Thứ Tư, 08/12/2010 19:21

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài

Chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi đang là xu hướng phổ biến tại các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới. Hiện thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp lớn có cổ đông chiến lược ngoại là Bảo Minh - AXA, Bảo Việt - HSBC, PVI - OIF. Với kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong tương lai gần, các nhà đầu tư nước ngoài có thêm nhiều cơ hội tham gia đầu tư vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Chiến lược hướng ngoại

Theo lộ trình mở cửa thị trường bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tập trung vào phát triển các sản phẩm thế mạnh, cũng như nhắm tới đối tượng khách hàng mục tiêu, bên cạnh đó, là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, năng lực cạnh tranh…. trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.

Chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm chia sẻ: Sự tương đồng trong lĩnh vực hoạt động và khả năng hỗ trợ công nghệ, quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế và tốt hơn nữa là có thể giúp mở rộng thị trường là những yếu tố mà các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ rất cần, nhà đầu tư chiến lược là các đối tác “ngoại” có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Tổng công ty CPBH Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cho biết: Ngay sau khi IPO và niêm yết, BIC sẽ tìm một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đối tác chiến lược sẽ là các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm uy tín nước ngoài. Thực tế, trong thời gian vừa qua đã có nhiều công ty bảo hiểm lớn trên thế giới và các nhà tư vấn tìm kiếm cổ đông chiến lược tìm đến BIC. BIC sẽ lựa chọn đối tác phù hợp.

Hiện trong số 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp lớn có cổ đông chiến lược ngoại là Bảo Minh - AXA, Bảo Việt - HSBC, PVI - OIF.

Đại diện PVI cho biết: việc lựa chọn OIF là cổ đông chiến lược bởi OIF có sự tương đồng với PVI trong lĩnh vực năng lượng, vốn là thế mạnh của PVI nên có thể hỗ trợ trong việc quản lý và đánh giá rủi ro. Ngoài ra, OIF là quỹ đầu tư trực tiếp nên rất chú trọng trong việc cùng tham gia quản lý tại các công ty mà họ góp vốn. Hợp tác với OIF cũng tạo tiền đề mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông đầy tiềm năng.

Trong phương án phát hành cho cổ đông chiến lược để thực hiện tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng trong năm nay, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược là các công ty trong và ngoài nước có thương hiệu mạnh và sẽ hỗ trợ VASS về hoạt động quảng bá thương hiệu, gia tăng hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư. Không chỉ VASS, nhiều doanh nghiệp khác cũng đặt ra mục tiêu tìm kiếm cổ đông chiến lược với các tiêu chí tương tự.

Tiềm năng phát triển bền vững

Với những thay đổi về hoạt động quản trị kinh doanh cũng như công nghệ sau khi hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đạt được kết quả khả quan. Bảo Minh đầu tư có hiệu quả vào dự án ứng dụng công nghệ thông tin dài hạn (BEST, có chức năng theo dõi tra cứu hợp đồng, quản lý rủi ro, định phí bảo hiểm), thành lập trung tâm bồi thường xe ôtô nhằm nâng cao chất lượng bồi thường… Bảo hiểm Bảo Việt cũng đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm BVPROP, BV Care, Insur J, Sun Account và tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động nội bộ…

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2010 cho thấy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục tăng trưởng 25,97% về doanh thu phí bảo hiểm với 12.417 tỉ đồng. Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO, BIC…. tiếp tục là những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Đại diện PVI cho biết: PVI đang nỗ lực cho các mục tiêu cao hơn, đặc biệt là việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế, PVI sẽ hướng đến các thị trường danh tiếng như sàn New York hoặc sàn London. Mục tiêu tới năm 2015, PVI sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động và tái cấu trúc hệ thống theo hướng chuẩn hóa quốc tế.

Đánh giá về thị trường những tháng gần đây, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhận định: Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện đa dạng hơn về loại hình bảo hiểm, đáp ứng nhanh hơn về nhu cầu của các đơn vị và các tầng lớp dân cư cả về các nhu cầu bảo hiểm đơn lẻ. Các doanh nghiệp vẫn cạnh tranh quyết liệt nhưng chú trọng nhiều hơn đến cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Hiện mức độ thâm nhập thị trường của sản phẩm bảo hiểm còn chưa cao, vì vậy triển vọng ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong nhiều năm tới tiếp tục tăng trưởng.

Tổng giám đốc Groupama Việt Nam, ông Bùi Văn Khoa khẳng định: Với tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm trên GDP của ngành phi nhân thọ ở mức thấp như hiện nay (mức 1%) thì đà tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam còn rất lớn, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài./.

MOF

Các tin tức khác

>   Đau đầu với đại lý bảo hiểm (06/12/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: “Chuông kêu xứ người”! (02/12/2010)

>   Sửa luật, có “kích” được thị trường bảo hiểm? (01/12/2010)

>   Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (30/11/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Cạnh tranh đã đến mức báo động (29/11/2010)

>   Bảo Việt hợp tác với Ngân hàng Shinsei (25/11/2010)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: “Ngấm đòn” suy thoái? (25/11/2010)

>   Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, khi nào cần? (24/11/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “tung hàng” dịp cuối năm  (20/11/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Nhiều DN “vỡ kế hoạch”! (18/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật