Thứ Tư, 24/11/2010 09:22

Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, khi nào cần?

Nghị định 102/2010/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp, vừa được ban hành hồi đầu tháng 10-2010.

Có thể xem nghị định này là bước tiến lớn trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ khi đã dành cho họ quyền khởi kiện cán bộ quản lý vi phạm trách nhiệm trong việc điều hành công ty. Nghị định này cũng đặt nặng hơn vấn đề trách nhiệm pháp lý của người điều hành công ty. Do vậy, điều này sẽ khiến những người điều hành công ty tìm kiếm một giải pháp bảo vệ mình trước những rủi ro pháp lý trên.

Bảo hiểm 3 trong 1

Khi cán bộ quản lý có sai phạm, họ có thể bị sa thải, miễn nhiệm khỏi vị trí quản lý, bồi thường cho công ty và cổ đông khi có thiệt hại về tài chính, và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo luật dân sự, hoặc hình sự.

Tuy nhiên, hàng ngày, một cán bộ quản lý phải đưa ra nhiều quyết định trong công việc của công ty mà khó có thể chắc chắn mình sẽ không có sai sót trong quá trình ra quyết định. Nếu xảy ra sai sót, người đó phải chịu trách nhiệm cá nhân. Công ty chỉ có thể hỗ trợ tiền bồi thường cho đội ngũ quản lý trong trường hợp họ ra quyết định đúng trong phạm vi quyền hạn của mình. Còn trong trường hợp sai sót dẫn đến thiệt hại tài chính quá lớn cho cổ đông, trong khi cá nhân cán bộ quản lý cũng không thể bồi thường toàn bộ, thì rủi ro đó ai sẽ gánh chịu?

Đây là lý do chủ yếu để các công ty mua sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc” (Directors & Officers Liability Insurance) cho cán bộ quản lý, được xem như là một trong những biện pháp để quản trị rủi ro cho đội ngũ cấp cao của mình.

Sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc” đã được Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Chartis (tiền thân là AIG) giới thiệu tại Việt Nam từ năm 2008. Sản phẩm bảo hiểm này được kỳ vọng sẽ đem đến sự bảo vệ cho ba đối tượng là cổ đông (nếu cán bộ quản lý sai phạm và không có tiền bồi thường), công ty, và chính bản thân những người ở vị trí quản lý như thành viên HĐQT và giám đốc. Mức phí bảo hiểm của sản phẩm này được tính toán dựa trên báo cáo tài chính của công ty cũng như mức giới hạn trách nhiệm mà người mua lựa chọn. Tuy nhiên, đến nay, loại sản phẩm đặc trưng này vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết hiện sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc” chủ yếu do những công ty bảo hiểm nước ngoài cung cấp.

Tiềm năng còn xa

Theo ông Lộc, thông thường chỉ những công ty nước ngoài e sợ cán bộ quản lý của mình ra quyết định sai, ảnh hưởng đến công ty mới mua loại bảo hiểm này cho các giám đốc đến làm việc ở Việt Nam.

Sản phẩm bảo hiểm trên trong thực tế khá xa lạ với người Việt Nam khi nhận thức về vấn đề trách nhiệm pháp lý của những người điều hành công ty còn thấp ở cả doanh nghiệp lẫn các cổ đông. Nếu cổ đông bất mãn về việc điều hành của giám đốc công ty, cùng lắm họ cũng chỉ phê bình trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mà mỗi năm chỉ có một lần, chứ ít ai nghĩ đến việc kiện người đó ra tòa vì tội vô trách nhiệm gây thiệt hại tài chính cho mình.

Trong khi đó, theo ông Lộc, trong điều lệ công ty thường ít đề cập đến vấn đề nếu giám đốc ra quyết định sai gây ảnh hưởng lớn cho công ty thì cá nhân người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Ông Lộc cho biết: ở nước ngoài, tư tưởng giám đốc chỉ là người làm thuê khá rõ ràng. Còn ở Việt Nam, làm giám đốc một công ty được xem là có quyền hành trong tay, dễ dẫn tới lạm quyền mà không hề ý thức đến trách nhiệm cá nhân của mình với cổ đông và công ty. Vì lý do đó, sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc” vẫn chưa thể phát triển tại đây.

Khi được hỏi công ty có dự định mua loại bảo hiểm này cho cán bô quản lý cao cấp của mình không, phó chủ tịch của một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại TPHCM trả lời ngay rằng chưa hề biết đến loại sản phẩm này.

Trong khi đó, tổng giám đốc của một ngân hàng nhỏ cho rằng HĐQT ngân hàng có biết đến sản phẩm này, nhưng có thể do chi phí cao nên họ chưa muốn mua cho cán bộ quản lý.

Sau hơn hai năm triển khai sản phẩm “Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc” tại Việt Nam,người mua loại bảo hiểm này chỉ chủ yếu là những doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và quỹ đầu tư có cán bộ quản lý người nước ngoài.

Tuy nhiên, đại diện Chartis cho biết công ty đánh giá cao tiềm năng của sản phẩm này trong tương lai vì khi pháp luật Việt Nam ngày càng đặt nặng nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ quản lý, thì rủi ro của họ cũng ngày càng gia tăng và nhu cầu mua loại bảo hiểm này cũng sẽ tăng theo.

Nghị định 102 vừa ban hành, theo ông Lộc, sẽ khiến nhiều người quan tâm hơn đến sản phẩm bảo hiểm này nhưng chỉ là trong tương lai xa, khi ý thức về trách nhiệm cá nhân của người quản lý tăng lên ở các công ty Việt Nam.

Quan trọng hơn, theo đại diện của Chartis, khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới và phải đối mặt với những hệ thống luật pháp của thế giới mà cán bộ quản lý không thể nắm hết thì sản phẩm bảo hiểm trên cũng có thể bảo vệ cán bộ quản lý trước những khiếu kiện ở nước ngoài.

Thủy Triều

tbktsg

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm nhân thọ “tung hàng” dịp cuối năm  (20/11/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Nhiều DN “vỡ kế hoạch”! (18/11/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: Năm thành công đến sớm (16/11/2010)

>   Hợp tác xã bảo hiểm, tại sao không? (13/11/2010)

>   Cải cách bảo hiểm tiền gửi: Xu hướng tất yếu (13/11/2010)

>   Người gửi tiền cần được bảo vệ bằng luật bảo hểm tiền gửi (11/11/2010)

>   Khắc phục thiên tai miền Trung: Doanh nghiệp bảo hiểm ở đâu? (11/11/2010)

>   Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu ngoài tầm với của DN? (02/11/2010)

>   Thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (28/10/2010)

>   Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ (27/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật