền Trung. Quỹ này chỉ mua bảo hiểm thiệt hại thân thể khi có rủi ro thiên tai mang tính thảm họa như cơn lũ vừa qua, như vậy mức phí sẽ rất thấp, hoàn toàn nằm trong khả năng giúp đỡ của các doanh nghiệp, đoàn thể.
Đối với nông nghiệp, Nhà nước nên tạo điều kiện thành lập công ty bảo hiểm tương hỗ, hoạt động phi lợi nhuận (Nhà nước đã có khung pháp lý cho hoạt động này từ năm 2000, nhưng tới nay vẫn chưa có công ty bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập), Nhà nước hỗ trợ nông dân một phần phí để mua bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng chính sách đã được triển khai tốt trong cả nước thì việc tổ chức bảo hiểm rủi ro cho nông dân và nông nghiệp không thể không làm và hoàn toàn có thể thực hiện được. Trường hợp chưa thể thành lập được công ty bảo hiểm tương hỗ, Nhà nước nên giao cho một vài công ty bảo hiểm có năng lực tài chính tổ chức hoạt động này. Triển khai được việc bảo hiểm cho nông nghiệp, nông dân, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc cứu trợ, giải quyết khó khăn cho nông dân, ổn định sản xuất cho người bị thiên tai gây thiệt hại vì nguồn kinh phí ổn định, sẵn có và được dự liệu từ công ty bảo hiểm, Nhà nước cũng không bị động trong việc chi tiêu ngân sách.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Nên chăng, việc thành lập công ty bảo hiểm tương hỗ phi lợi nhuận và Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân cần được đưa vào bàn nghị sự.
ThS. Thái Văn Cách, Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Viễn Đông
Đầu tư chứng khoán
|