Người gửi tiền cần được bảo vệ bằng luật bảo hểm tiền gửi
Trong bối cảnh giá vàng giá USD “nhảy múa”, lãi suất huy động cũng liên tục điều chỉnh, người dân lo âu về khoản tiền nhàn rỗi của mình nên dễ rút tiền gửi tại các ngân hàng để mua vàng và USD.
|
Nhiều người rút tiền gửi ở ngân hàng để mua vàng và USD đang tăng giá |
Hiệu ứng tâm lý trên cũng góp phần đẩy giá vàng và giá đô la Mỹ lên cao bất thường trong những ngày qua. Hiện nay, hàng nghìn tấn vàng được tích trữ trong dân, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động tiền gửi, người dân, các doanh nghiệp, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Bảo vệ người gửi tiền trong bối cảnh như vậy là hết sức cần thiết. Đồng thời, để người dân gửi tiền vào các ngân hàng, nhiều giải pháp cần thiết được đưa ra.
Bên cạnh việc giữ ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo tính ổn định, phản ứng kịp thời, có tính dự đoán, tránh “giật cục”, “chạy theo chữa cháy” của các chính sách kinh tế, giải pháp bảo vệ người gửi tiền cũng hết sức quan trọng. Điều này sẽ tạo được niềm tin cho dân đối với hệ thống ngân hàng, giảm được tâm lý rút tiền để “chạy marathon” theo vàng và đô la Mỹ đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn.
BHTGVN thực hiện tốt việc bảo vệ người gửi tiền
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính Nhà nước duy nhất ở nước ta được Chính phủ thành lập để thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Việc tham gia BHTG đối với các tổ chức tín dụng là bắt buộc. Mặc dù được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách nhưng người gửi tiền không phải tham gia BHTG, không phải đóng phí bảo hiểm, trách nhiệm đóng phí BHTG thuộc về các tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên các tổ chức tham gia BHTG. Trong trường hợp tổ chức đó gặp khó khăn tạm thời về tài chính nhưng chưa đến mức đặt trong trạng kiểm soát đặc biệt hoặc đổ vỡ, BHTGVN sẽ hỗ trợ tài chính cho tổ chức gặp khó khăn. Tình huống xấu nhất xảy ra là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ, BHTGVN sẽ đứng ra chi trả tiền gửi cho người gửi tiền với số tiền 50 triệu đồng cho mỗi một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Số tiền vượt quá 50 triệu đồng sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Trong thực tế hơn 10 năm qua, BHTGVN đã thực hiện tốt việc bảo vệ người gửi tiền góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Với số vốn pháp định ban đầu do ngân sách Nhà nước cấp là 1000 tỷ đồng, sau thời gian hoạt động số vốn này đã tăng lên khoảng 6000 tỷ đồng. BHTGVN đã thực hiện chi trả cho hơn 1000 người gửi tiền với số tiền gần 20 tỷ đồng tại một số Quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ nằm rải rải trên khắp các vùng miền của tổ quốc, góp phần quan trọng ngăn chặn tình trang rút tiền hàng loạt, tạo lập niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng, tránh được kịch bản đổ vỡ dây truyền như đã từng xảy ra vào những năm cuối của thập niên 90 mà đã để lại hệ lụy nặng nề đối với nền kinh tế và niềm tin của dân.
Đồng thời, tổ chức này thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với hơn 1000 tổ chức tham gia BHTG, đã đưa ra cảnh báo kịp thời đến các cơ quan chức năng về các tổ chức tín dụng có vấn đề để từ đó có những đề xuất chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, BHTGVN đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho một số Quỹ tín dụng Nhân dân gặp khó khăn tạm thời về tài chính, giúp các tổ chức này dần phục hồi và hoạt động trở lại bình thường.
Chính sách BHTG bộc lộ nhiều bất cập
Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động chính sách BHTG đã thể hiện một số bất cập. Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội vào sáng ngày 11/10/2010 TS. Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội cho rằng: “Mặc dù hạn mức chi trả tiền gửi được xây dựng trên tiêu chí bảo vệ số đông người gửi tiền, nhưng với hạn mức 50 triệu đồng như hiện nay là quá thấp vì hạn mức này được quy định từ năm 2005 và thu nhập người dân thay đổi, giá cả bây giờ tăng cao nhiều lần so với thời điểm đó”.
Mặc dù có sự tăng trưởng về nguồn vốn sau 10 năm hoạt động, tuy nhiên với quy mô của các ngân hàng như hiện nay thì năng lực tài chính của BHTGVN còn hạn chế. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa- Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính: “Tổ chức BHTG cần phải có một tiềm lực tài chính đủ lớn để có thể đứng ra gánh vác những khoản cần thiết phải xử lý. Thời nay, không có vốn lớn không thể bảo hiểm được cho các định chế tài chính, những chức năng và nhiệm vụ khác cũng trên nền tảng tài chính phải mạnh”.
Bên cạnh đó, TS. Dương Thu Hương - Tổng thư ký hiệp hội ngân hàng cho rằng: “ Địa vị pháp lý của tổ chức BHTGVN, sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong đó có BHTGVN trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia chưa rõ ràng, vai trò của BHTGVN trong việc xử lý đổ vỡ tín dụng chưa theo thông lệ quốc tế”.
Theo ông Mai Minh Đệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTGVN: “Đúng là chính sách BHTG tại hiện nay đã thể hiện nhiều bất cập. Để tổ chức BHTGVN thực hiện tốt vai trò bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng, các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh chính sách kịp thời phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và theo thông lệ quốc tế.”
Ban hành Luật BHTG - Tạo lập niềm tin với dân
Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Để tạo lập niềm tin cho dân một cách ổn định và mang tính chất lâu dài, chúng ta phải xây dựng Luật BHTG để điều chỉnh những hạn chế, bất cập đó”. Việc xây dựng Luật BHTG là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế, luật pháp cho rằng rất cần thiết.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: “Định chế BHTG là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức thị trường tài chính của một quốc gia, là người tham gia “canh gác” về sự an toàn cho cả hệ thống. Do đó, trong quá trình xây dựng và phát triển của thị trường tài chính nước ta theo hướng bền vững, cần thiết phải xây dựng và nâng cấp cơ sở pháp lý cho BHTGVN tương xứng với vị trí và vai trò của tổ chức này trong mối quan hệ với các định chế tài chính-tín dụng khác. Một đạo luật về tổ chức và hoạt động của BHTGVN cần sớm được ban hành đồng bộ với việc hoàn thiện các đạo luật liên quan đến các định chế tài chính, tín dụng- ngân hàng khác”.
Về vấn đề này, bà Dương Thu Hương nhận định: “Ở các quốc gia Luật BHTG được ban hành trước khi tổ chức BHTG ra đời, còn ở Việt Nam thì ngược lại”.
Với quan điểm bảo vệ người gửi tiền là bảo vệ lợi ích của xã hội, bảo vệ Nhà nước, Ông Trần Thế Vượng, trưởng ban dân nguyện của Quốc hội thì cho rằng: “Quốc hội cần ban hành Luật BHTG trong đó phải có nội dung quan trọng về chính sách, biện pháp, giải pháp để bảo vệ người gửi tiền. Việc ban hành luật hiện nay là cần thiết và có phần hơi chậm. Đáng lẽ Luật BHTG phải được ban hành ngày sau khi có sự kiện đổ vỡ tín dụng vào cuối những năm 90. Tuy nhiên vì nhiều lý do này khác chúng ta chưa làm được. Hiện nay, Luật BHTG cần được ban hành đúng lộ trình mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề ra.”
Thúy Sen
Vietnamet
|